Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Nhận thức quan điểm vừa chống dịch vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Công tác đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mang ý nghĩa tiếp tục khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, niềm tin chiến thắng, vượt qua thử thách khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam với hàng hóa, dịch vụ các nước trong khu vực và trên thế giới.Đồng thời để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2021.

Sở Công Thương đã tham mưucho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày  21 tháng 5 năm 2021 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với mục đích  nhằm khơi dậy niềm tự hào hàng Việt Nam, giúp nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng, mẫu mã, giá thành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thân yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội; đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa hàng hóa thiết yếu và hàng Việt Nam có chất lượng đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống người dân; khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng hoá tại Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

          Với mục tiêu cụ thể: Giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử…) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa,…); trên 90% người tiêu dùng và doanh nghiệp trên địa bàn biết đến Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”; trên 90% doanh nghiệp biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; trên 70% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Phong trào này;đến năm 2025 mỗi huyện, thành phố có ít nhất 01 (một) điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” lồng ghép với Điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản địa phương; tổ chức xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước. Để đạt đượcmục tiêu, Kế hoạch đã đề ra bốn nhómnhiệm vụ và giải pháp thực hiệncụ thể:

Nhóm nhiện vụ về công tác thông tin, tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt Nam, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người tiêu dùng. Đồng thời, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, trí thức, cùng toàn thể người lao động trong đổi mới tư duy và công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Nhóm nhiện vụ vềphát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam nhằm củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhóm nhiện vụ vềnâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt trên địa bàn tỉnh nhằmhỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có lợi thế của địa phương, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước hình thành và mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm, hàng hóa.

Về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, triển khai thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

*Giải pháp thực hiện nhóm nhiệm vụ về “Công tác truyên truyền”: Thực hiện đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cổ động vềcuộc vận động bằng các hình thức, nội dung phù hợp tại các địa điểm công cộng, các thiết chế văn hóa công cộng như thư viện, nhà văn hóa,… trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội; lồng ghép các hoạt động truyền thông với hình thức phong phú, sử dụng công nghệ thông tin, marketing, văn hóa nghệ thuật, phim ảnh để thông qua đó quảng bá cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam; phối hợp lồng ghép vào các chương trình hành động của các Sở, ngành, địa phương;

Tuyên truyền đến các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị – xã hội nhận thức đúng yêu cầu của Cuộc vận động, ưu tiên mua hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh trong nước ưu tiên sử dụng các trang thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước bảo đảm chất lượng khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình;

Các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và hướng tới thị trường khu vực và thế giới; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng về thương mại điện tử, các mô hình 4.0;

 Xây dựng các chương trình, chuyên mục để quảng bá về sản phẩm, hàng hóa Việt Nam; phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các ngành, các cấp; Tận dụng lợi thế, ưu điểm của các phương tiện truyền thông trên internet để cung cấp thông tin chính thống, tích cực quảng bá cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam; tuyên truyền về Cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học.

 Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng; cập nhật và công bố thường xuyên danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin trong nước sản xuất được, các danh mục quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia mới ban hành; thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên trang thông tin điện tử để phục vụ các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

*Giải pháp thực hiện nhóm nhiệm vụ về “Phát triển hệ thống phân phối hàng hóa cố định và bền vững, ưu tiên đối với hàng Việt Nam”:

Nghiên cứu và áp dụng chính sách nhằm hỗ trợ củng cố và mở rộng hệ thống phân phối, xây dựng các kênh phân phối văn minh, hiện đại đối với hàng Việt Nam; đa dạng hóa các loại hình phân phối, thiết lập hệ thống các điểm bán hàng Việt Nam bền vững, xây dựng điểm bán hàng Việt cố định gắn với điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của địa phương tại các điểm du lịch, khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ phát triển kinh tế đêm, áp dụng các biện pháp thích hợp để tăng cường liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm;

Tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện cho mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xây dựng lồng ghép, tích hợp phần hạ tầng thương mại vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mạitheo quy hoạch, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai thực hiện Cuộc vận động;

Tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương thực hiện Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến” (website: www.tuhaohangvietnam.vn); Tiếp tục nghiên cứu để triển khai Chương trình bình ổn thị trường một cách phù hợp, đồng thời gắn kết với việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động; ưu tiên đưa hàng Việt Nam vào hệ thống các điểm bán hàng bình ổn thị trường;

Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam như “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”; định kỳ hàng năm phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Tuần lễ hàng Việt”;

Đẩy mạnh các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn; tham gia các chương trình kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tăng cường phát triển mạng lưới bán buôn bán lẻ đến vùng sâu, vùng xa, quan tâm phát triển mạng lưới chợ nông thôn, góp phần tiêu thụ nông, lâm sản và cung cấp vật tư hàng hoá phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân địa phương.

Bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho xây dựng hạ tầng thương mại tại các trung tâm xã ở khu vực nông thôn theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

*Giải pháp thực hiện nhóm nhiệm vụ về “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt trên địa bàn tỉnh”.

Tổ chức các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có lợi thế của địa phương, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từng bước hình thành và mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm, hàng hóa;

Triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng mô hình công nghệ số tại thị trường trong nước;

Lồng ghép từ các chương trình, dự án để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp trên cơ sở sự hỗ trợ về  khoa học – kỹ thuật, tài chính phù hợp để phát triển vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng cho sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi ngành nghề phù hợp, tăng cường hoạt động tư vấn tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống,…;đồng thời tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ phù hợp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Quan tâm phân bổ kinh phí cho công tác đào tạo nghề, tập huấn nghiệp vụ cho lao động nông thôn, cán bộ tại các xã tham gia công tác quản lý theo nhu cầu, tạo nguồn nhân lực tại địa phương bền vững cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Kinh phí thực hiện:

 Ngân sách nhà nước; nguồn tài trợ, viện trợ, huy động đóng góp hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; lồng ghép từ các nguồn chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình khác có liên quan.

Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Kế hoạch này; hàng năm căn cứ nhiệm vụ được giao lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định theo quy định của luật Ngân sách nhà nước (đối với nhiệm vụ sử dụng Ngân sách tỉnh); báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh (nếu có). Chủ trì nghiên cứu đề xuất các nhiệm vụ, đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ngân sách Trung ương thực hiện.

Các sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiện vụ chủ động và phối hợp triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh qua Sở Công Thương./.

 (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 104
Views This Month : 3564
Views This Year : 11472
Total views : 72012
Language
Skip to content