CPTPP: Thách thức có thể kiểm soát được nếu có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp

Chiều ngày 05/4/2019, tại buổi Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chủ trì, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh đã giới thiệu những thông tin cơ bản liên quan đến kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương.

Ngày 12 tháng 11 năm 2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và các văn kiện có liên quan. Hiệp định đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14 tháng 01 năm 2019.

Theo quy định của Luật Điều ước quốc tế 2016, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Hiệp định CPTPP tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019.

Mục đích và nội dung chính của Kế hoạch 

Theo Phó Vụ trưởng Ngô Chung Khanh, mục tiêu chính của việc ban hành Kế hoạch của Chính phủ là bảo đảm các cam kết của Hiệp định CPTPP được thực thi một cách đầy đủ, nhất quán giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương. Những nhiệm vụ, công việc cụ thể được xây dựng và phân công trong Kế hoạch này cũng nhằm bảo đảm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân có thể tận dụng được tối đa những lợi ích, cơ hội mà Hiệp định mang lại, cũng như phòng ngừa và hạn chế được những rủi ro và thách thức trong quá trình thực thi Hiệp định.

Theo đó, trong Kế hoạch này, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan ở cấp Trung ương và địa phương thực hiện các công việc cụ thể với thời hạn rõ ràng, bao gồm 5 nhóm nội dung chính:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin thông qua nhiều hình thức về Hiệp định CPTPP nói riêng và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đang tham gia nói chung cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ; tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước các cấp và cộng đồng doanh nghiệp về các cam kết cụ thể có liên quan trong Hiệp định CPTPP bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc thực thi Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế. Cụ thể, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP; củng cố các cơ quan phụ trách việc thực thi Hiệp định CPTPP tại các Bộ, ngành, cơ quan quản lý Nhà nước địa phương.

Ba là, tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, lĩnh vực có tiềm năng hoặc đang gặp nhiều hạn chế để doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững trên sân nhà, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, việc xây dựng và sử dụng các biện pháp kỹ thuật, phù hợp với các cam kết quốc tế để hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam, và bảo vệ người tiêu dùng; cũng như các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực phòng vệ thương mại cũng sẽ được chú trọng thực hiện.

Bốn là, xây dựng chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Lao động là lĩnh vực lần đầu tiên ta cam kết trong khuôn khổ một FTA nên để bảo đảm việc thực thi được hiệu quả, tránh những tác động không mong muốn, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Năm là, các Bộ, ngành sẽ tiếp tục đánh giá những tác động của Hiệp định CPTPP đến các vấn đề xã hội để từ đó đưa ra các kiến nghị để phát triển chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

Đôn đốc các đơn vị, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ

Căn cứ theo Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện doanh nghiệp triển khai thực hiện và có báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện cũng như kiến nghị các biện pháp cần thiết để bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.

Theo đó, Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, đến ngày 3 tháng 4 năm 2019, Bộ Công Thương đã nhận được báo cáo của 13 Bộ, ngành, cơ quan cấp trung ương và 35 cơ quan cấp địa phương. Đối với Bộ Công Thương, Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch của mình về việc thực hiện Hiệp định CPTPP tại Quyết định số 456/QĐ-BCT ngày 01 tháng 3 năm 2019.

Về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng Kế hoạch của cơ quan mình theo 5 nhóm lĩnh vực chính dựa trên Kế hoạch thực hiện của Chính phủ, trong đó chú trọng vào công tác tuyên truyền về Hiệp định dưới nhiều hình thức đa dạng khác nhau; tiến hành rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nhằm đảm bảo phù hợp với các quy định của Hiệp định CPTPP; triển khai các chương trình hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng chính sách và cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, khu vực trong phạm vi quản lý, v.v..

Ngày 25 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xây dựng Kế hoạch của các cơ quan ở trung ương và địa phương.

Kế hoạch và tình hình triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương

Tình hình triển khai công tác thông tin tuyên truyền về Hiệp định CPTPP

Trên cơ sở Quyết định số 456/QĐ-BCT ngày 01 tháng 03 năm 2019 về Kế hoạch thực hiện CPTPP, cho đến nay, công tác thông tin tuyên truyền về Hiệp định CPTPP đã được Bộ Công Thương chú trọng và khẩn trương triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau để bảo đảm cộng đồng doanh nghiệp có thể kịp thời hiểu rõ và hiểu đúng các cam kết của Hiệp định CPTPP, từ đó hỗ trợ cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng được tối đa lợi ích mà Hiệp định mang lại. Các hình thức chủ yếu là:

Xây dựng chuyên trang thông tin điện tử chuyên về Hiệp định CPTPP của Bộ Công Thương

Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân và doanh nghiệp trên cả nước về Hiệp định CPTPP một cách thuận lợi và hiệu quả hơn, Bộ Công Thương đã nâng cấp toàn bộ cấu trúc và nội dung của chuyên trang thông tin điện tử về Hiệp định CPTPP tại địa chỉ: http://cptpp.moit.gov.vn/.

Hiện nay, khối lượng và nội dung các thông tin được cung cấp trên chuyên trang điện tử này về cơ bản là tương đương với thông tin được cung cấp trên trang thông tin điện tử về CPTPP của các nước, với 8 nội dung chính như sau: Tổng quan về CPTPP;Cam kết chính của CPTPP trong các lĩnh vực chủ chốt;Các thông tin hữu ích cho nhà xuất khẩu;Toàn bộ văn kiện CPTPP; Cập nhật kết quả và văn kiện có liên quan tại phiên họp của Hội đồng và các Ủy ban chuyên môn;Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương;Các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định CPTPP, v.v..

Đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền qua các hội thảo

Trước thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Bộ Công Thương đã tổ chức hàng loạt các Hội nghị, Hội thảo phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế và Hiệp định CPTPP tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Hồ Chí Minh, Lào Cai.

Ngay sau khi Hiệp định chính thức có hiệu lực, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì hoặc phối hợp tham gia tuyên truyền phổ biến về Hiệp định CPTPP tại một số tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp, v.v.. Đáng chú ý, ngày 21 tháng 3 năm 2019, Bộ Công Thương đã chủ trì “Hội nghị liên ngành triển khai cam kết CPTPP để phát triển thị trường các nhóm ngành hàng cụ thể” tại Cần Thơ. Ngày 5 tháng 4 năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã chủ trì “Hội nghị Hiệp định CPTPP – Những cam kết chính và một số vấn đề cần lưu ý” cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trên địa bàn 5 tỉnh miền Trung Tây nguyên tại Lâm Đồng.

Dự kiến các công việc sẽ được triển khai trong thời gian tới

Trên cơ sở Quyết định về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương đang chuẩn bị thực hiện các hoạt động cụ thể để tuyên truyền phổ biến về Hiệp định CPTPP một cách toàn diện, chi tiết và hiệu quả từ nay đến cuối năm 2019 theo kế hoạch như sau:

– Chuẩn bị tổ chức Hội nghị, Hội thảo chung và theo chuyên đề về Hiệp định CPTPP tại khoảng 10-15 cụm tỉnh và thành phố trên cả nước. Dự kiến trong tháng 4 năm 2019, Bộ Công Thương sẽ đồng chủ trì với Trung tâm Hội nhập quốc tế của Viện nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ hội tiếp cận thị trường Ca-na-đa trong Hiệp định CPTPP”tại Hồ Chí Minh.

– Nghiên cứu và biên soạn các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn chi tiết, sổ tay, v.v. về một số nội dung cam kết quan trọng của CPTPP để phổ biến cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề có quan tâm.

– Chủ trí phối hợp với Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Ốt-xtrây-lia tại Việt Nam xây dựng Cổng thông tin điện tử (Portal) về các FTA, trong đó trọng tâm là Hiệp định CPTPP để cung cấp cho doanh nghiệp và người dân một công cụ tra cứu thông minh và hiệu quả nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định CPTPP theo từng mặt hàng và từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể.

– Tiếp tục cập nhật các thông tin, tin tức, kế hoạch thực hiện, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các tài liệu liên quan khác tại chuyên trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

– Tiếp tục tiếp nhận và trả lời các câu hỏi, thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về từng vấn đề cụ thể liên quan tới CPTPP thông qua hòm thư điện tử của Bộ Công Thương phụ trách về vấn đề này đăng tải trên chuyên trang CPTPP là wto_mtpd@moit.gov.vn.

Tình hình sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP

Trên cơ sở Kế hoạch của Chính phủ và Bộ Công Thương về việc thực hiện Hiệp định CPTPP, đối với việc rà soát, sửa đổi pháp luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP, Bộ Công Thương trong thời gian qua đã tích cực và khẩn trương triển khai một số công việc sau để bảo đảm các cơ sở pháp lý cần thiết cho việc thực thi Hiệp định CPTPP:

– Đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP, có hiệu lực ngày 08 tháng 3 năm 2019. Mặc dù có hiệu lực sau thời điểm Hiệp định CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam nhưng Thông tư có điều khoản quy định về chuyển tiếp cho phép doanh nghiệp được cấp C/O hồi tố để được hưởng các ưu đãi về thuế theo Hiệp định CPTPP trong thời gian từ ngày 14 tháng 1 đến ngày 08 tháng 3 năm 2019.

– Đang phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong việc xây dựng bộ hồ sơ dự thảo Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Hiện tại, Chính phủ đang chuẩn bị hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt.

– Đang khẩn trương xây dựng và sớm hoàn tất các văn bản pháp luật ở cấp Nghị định và Thông tư trong lĩnh vực cạnh tranh và phòng vệ thương mại để hướng dẫn thực hiện Hiệp định CPTPP;

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành khác chủ trì xây dựng, Bộ Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Nghị định quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu thực thi Hiệp định CPTPP để trình Chính phủ ban hành.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Hiệp định CPTPP.

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh

Cơ hội và thách thức của Hiệp định CPTPP của doanh nghiệp 

Cơ hội về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh: Đây có thể nói là cơ hội có tầm quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam. Các cam kết sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ – đầu tưsẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội để hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

Cơ hội đa dạng hóa quan hệ kinh tế – thương mại với các nước CPTPP, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt là đối với các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam có thế mạnh.

Về xuất khẩu hàng hóa, với quy mô dân số 499 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và 14,4% quy mô thương mại so với toàn thế giới,Hiệp định CPTPP sẽ tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu khi các nướcgiảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của ta. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ được hưởng cam kết cắt giảm thuế quan rất ưu đãi. Đối với 3/10 nước hiện ta chưa có FTA là Ca-na-đa, Pê-ru và Mê-hi-cô, những lợi ích trong việc tiếp cận thị trường, kể cả về hàng hóa và dịch vụ của 3 nước này là rất đáng kể.

Với mức độ cam kết mở cửa thị trường nêu trên, theo nghiên cứu chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tăng thêm 4,04% đến năm 2035. Đồng thời, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ đô-la Mỹ lên 80 tỷ đô-la Mỹ, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nâng tầm nền kinh tế: Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt hơn 74 tỷ đô-la Mỹ năm 2018 trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước năm 2018 đạt 480,17 tỷ đô-la Mỹ. Với quy mô kim ngạch thương mại này, tham gia các FTA này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp khi chuỗi cung ứng mới hình thành, là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn.

Bên cạnh những cơ hội, CPTPP còn có những thách thức như:

Thách thức về kinh tế: Sức ép cạnh tranh là vấn đề đầu tiên đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cạnh tranh chính là động lực cho các doanh nghiệp liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo ra thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế

Các cam kết nhiều lĩnh vực toàn diện của các Hiệp định này cũng đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, các quy định trong nước liên quan của Việt Nam cho phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, cơ bản những sửa đổi, điều chỉnh này phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, tham gia CPTPP mang lại cơ hội là rất lớn và thách thức là có thể kiểm soát được nếu ta có kế hoạch và lộ trình thực hiện phù hợp kèm theo hành động quyết liệt của tất cả các chủ thể gồm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương

 




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 234
Views This Month : 3897
Views This Year : 11805
Total views : 72345
Language
Skip to content