Công nghiệp hỗ trợ, tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện – vấn đề cốt lõi của phát triển công nghiệp bền vững

Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước của sản phẩm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị Quyết 115/NQ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị Quyết đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới.

Hiện nay, do CNHT kém phát triển, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu – đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử; dệt may; da – giày – túi xách; sản xuất, lắp ráp ô tô… Chính vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…, các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất trong thời gian đầu năm 2020. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Việc đánh giá tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến các ngành sản xuất trong nước đã cho thấy rõ một trong những điểm yếu của kinh tế Việt Nam: nội lực của ngành sản xuất hạn chế, phụ thuộc rất lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được về các yếu tố đầu vào của sản xuất dẫn đến tình trạng phụ thuộc phần lớn vào linh phụ kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu (mà việc nhập siêu các yếu tố đầu vào cho sản xuất là tình trạng kéo dài từ rất nhiều năm trở lại đây), khiến giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa rất thấp.

Qua các năm gần đây, các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỷ trọng cao gần 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP, giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác. Số liệu của OECD cũng cho thấy, 05 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (02 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).

Thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện và nâng cao giá trị gia tăng tạo ra trong nước của sản phẩm, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị Quyết 115/NQ-CP ngày 08 tháng 06 năm 2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nghị Quyết đã đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo, đảm bảo phù hợp với bối cảnh tình hình mới. Các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết đã được trao đổi, thảo luận và thống nhất thông qua các lần tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành (trong đó có các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tư pháp;…) và chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trong thời gian vừa qua. Một số giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng hiện nay được nêu tại Nghị quyết như sau:

– Hoàn thiện cơ chế, chính sách: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển (được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ theo quy định tại Luật Đầu tư) đảm bảo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách hiệu quả cho các ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững.

– Đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển công nghiệp hỗ trợ: Bố trí, đảm bảo và huy động nguồn lực hiệu quả để triển khai thực hiện chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên cơ sở căn cứ các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương đó.

– Giải pháp về tài chính, tín dụng: Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của các doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

– Phát triển chuỗi giá trị trong nước: Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

– Phát triển và bảo vệ thị trường: Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Cụ thể, bảo đảm quy mô thị trường nội địa thông qua các giải pháp phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trên nguyên tắc đảm bảo hiệu quả kinh tế; xây dựng và thực thi hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành công nghiệp phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý thị trường nội địa phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế. Đồng thời, tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết; triển khai các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển tham gia hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; tích cực tháo gỡ các rào cản, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh; phát triển các loại hình và phương thức kinh doanh thương mại hiện đại.

– Nâng cao năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương trên cơ sở nhu cầu, mục tiêu phát triển và nguồn lực sẵn có nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất chất lượng sản phẩm, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Hình thành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực của các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng. Các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng có vai trò kết nối các trung tâm tại địa phương, hình thành hệ sinh thái chung về công nghệ và sản xuất công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học, công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, công nghệ; tăng cường cơ chế hợp tác công tư trong việc triển khai các dự án đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, phát triển hệ thống quản lý và đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp, triển khai mô hình quản lý theo hướng hiện đại, tinh gọn, chuyên nghiệp, áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

– Thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và xây dựng chính sách về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng công tác thống kê, bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ và chính xác. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về công nghiệp hỗ trợ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thu hút sự quan tâm, thay đổi, và nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 156
Views This Month : 2672
Views This Year : 10580
Total views : 71120
Language
Skip to content