Kết quả hoạt động công nghiệp – thương mại 9 tháng đầu năm 2018

Thứ nhất, về kết quả đạt được:

– Giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 764.085 triệu đồng, tăng 6,11% so với thực hiện cùng kỳ năm 2017 và đạt 79,98% kế hoạch năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) 9 tháng đầu năm 2018 chia theo ngành kinh tế cụ thể như sau:

+ Công nghiệp khai thác: Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2018 của ngành công nghiệp khai thác ước đạt 232.305 triệu đồng, tăng 5,23% so với thực hiện cùng kỳ năm 2017;

+ Công nghiệp chế biến: Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2018 của ngành công nghiệp chế biến ước đạt 474.521 triệu đồng, tăng 5,8% so với thực hiện cùng kỳ năm 2017;

+ Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí: Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 35.212 triệu đồng, tăng 13,1% so với thực hiện cùng kỳ năm 2017;

+ Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động xử lý rác thải, nước thải: Giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 22.047 triệu đồng, tăng 12,12% so với thực hiện cùng kỳ năm 2017.

– Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3.619,864 tỷ đồng, tăng 11,99% so với cùng kỳ năm 2017; đạt 74,48% kế hoạch năm 2018. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2018, tăng 0,91% so với tháng trước; tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân cùng kỳ tăng 2,52%.

Thứ hai, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2018

– Mục tiêu, nhiệm vụ

+ Về Công nghiệp: Phấn đầu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 (tính theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng tối thiểu 11% so với thực hiện năm 2017 và vượt kế hoạch giao trên 5%.

+ Về Thương mại: Phấn đấu từ nay đến cuối năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2018 đạt 5.297,88 tỷ đồng, hoàn thành 109% kế hoạch. Ổn định chỉ số giá cả thị trường từ nay đến cuối năm.

– Nhiệm vụ, giải pháp

+ Công nghiệp:

Tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Đặc biệt đôn đốc các nhà máy luyện kim hoàn thành chỉ tiêu sản xuất đủ hoặc vượt sản lượng kế hoạch giao. tạo điều kiện để doanh nghiệp chế biến khoáng sản hoạt động sản xuất, như: Định hướng, khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh tăng cường sự liên kết, hợp tác với doanh nghiệp có nhà máy sản xuất kim loại trên địa bàn tỉnh để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp khai thác đủ sản lượng khoáng sản theo ấn định thuế;

Tổ chức hợp lý giữa quy hoạch, cấp vùng nguyên liệu với các nhà máy, cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đảm bảo về cơ bản các sản phẩm đều được chế biến tạo ra giá trị gia tăng tại địa bàn tỉnh; thực hiện công tác quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, có các biện pháp hỗ trợ cơ sở chế biến gắn kết với người nông dân trong xây dựng vùng nguyên liệu, đảm bảo giá bán hợp lý, ngăn chặn hiện tượng tranh mua, tranh bán trên địa bàn;

Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các nhà máy đang tạm dừng sản xuất khẩn trương tái cấu trúc lại sản xuất, sửa chữa, thay thế công nghệ, thiết bị để sớm hoạt động trở lại, ví dụ như: Nhà máy tuyển luyện chì kẽm Ngân Sơn của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico; thực hiện nghiêm túc lộ trình chuyển đổi lò gạch thủ công sang gạch không nung, theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 1835/UBND-CN ngày 28/4/2018 về việc xoá bỏ lò gạch thủ công, đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi lò gạch thủ công sang gạch không nung;

Tiếp tục hướng dẫn và đôn đốc các nhà máy thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn quản lý vận hành và lập các phương án theo quy định; tiếp tục kiểm tra giám sát việc cung cấp điện của Công ty Điện lực Bắc Kạn và các Điện lực trực thuộc nhằm bảo đảm điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn;

Phối hợp với đơn vị thụ hưởng triển khai thực hiện hoàn thành các đề án theo kế hoạch được duyệt bao và các đề án khuyến công địa phương khi được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện các đề án và chuẩn bị nội dung tổ chức nghiệm thu các đề án khuyến công hoàn thành; Khảo sát, đăng ký kế hoạch khuyến công quốc gia năm 2019;

+ Thương mại

Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng: Dự thảo Nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển thương mại, dịch vụ 2018-2020, định hướng đến năm 2025 trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt; tiếp tục triển khai hướng dẫn về chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch; xây dựng tiêu chí quản lý các cửa hàng xăng dầu mini thuộc khu vực 3 miền núi;

Chú trọng công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm nông, lâm nghiệp; đồng thời, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tăng cường liên kết, liên doanh đầu tư, chuyển giao công nghệ, đầu tư thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm, công bố chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng giữ gìn và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu đã được cấp; phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức hoàn thành đề án “Tổ chức phiên chợ hàng Việt về miền núi, vùng cao tại huyện Ngân Sơn, huyện Chợ Đồn và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn”;

Tăng cường công tác quản lý địa bàn theo quy định, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, giá cả; chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 413/KH-UBND ngày 17/12/2015 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP theo Dự án ATTP thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế – Dân số năm 2017, năm 2018;

Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn quản lý; các văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; những tác động xấu đối với kinh tế – xã hội do các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và gian lận thương mại khác gây nên; tiếp tục vận động ký cam kết và tuyên truyền đến cơ sở sản xuất, kinh doanh và nhân dân hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 158
Views This Month : 2674
Views This Year : 10582
Total views : 71122
Language
Skip to content