Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh vừa ký ban hành Công văn số 3584/UBND-NNTNMT chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Theo Công văn, trong thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên qua theo dõi, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Việc chuyển mục đích sử dụng đất tại một số vị trí không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được kiểm soát chặt chẽ, san ủi đất để xây dựng trái phép vẫn diễn ra; một số tổ chức được giao đất nhưng không sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng, sử dụng đất kém hiệu quả, để đất bị lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất và tài sản gắn liền với đất, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại một số địa phương còn chậm. Việc khai thác khoáng sản nhỏ lẻ, trái phép vẫn còn diễn ra. Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt tại một số địa phương còn diễn ra, chưa thu gom, xử lý triệt để. Công tác thanh tra, kiểm tra tài nguyên và môi trường chưa được thường xuyên, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo còn tình trạng né tránh, đùn đẩy lên cấp trên.

Để chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường, thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 1425/VPCP-NN ngày 22/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các Sở, ban, ngành, địa phương, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn:

– Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường.

– Nâng cao chất lượng tham mưu văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường.

– Quán triệt công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của công chức, viên chức, chấp hành nghiêm luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí, nếu phát hiện có dấu hiệu tiêu cực, sách nhiễu trong thực thi công vụ để doanh nghiệp, người dân phản ánh phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

– Tập trung chỉ đạo, có giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường và thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát từ khâu thẩm định, xét duyệt, cấp phép và quá trình triển khai, kiên quyết dừng các dự án nhạy cảm, ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; thu hồi các dự án thực hiện không đúng cam kết, thay đổi công nghệ, thiết bị lạc hậu, lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường.

– Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vi phạm về tài nguyên và môi trường hoặc buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý đối với lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định và chuyển ngay đến cơ quan Cảnh sát điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan thường xuyên rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; chủ động, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định.

Thanh tra tỉnh, tham mưu, tổ chức thực hiện thanh tra đối với các tổ chức khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; qua thanh tra nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm phải chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền, xử lý theo quy định.

UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm các nội dung theo quy định tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013; Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Điều 81 Luật Khoáng sản năm 2010. Rà soát và có phương án xây dựng khu xử lý chất thải phù hợp với từng địa phương và đảm bảo theo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 03/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện nghiêm các quy định quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng, công chức địa chính lợi dụng chức vụ quyền hạn, cửa quyền, hách dịch trong thực thi công vụ.

Cục thuế tỉnh, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát kỹ việc chấp hành kê khai, nộp thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến tài nguyên và môi trường đảm bảo theo đúng quy định. Xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp kê khai, nộp thuế không đúng, đầy đủ (nếu có).

Sở Kế hoạch và Đầu tư, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng hoạt động không hiệu quả, kéo dài thời gian xây dựng, chậm đưa dự án vào hoạt động, không đáp ứng tiến độ theo chứng nhận đầu tư, kiến nghị xem xét thu hồi chứng nhận đầu tư; xử lý, kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định.

Sở Công Thương, Sở Xây dựng, nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định thiết kế mỏ/thiết kế cơ sở… Kiểm tra, giám sát các đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định về quản lý, giám sát kỹ thuật an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản; an toàn trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, hóa chất trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật./.

Đàm Hoàng


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005364
Views Today : 38
Views This Month : 819
Views This Year : 34547
Total views : 95087
Language
Skip to content