Kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, phương hướng nhiệm vụ năm 2020

Năm 2019, là năm thứ tư thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 – 2020. Ngay từ đầu năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2019 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2019, tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra. Qua đó, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững.

Sản xuất nông nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng, song ngành chăn nuôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do sự xâm nhiễm của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Từ đầu tháng 3/2019 bệnh DTLCP đã bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh, xuất hiện tại 116 xã, phường, thị trấn của 8/8 huyện, thành phố; số lượng lợn bị nhiễm và mắc bệnh phải tiêu hủy là trên 27.000 con, tương đương hơn 1.200 tấn, đến nay toàn tỉnh đã có gần 55 xã, phường, thị trấn thuộc 07 huyện, thành phố đã công bố hết dịch và có 27 xã, phường, thị trấn đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Chính quyền địa phương và các cấp, các ngành đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh ra khỏi địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể về tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn; hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh, ổn định đời sống cho bà con nhân dân; tổ chức kiểm soát việc tái đàn và UBND tỉnh đã ban hành Phương án phát triển đàn chăn nuôi các tháng cuối năm 2019 để bù đắp thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho thị trường. Gần đây nhất vào ngày 17/12/2019, UBND huyện Bạch Thông đã ban hành Quyết định số 2405/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm gia cầm subtye H5N6 trên địa bàn thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh 11 tháng năm 2019 cơ bản ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 ước đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt 100% kế hoạch năm 2019. Giá lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón… nhìn chung khá ổn định; giá mặt hàng xăng dầu có tăng, giảm nhiều lần song không ảnh hưởng lớn đến nhu cầu và đời sống nhân dân. Mức tiêu thụ mặt hàng thịt lợn có biến động lớn về nguồn cung và giá cả, do bệnh Dịch tả lợn Châu phi dẫn đến thiếu nguồn cung nên thời điểm hiện nay giá thịt lợn trên thị trường tăng cao (Tại thời điểm báo cáo giá thịt lợn hơi trên thị trường dao động từ 90.000 đồng -100.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại), UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm ổn định giá và nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới. Công tác bảo đảm cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý do thiếu hàng bán, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.

Địa phương không phải là địa bàn tập kết trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh nội địa ra biên giới và ngược lại, nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không có nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh nhìn chung diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, giá trị tang vật vi phạm không lớn. Qua kết quả bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng thì tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm (Heroin, ma túy tổng hợp, thuốc phiện, cần sa, súng, phụ kiện súng, đạn, thuốc nổ, pháo nổ, quân trang, thuốc lá điếu, đồ chơi bạo lực, không lành mạnh,…) thường xảy tra trên các tuyến quốc lộ; tình trạng mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; nuôi, nhốt, săn, bắt, vận chuyển động vật rừng trái phép (Gỗ nghiến, động vật quý hiếm,…) vẫn xảy ra tại các khu vực Vườn quốc gia, khu bảo tồn, các khu vực ráp ranh rừng phòng hộ; các hành vi gian lận thương mại như: vi phạm các quy định về đăng ký kinh doanh; các điều kiện kinh doanh; vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu (Giầy dép, va li, túi xách, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình, điện thoại, quạt điện, đồng hồ, nồi cơm điện, phụ tùng xe máy, linh kiện điện tử, mỹ phẩm các loại, đồ chơi trẻ em,…); buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa (dầu gội đầu giả) tại các cơ sở kinh doanh cố định, vận chuyển nhỏ lẻ giao bán trên phương tiện xe máy chủ yếu ở khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh; tình hình vận chuyển, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn, kê khai sai, kê khai thiếu tiền thuế và các hành vi gian lận thương mại khác cũng đã được các lực lượng chức năng kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định.

Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Kạn đã triển khai tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kết quả kiểm tra, xử lý cụ thể như sau:

* Kết quả kiểm tra, xử lý theo từng lĩnh vực:

Năm 2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 752 vụ việc,   789 đối tượng vi phạm. Trong đó: Khởi tố hình sự: 155 vụ, 192 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 597 vụ, 597 đối tượng, thu nộp NSNN: 11.533,075 triệu đồng.

– Về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu: Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ  và  xử lý 207 vụ/752 vụ vi phạm = 27,6 % về các hành vi buôn bán hàng cấm; cố ý vận chuyển, buôn bán, kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Các mặt hàng bị bắt giữ, xử lý chủ yếu là: Heroin, ma túy tổng hợp, thuốc phiện, cần sa, súng, phụ kiện súng, đạn, thuốc nổ, pháo nổ, quân trang; thuốc lá điếu, giầy dép, va li, túi xách, mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ dùng gia đình, điện thoại, quạt điện, đồng hồ, nồi cơm điện, phụ tùng xe máy, linh kiện điện tử, mỹ phẩm các loại, đồ chơi trẻ em…

– Về gian lận thương mại và gian lận thuế: Các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ  và xử lý 542 vụ/ 752 vụ vi phạm = 72 % về các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; vi phạm các điều kiện về ATTP; kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn; kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng; vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không niêm yết giá bán hàng hóa; mua bán, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép; vận chuyển gia súc không có giấy chứng nhận kiểm dịch; kê khai sai, kê khai thiếu tiền thuế,… Hàng hóa vi phạm gồm: gỗ, lâm sản khác ngoài gỗ, động vật hoang dã, bình gas, khoáng sản, thuốc thú y, lương thực, thực phẩm, linh kiện, máy móc, quần áo, giầy dép, đồ gia dụng, đồ dùng gia đình, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng khác,…

– Về hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ: Các lực lượng chức năng đã phát, xử lý 03 vụ/752 vụ vi phạm = 0,4% về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn, bao bì hàng hóa. Hàng hóa vi phạm dầu gội đầu giả.

* Kết quả bắt giữ, xử lý của từng ngành:

– Lực lượng Công an đã phát hiện, xử  lý 167 vụ, 200 đối tượng vi phạm. Trong đó:  Khởi tố hình sự 153 vụ, 186 đối tượng; xử lý hành chính 14 vụ, 14 đối tượng. Thu nộp NSNN 32,6 triệu đồng.

– Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, xử lý 249 vụ, 249 đối tượng vi phạm. Thu nộp NSNN 1.211,495 triệu đồng.

– Lực lượng Kiểm Lâm phát hiện, xử lý 204 vụ, 208 đối tượng vi phạm. Trong đó:  Khởi tố hình sự 02 vụ, 06 đối tượng; xử lý hành chính 202 vụ, 214 đối tượng. Thu nộp NSNN 3.165,43 triệu đồng.

– Lực lượng Thuế phát hiện, xử lý 80 vụ, 80 đối tượng vi phạm. Thu nộp NSNN 6.851 triệu đồng.

– Các cơ quan Thanh tra chuyên ngành phát hiện, xử lý 52 vụ, 52 đối tượng vi phạm. Thu nộp NSNN 272,55 triệu đồng, trong đó:

+ Thanh tra chuyên ngành Y tế phát hiện và xử lý 07 vụ, 07 đối tượng. Thu nộp NSNN: 18,4 triệu đồng.

+ Thanh tra chuyên ngành Khoa học và Công nghệ phát hiện và xử lý 01 vụ, 01 đối tượng. Thu nộp NSNN: 4 triệu đồng.

+ Thanh tra chuyên ngành Nông nghiệp (Thanh tra Sở; Chi cục Trồng trọt và BVTV; Thú y)  phát hiện và xử lý 35 vụ, 35 đối tượng. Thu nộp NSNN: 158,9 triệu đồng.

+ Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện và xử lý 09 vụ, 09 đối tượng. Thu nộp NSNN: 91,25 triệu đồng.

* Kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng:

– Tổng số vụ xử lý: 752 đối tượng, 789 đối tượng, trong đó:

+ Khởi tố hình sự: 155 vụ, 192 bị can.

+ Xử phạt vi phạm hành chính: 597 vụ, 597 đối tượng.

– Tổng số tiền thu nộp NSNN   : 11.533,075 triệu đồng, trong đó:

+ Tiền phạt vi phạm hành chính: 6.607,3 triệu đồng.

+ Tiền phạt và truy thu thuế : 3.520 triệu đồng

+ Tiền bán hàng tịch thu: 1.405,775 triệu đồng.

– Trị giá hàng hóa đã tiêu hủy : 191,783 triệu đồng.

Từ kết quả trên cho thấy Các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm, chú trọng triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ mà Ban Chỉ đạo giao; chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức về chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tích cực phối hợp trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh,… góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị, kinh tế xã hội, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách địa phương.

Những tháng cuối năm 2019, là thời điểm các doanh nghiệp chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và các lễ hội đầu năm (Hội xuân), nên thị trường diễn ra sôi động, hàng hóa đa dạng, phong phú hơn phục vụ sản xuất và nhu cầu mua sắm của nhân dân; cùng với đó hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng dự báo sẽ gia tăng và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới như sau:

– Phát huy kết quả đạt được, tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả những nội dung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Quyết định số 05/QĐ-BCĐ389 ngày 23/9/2015 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ;

– Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và UBND tỉnh tổ chức thực hiện tốt đợt Cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020;

– Tăng cường công tác quản lý thị trường giá cả, kịp thời đề xuất xử lý những vấn đề gây bất ổn thị trường, đảm bảo cung, cầu các mặt hàng thiết yếu đáp ứng nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân trong các dịp lễ, Tết; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa; kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh; chấp hành pháp luật về giá, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu, các hàng hóa dịch vụ phải đăng ký giá, kê khai giá; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý, gây mất ổn định thị trường.

Tăng cường công tác dự báo, nắm tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu; phối hợp, trao đổi thông tin các biện pháp nghiệp vụ, kiểm soát chặt chẽ thị trường toàn tỉnh để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn xử lý kịp thời. Triển khai nghiêm túc các chỉ đạo và thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với các hình thức phù hợp nhằm nâng cao nhận thức trong các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân về phương thức, thủ đoạn cũng như hậu quả tác hại của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm và không tham gia tiếp tay, không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng đưa hàng cấm, giả, hàng kém chất lượng vào tiêu thụ trên địa bàn.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, công chức, chiến sỹ các lực lượng chức năng trong việc thực thi công vụ; động viên khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp có hành vi bao che, dung túng, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

                                                          Phương Thảo (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 151
Views This Month : 3814
Views This Year : 11722
Total views : 72262
Language
Skip to content