Bắc Kạn sẽ phát triển nông nghiệp hữu cơ

Tỉnh Bắc Kạn đã định hướng, xác định nông nghiệp hữu cơ là một trong những trọng tâm chính trong phát triển nông nghiệp Bắc Kạn trong 5 năm tới.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế tất yếu hiện nay. Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 tại Quyết định 885/QĐ-TTg nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Một trong những quan điểm chỉ đạo thực hiện Đề án là phát triển nông nghiệp hữu cơ ở các quy mô, cấp độ từ hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm tạo ra thực phẩm hữu cơ, môi trường an toàn cho người nông dân và sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Bắc Kạn có triển vọng lớn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các lợi thế đó là đất sạch, nước sạch, không khí sạch, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; trình độ canh tác, sản xuất phù hợp. Trước khi Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030, tỉnh Bắc Kạn đã có định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/4/2016 về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường giai đoạn 2016-2020. Để tạo ra sản phẩm có thương hiệu, tỉnh chủ trương phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ.

Theo Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035” được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2732/QĐ-UBND ngày 31/12/2019, tỉnh Bắc Kạn đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 40% các sản phẩm nông lâm nghiệp chủ lực (gỗ, dược liệu, cam, quýt, hồng không hạt, trâu, bò, lợn, miến dong, chè) có truy suất nguồn gốc và đạt các tiêu chuẩn hữu cơ hoặc VietGap, tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững hoặc FSC; 30% sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ. Mục tiêu đặt ra cho các sản phẩm cây ăn quả là 100% diện tích phải được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó ít nhất 50% được cấp giấy chứng nhận là sản phẩm hữu cơ…

Miến dong là một trong những sản phẩm tỉnh Bắc Kạn
hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được xác định thực hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Nghị quyết xác định một trong bốn chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025 đó là: “Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mở rộng liên kết sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa, thực hiện Chương trình trọng tâm trên, tỉnh hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch (nông nghiệp hữu cơ). Tới đây, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII sẽ ban hành các Nghị quyết chuyên đề về nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ tham mưu đề xuất các nội dung thực hiện, trong đó có nội dung thực hiện nông nghiệp hữu cơ.

Bắc Kạn hướng đến phát triển vùng nguyên liệu mơ đạt chuẩn hữu cơ

Mặc dù tỉnh có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuy nhiên, hiện nay tỉnh đang lúng túng về cách thức tổ chức thực hiện. Để triển khai phát triển nông nghiệp hữu cơ đúng hướng, tỉnh Bắc Kạn đã làm việc với một số đơn vị như Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam để bàn một số nội dung về nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc với Công ty Cổ phẩn tập đoàn Quế Lâm (tháng 7/2020), hai bên đã thảo luận những nội dung để ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giai đoạn 2020-2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm sẽ phối hợp với tỉnh triển khai xây dựng mô hình sản xuất hữu cơ đối với các cây trồng: Mơ, chè, dong riềng, nghệ, bí thơm, gạo Japonica, gạo Bao Thai Chợ Đồn và chăn nuôi lợn an toàn sinh học. UBND tỉnh đã đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ tỉnh trong định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ trong nước, tiến tới xuất khẩu. Cử cán bộ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khảo sát thực trạng để lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình. Trên cơ sở các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tập trung phối hợp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đối với các loại cây trồng chính theo kế hoạch của tỉnh, cùng nhau xây dựng phát triển thị trường tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ khi đảm bảo các yêu cầu. Hướng dẫn quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xử lý các chất phế thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân tại các mô hình liên kết. Đánh giá chất đất và tư vấn những loại phân hữu cơ phù hợp với từng loại cây trồng. Kết nối và tư vấn, hỗ trợ tỉnh trong tổ chức, đánh giá, chứng nhận sản phẩm hữu cơ…

Tháng 11/2020, chủ trì buổi làm việc với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định, tỉnh Bắc Kạn đã định hướng, xác định nông nghiệp hữu cơ là một trong những trọng tâm chính trong phát triển nông nghiệp Bắc Kạn trong 5 năm tới; đề nghị Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam trong thời gian tới tiếp tục quan tâm, phối hợp với tỉnh Bắc Kạn về định hướng xây dựng và phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

Qua buổi làm việc với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Hội Nông dân tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh và kế hoạch tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp hữu cơ. Phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam nghiên cứu, xây dựng, tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ bám sát nội dung Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh bổ sung các chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ đối với Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Chủ động và kịp thời tham mưu, đề xuất các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ trong quá trình xây dựng Nghị quyết chuyên đề thực hiện nhiệm vụ phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường theo Nghị quyết số 16-NQ/ĐH ngày 28/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

HTX Yến Dương (Ba Bể) trồng lúa Nếp Tài theo tiêu chuẩn hữu cơ

Mặc dù chưa có kế hoạch cụ thể thực hiện các chỉ tiêu sản phẩm hữu cơ nhưng thực tế, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ như Hợp tác xã (HTX) Hương Ngàn đã xây dựng được vùng nguyên liệu xả chanh tại xã Kim Lư (huyện Na Rì) với diện tích 19.650 m2 và đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ (có hiệu lực từ 14/8/2020 – 13/8/2022). Năm 2020, được Chương trình Hỗ trợ rừng và Trang trại (FFF) hỗ trợ, cán bộ Hội Nông dân tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Hội Nông dân các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Hội Nông dân các xã Phương Viên, Yến Dương đã được đào tạo về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS). Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ HTX Hoàn Thành (Phương Viên), HTX Yến Dương (xã Yến Dương) theo quy trình sản xuất hữu cơ của PGS. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các đề tài/dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có nội dung sản xuất theo hướng hữu cơ như: “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn” (2017-2019), có nội dung xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu theo hướng hữu cơ với quy mô 20 ha tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” (2019-2021) có nội dung xây dựng mô hình chè thâm canh theo hướng hữu cơ; “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt” có nội dung xây dựng mô hình sản xuất bí xanh theo hướng hữu cơ tại xã Yến Dương (Ba Bể)…

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Bắc Kạn đang quyết tâm phát huy tiềm năng sẵn có để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn 




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 106
Views This Month : 2622
Views This Year : 10530
Total views : 71070
Language
Skip to content