Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn năm 2020

Chiều ngày 7 tháng 11 năm 2020, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn năm 2020 nhằm thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

Theo báo cáo của ông Hoàng Hà Bắc, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn: Trong những năm qua, với việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, các sản phẩm nông lâm nghiệp phát triển đa dạng phong phú bước đầu đã trở thành hàng hóa, một số sản phẩm có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến như Miến dong Bắc Kạn, Hồng không hạt, bí xanh thơm, gạo Bao thai Chợ Đồn, cam, quýt,…

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất tự nhiên là 485.996 ha, trong đó 459.390 ha là đất nông nghiệp, 19.340 ha là đất phi nông nghiệp và 7.266 ha là đất chưa sử dụng. Do đó, tỉnh có lợi thế về các sản phẩm nông, lâm nghiệp, nổi bật là gỗ nguyên liệu từ rừng trồng và các sản phẩm nông sản. Năm 2019 diện tích trồng dong riềng trên địa bàn tỉnh đạt 468 ha, năng suất đạt 736 tạ/ha, sản lượng đạt 34.479 tấn củ; năm 2020 diện tích trồng dong riềng đạt 494 ha sản lượng ước đạt 38.609 tấn củ. Hiện nay, toàn tỉnh có 37 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 17 cơ sở vừa chế biến tinh bột, vừa sản xuất miến, 10 cơ sở chuyên sản xuất . Tổng cơ sở chế biến miến hiện có trên địa bàn tỉnh sản xuất được khoảng 3.000 tấn miến dong/năm. Tháng 8 năm 2020 sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã xuất khẩu sang Cộng hòa Séc.

 Năm 2020, tỉnh trồng gần 200 ha nghệ, năng suất ước đạt 231 tạ/ha, sản lượng ước đạt 4.606 tấn. Sản phẩm tinh bột nghệ nếp đỏ Bắc Kạn, tinh bột nghệ nếp đen Bắc Kạn, Vi-cumax nano curcumin, Trịnh Năng cucurmin đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 2.047 ha chè, trong đó: Diện tích đã cho thu hoạch 1.882 ha, sản lượng đạt 9.092 tấn chè búp tươi; diện tích chè Shan tuyết 528 ha; diện tích đã được chứng nhận VietGAP là 20 ha, chứng nhận hữu cơ là 20 ha, diện tích được chứng nhận vệ sinh ATTP là 42 ha.

Một số loại lúa chất lượng cao của tỉnh đã bước đầu trở thành hàng hóa. Diện tích trồng lúa Bao thai đạt hơn 12 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 54 nghìn tấn. Các giống lúa thuộc dòng Japonica đạt hơn 550 ha, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn. Lúa Khẩu nua Lếch Ngân Sơn hơn 100 ha, năng suất đạt hơn 41 tạ/ha, sản lượng đạt 410 tấn.

Các loại cây ăn quả được mở rộng với diện tích quýt 2.378 ha, năng suất đạt hơn 100 tạ/ha. Trong đó, đầu tư, thâm canh 660 ha, được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) 5,8 ha, chứng nhận an toàn thực phẩm hơn 20 ha. Cây cam có 928 ha, trong đó, đầu tư, thâm canh 120 ha, diện tích được chứng nhận VietGAP 10 ha, được chứng nhận ATTP hơn 50 ha. Cây hồng không hạt 799 ha, sản lượng ước đạt 2.473 tấn/năm. Diện tích bí xanh thơm đạt 76 ha, sản lượng ước đạt 3.000 tấn/năm.

Ngoài ra tỉnh còn có vùng nguyên liệu rừng trồng rất lớn với diện tích hơn 80 nghìn ha, với 354 cơ sở chế biến gỗ với 40 doanh nghiệp và 314 cơ sở hộ kinh doanh/hộ gia đình.Năm 2020 sản lượng ván bóc trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 120.000m3 ; sản lượng ván dán ước đạt 40.000 m3.

Tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong và ngoài tỉnh. Từ 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm nông sản tỉnh Bắc Kạn; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cam, quýt và các đặc sản tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội; Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn tại Hà Nội… Thông qua các hoạt động này, hàng trăm sản phẩm nông sản đã ký kết được hợp đồng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trên cả nước.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, thông qua các sự kiện xúc tiến thương mại kết quả lớn nhất thu được đó là sự thay đổi của các tổ chức kinh tế về tư duy, nhận thức sản xuất hàng hóa, nhận thức về chương trình OCOP. Trong 3 năm gần đây số lượng sản phẩm hàng hóa của tỉnh tăng lên đáng kể và có những sản phẩm hết sức đặc trưng, mang bản sắc và sự sáng tạo của người nông dân Bắc Kạn, bao bì mẫu mã sản phẩm đã được quan tâm đầu tư. Trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư vào chuỗi sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, định hướng đối với công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới sẽ kết nối, mở rộng thị trường trong nước và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến sản phẩm ra thị trường xuất khẩu.

Tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chúc mừng Bắc Kạn có 107 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Bà Nga đề xuất, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn cần có những giải pháp gắn sản phẩm du lịch với thương mại thông qua các sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn, nhất là khi Bắc Kạn có vùng nguyên liệu sạch, hữu cơ.

Tại hội nghị, đã có 5 doanh nghiệp ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc phát triển sản xuất và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa với 5 HTX của tỉnh Bắc Kạn về các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn.

Tin: Phạm Thị Dịu; Ảnh: Hoàng Yến (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 178
Views This Month : 2694
Views This Year : 10602
Total views : 71142
Language
Skip to content