Hoạt động xuất nhập khẩu tỉnh Bắc Kạn có nhiều chuyển biến tích cực

Trong những năm qua, xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp, không ổn định qua các năm, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu còn hạn chế cả về quy mô và số lượng; thị trường xuất khẩu còn nhỏ hẹp, mặt hàng xuất khẩu còn đơn điệu, sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu…Giai đoạn 2016-2020 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 11,841 triệu USD, tăng trưởng bình quân mới đạt 1,05%/năm. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã có sự tăng trưởng bứt phá và có xu hướng ngày càng tăng.

Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đó là đến năm 2030: Phấn đấu đưa sản phẩm nông sản của tỉnh xuất khẩu ra thị trường quốc tế; nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các mặt hàng có lợi thế xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản của địa phương đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung cấp trong nước và hướng tới xuất khẩu… góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, đồng thời thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các nhóm hàng nông, lâm sản, nhóm hàng công nghiệp chế biến và triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, đưa xuất khẩu trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới, tỉnh Bắc Kạn đã đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội; ban hành một số cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu. Các hoạt động thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa như hỗ trợ hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, xúc tiến thương mại… được tập trung thực hiện có hiệu quả.

Trong năm 2022, mặc dù chịu ảnh hưởng của giá cả nguyên vật liệu phục vụ sản xuất nhiều biến động, thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trong nước và tại Trung Quốc, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản tăng trưởng ổn định so với năm trước, dự báo ngành công nghiệp chế biến tăng 25% so với năm 2021, nổi bật là hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến gỗ tại KCN Thanh Bình góp phần lớn vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp của tỉnh.

Chương trình khuyến công được quốc gia và khuyến công địa phương được triển khai hàng năm đã hỗ trợ một số cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh để phát triển sản xuất, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thực hiện 66 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ  trợ từ ngân sách nhà nước trên 6,4 tỷ đồng như hỗ trợ máy móc thiết bị trong sản xuất, hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm…Bên cạnh đó, triển khai công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, người lao động trực tiếp của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu; tập huấn kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tếcho các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh về các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA; về phòng vệ thương mại và các cam kết cụ thể có liên quan trong các FTA, CPTPP, EVFTA,…; hướng dẫn các doanh nghiệp sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại hợp lý để bảo vệ sản xuất trong nước; phổ biến chính sách, quy định về xuất xứ, phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại;… từ đó giúp việc triển khai công tác Hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả hơn, sâu rộng hơn.

                                                    Công ty Misaki Việt Nam trong Khu công nghiệp Thanh Bình

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh được quan tâm thực hiện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong tỉnh tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của các tỉnh để giao lưu, tìm hiểu thông tin về thị trường, sản phẩm hàng hóa và đã ký kết được một số hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến trao đổi, chia sẻ thông tin giữa UBND tỉnh với Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Hy Lạp về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực; tham mưu Tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm “ECO-GREEN VIET NAM EXPO” – Hy Lạp năm 2022 với 19 sản phẩm là sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của 10 đơn vị tham gia trưng bày, thời gian từ ngày 31/5 đến 02/6/2022. Một số sản phẩm hàng hóa thế mạnh của địa phương đã có thương hiệu và được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận như gỗ dán ép, các sản phẩm từ nghệ, gừng, mơ, miến dong, bí xanh thơm, …Tăng cường thực hiện công tác xúc tiến thương mại ngoài nước như triển khai Chỉ thỉ số 14/CT-BCT ngày 29/12/2021 của Bộ Công Thương về việc tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước nhằm giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai để chủ động điều tiết hàng hóa xuất khẩu; thông tin danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu nên hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 13,8 triệu USD, bằng 142% năm 2019, đạt 138% kế hoạch năm 2020. Năm 2021, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả khá, là điểm sáng trong phát triển khu vực dịch vụ của tỉnh; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu từđạt 34,8 triệu USD, bằng 251% so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 348% kế hoạch năm 2021; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 25,4 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 8,8 triệu USD.Trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục có đà tăng trưởng khá, đạt 23,1 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 15,4 triệu USD, nhập khẩu đạt 7,7 triệu USD, tăng 36,6 % so với cùng kỳ năm 2021, dự ước cả năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt kế hoạch được giao.Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Đũa gỗ, Gỗ dán ép, Kim loại chì thỏi thô; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Vener nguyên liệu, Máy móc thiết bị, Tinh quặng kẽm, Hợp kim chì atimon, Chế phẩm hóa học, Quặng chì nguyên khai.Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: bột kẽm sun phát, ván dán, đũa gỗ, hoa quả qua sơ chế,…; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc,…

Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, mặc dù trong bối cảnh điều kiện kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và những căng thẳng về quan hệ kinh tế giữa các nước nhưng hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn đã có sự chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sản phẩm xuất khẩu; Khuyến khích phát triển mặt hàng mới trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế của tỉnh về điều kiện tự nhiên, nhân lực, mặt bằng, công nghệ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, kho, bến bãi, logistics đồng bộ, đáp ứng phát triển công nghiệp; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm; giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các hội chợ quốc tế, thông qua Thương vụ/Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các đoàn khảo sát thị trường nước ngoài do các bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu khảo sát tìm kiếm, nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, định hướng xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa cho các doanh nghiệp, tăng cường công tác thu thập và phổ biến thông tin về cơ chế chính sách xuất khẩu của các nước, lộ trình cắt giảm thuế quan, dự báo các chiều hướng cung – cầu hàng hóa và dịch vụ…để đưa xuất khẩu trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong giai đoạn tới./.

Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

004726
Views Today : 89
Views This Month : 3361
Views This Year : 12045
Total views : 26471
Language
Skip to content