Báo cáo hoạt động sản xuất, chế biến gỗ và giải pháp đầu ra cho sản phẩm gỗ trên địa bàn tỉnh

Thứ nhất, đánh giá về thực trạng phát triển công nghiệp chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh

Một là, Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến gỗ năm 2019 tăng 205,29% so với năm 2018 (theo số liệu niên giám thống kê năm 2019). Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2020, có sự ảnh hưởng của dịch covid-19 nhưng hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh vẫn có sự tăng trưởng khả quan, chỉ số sản xuất công nghiệp nhóm ngành chế biến gỗ tăng 40% so với 6 tháng đầu năm 2019, có được sự tăng trưởng đáng kể trên chủ yếu do hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất ván dán tại KCN Thanh Bình (năm 2019 sản xuất được khoảng 14.960m3 sản phẩm, tăng gần 10.000m3 so với năm 2018; 6 tháng đầu năm 2020 sản xuất được khoảng 16.200m3, tăng hơn 14.000m3 so cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019).

Hai là, Thực trạng ngành công nghiệp chế biến gỗ

Trên địa bàn tỉnh hiện đang có 240 cơ sở chế biến gỗ với 27 doanh nghiệp và 213 cơ sở hộ kinh doanh/hộ gia đình (99 cơ sở sản xuất đồ mộc; 4 cơ sở sản xuất ván dán; 5 cơ sở sản xuất đũa gỗ; 13 cơ sở sản xuất hạt gỗ, thanh chi tiết; 2 cơ sở sản xuất than hoạt tính; 117 cơ sở sản xuất ván bóc).

          Trong đó, chỉ có 08 cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn và được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án (hoạt động sản xuất ván dán, đũa gỗ). Còn lại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, công nghệ chế biến còn ở trình độ hạn chế, sản xuất đồ mộc gia dụng phục vụ nhu cầu của nhân dân địa bàn tỉnh, đặc biệt có đến 117 cơ sở (chiếm tỷ lệ 48,9%) là sản xuất ván bóc (ván mỏng) là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất ván dán trong khi sản phẩm ván bóc chủ yếu xuất bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ một phần nhỏ xuất bán cho các cơ sở sản xuất ván dán tại KCN Thanh Bình (trong khi năm 2019 sản lượng ván bóc trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 117.200m3, 6 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng trên  27.800m3).

Qua đó cho thấy hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chưa có tính ổn định, sản phẩm chủ yếu là sơ chế, sản phẩm tinh chế (đồ mộc gia dụng) chỉ phục vụ nội tỉnh nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần phần nhỏ, trong khi đó một phần lớn sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ gia dụng được một số cơ sở kinh doanh vận chuyển từ các tỉnh (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Nội…) về phục vụ nhu cầu của nhân dân trong tỉnh. Hiện nay các cơ sở sản xuất ván bóc đang tiếp tục gia tăng về số lượng cơ sở, sản phẩm ván bóc được xuất bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu, trong khi tại KCN Thanh Bình có 04 dự án/nhà máy sản xuất ván dán (tổng công suất hoạt động năm 2019 chưa đến 10% công suất thiết kế) là một thực trạng đáng báo động, việc khai thác gỗ tròn ồ ạt (trong đó nhiều sản lượng gỗ được khai thác chưa đủ tuổi) để sản xuất ván bóc và băm dăm gỗ sẽ làm cho nguồn nguyên liệu phục vụ các cơ sở ván dán trên địa bàn tỉnh thiếu hụt trầm trọng trong những năm tới, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của các dự án sản xuất ván dán đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh. Việc khai thác gỗ chưa đủ tuổi khai thác trong thời gian qua là thực trạng gây lãng phí nguồn lực (đất đai, nhân lực, tài nguyên rừng…).

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại các quốc gia thị trường lớn của ngành gỗ Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia, Canada… các đối tác và nhà phân phối đều thông báo cắt giảm, hoãn vô thời hạn hoặc hủy các đơn hàng đã ký đã ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ ván dán của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, hiện nay Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm gỗ dán của Việt Nam, do đó thị trường xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ ván dán đối mặt với nhiều thách thức. Từ đầu năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ ván dán cơ bản không xuất khẩu được sản phẩm, hàng tồn kho lớn nên một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động sản xuất cầm chừng, tiêu thụ sản phẩm trong nước để phần nào bù đắp chi phí sản xuất và trả lương cho người lao động.

Thứ hai, Về các tồn tại, hạn chế hoạt động khai thác chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh.

– Công tác liên kết giữa các cơ sở chế biến gỗ tinh chế (ván dán, đũa gỗ, đồ mộc gia dụng…) với các hộ dân trồng rừng trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa được các doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Khu vực đất rừng sản xuất địa hình chia cắt phức tạp, giao thông không thuận lợi, khó khăn trong việc hình thành vùng nguyên liệu gỗ, lâm sản tập trung nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến gỗ, lâm sản có quy mô lớn;

– Công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ nhỏ lẻ còn nhiều bất cập, đặc biệt trong công tác quản lý đất đai, môi trường liên quan đến nhà xưởng chế biến gỗ (nhà xưởng chủ yếu được xây dựng, lắp đặt trên đất trồng cây lâu năm, hằng năm và đất nông nghiệp, chỉ một số dự án chế biến gỗ được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp Thanh Bình hoặc làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất cơ sở sản xuất kinh doanh);

– Việc đầu tư trồng rừng của các thành phần kinh tế vẫn còn manh mún, chưa tập trung, chưa tạo ra được vùng nguyên liệu có qui mô lớn để phục vụ hoạt động chế biến. Các hộ gia đình chủ yếu là ở vùng miền núi, đời sống khó khăn, thiếu vốn sản xuất nên trồng rừng quảng canh, chu kỳ ngắn để nhanh cho sản phẩm, thu nhập dẫn đến chất lượng gỗ rừng trồng không cao, người dân bán gỗ non khiến cho giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, việc kéo dài thời gian khai thác rừng để kinh doanh gỗ lớn phục vụ công nghiệp chế biến là hết sức khó khăn;

– Vùng rừng nguyên liệu gỗ được cấp chứng nhận tiêu chuẩn rừng (chứng chỉ FSC) còn rất hạn chế, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC chỉ khoảng 921ha (tại các xã: Cao Kỳ, Nông Hạ, Hoà Mục – huyện Chợ Mới), do đó việc cung ứng nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu cho các nhà máy sản xuất gỗ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn;

– Cơ sở hạ tầng phục vụ cho lâm nghiệp còn rất thiếu đặc biệt là hệ thống đường giao thông, đường lâm nghiệp chưa được đầu tư kịp thời, trong khi hiện nay nhiều diện tích rừng trồng đã và sắp đến thời kỳ khai thác, tuy nhiên hệ thống đường lâm nghiệp của tỉnh chưa được thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt để cơ giới hóa trong khâu khai thác, vận chuyển lâm sản nên ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư phát triển rừng của người dân trên địa bàn (khó khăn cho công tác vận chuyển nguyên liệu rừng trồng khi đến tuổi khai thác, xuất bán… ảnh hưởng đến công tác thu mua, vận chuyển làm tăng chi phí sản xuất của người trồng rừng và các cơ sở chế biến). Hoạt động khai thác, chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, chưa đa dạng về sản phẩm, bên cạnh một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao như ván dán, đũa xuất khẩu thì các sản phẩm còn lại đều chủ yếu là dạng sơ chế như: Ván mỏng (ván bóc), dăm mảnh, thanh gỗ xẻ…

Thứ ba, về đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp

– Công ty CP Đầu tư Govina: Đề nghị tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ để doanh nghiệp có quy hoạch vùng nguyên liệu, đảm bảo duy trì nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài, đồng thời có nhu cầu được tiếp xúc với lãnh đạo các xã, huyện trong tỉnh có nguồn nguyên liệu là ván bóc, gỗ tròn nhằm mục đích để người sản xuất, người nông dân có thể trực tiếp bán nguyên liệu cho doanh nghiệp;

– Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam: Đề nghị tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp để phục vụ ổn định hoạt động sản xuất, hiện nay doanh nghiệp phải mua nguyên liệu (ván bóc) từ các tỉnh khác về sản xuất (do chất lượng sản phẩm ván bóc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không đáp ứng yêu cầu sản xuất ván dán xuất khẩu, các cơ sở ván bóc trên địa bàn tỉnh chưa phân loại cấp sản phẩm ván bóc, ván bóc được chế biến từ gỗ tròn chưa đủ tuổi khai thác…).

Thứ tư, Kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới

Một là, Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ

– Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, tổ chức thực hiện việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn đúng theo quy định của pháp luật (cấp phép hoạt động, chấp hành việc sử dụng đất đai, môi trường, cấp phép gỗ khai thác, chấp hành nghĩa vụ ngân sách nhà nước…);  trước mắt không cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ sở đầu tư loại hình sản xuất ván bóc để tập trung giải quyết, xử lý tồn tại của các cơ sở cơ sở đã đầu tư loại hình sản xuất ván bóc;

– Tham mưu thực hiện biện pháp quản lý việc khai thác gỗ tròn chưa đủ tuổi để sản xuất ván bóc. Đồng thời, nghiên cứu chính sách xử lý các cơ sở, tư thương thu mua, khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác tránh lãng phí tài nguyên đất, rừng. Đẩy mạnh hiệu quả công tác tham mưu nhiệm vụ phối hợp xây dựng phương án huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng đường lâm nghiệp phục vụ công tác khai thác, vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Hai là, Thực hiện giải pháp đầu ra cho sản phẩm gỗ

– Tham mưu thực hiện phân vùng nguyên liệu gỗ cho các doanh nghiệp sản xuất ván dán, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện liên kết với các hộ nông dân trong đầu tư trồng và quản lý rừng theo chứng chỉ rừng FSC;

– Các doanh nghiệp sản xuất ván dán thực hiện liên kết với các hộ trồng rừng để thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (trong đó đề nghị doanh nghiệp ký kết Hợp đồng bao tiêu gỗ rừng trồng cho các hộ dân trồng rừng, thống nhất giá thu mua gỗ theo giá thị trường từng thời điểm có sự xác nhận của đại diện của chính quyền địa phương cấp xã, cấp huyện, thành phố); chủ động đăng ký làm việc với UBND các xã, phường, UBND các huyện, thành phố để đề xuất hoạt động thu mua, bao tiêu gỗ rừng trồng, ván bóc trên địa bàn;

– Nghiên cứu tổ chức hội nghị giữa những cơ sơ chế gỗ (ván bóc ) với cơ sở sản xuất ván dán để làm rõ và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và kết nối các doanh nghiệp sản xuất ván dán với các cơ sở sản xuất ván bóc thống nhất hoạt động thu mua ván bóc (về số lượng, chất lượng, quy cách sản phẩm ván bóc…) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

– Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tập trung đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục kết nối, đàm phán, duy trì các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm gỗ đã ký kết, đồng thời cần tập trung khai thác các thị trường, quốc gia đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19 để chủ động đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu sản phẩm.

– Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ nghiên cứu thành lập Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bắc Kạn để đảm nhiệm vai trò bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong ngành chế biến gỗ và là cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ sở với các cơ quan chức năng của tỉnh./.

Sở Công Thương

 

 

 




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005160
Views Today : 85
Views This Month : 2784
Views This Year : 10692
Total views : 71232
Language
Skip to content