Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm trên 7%, UBND tỉnh vừa ban hành Kịch bản tăng trưởng kinh tế từng quý năm 2023 tại Quyết định số 560/QĐ-UBND, theo đó:
- Khu vực Công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) năm 2023 ước đạt đạt 1.773 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2023, tương ứng tăng trưởng trên 13%, cụ thể:
– Quý I: Từ đầu năm 2023, Trung Quốc đã mở lại toàn bộ các cửa khẩu đường bộ sau thời gian đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19 là điều kiện thuận lợi cho việc xuất/nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu một số sản phẩm công nghiệp. Tuy nhiên, do thời gian các cơ sở sản xuất công nghiệp nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nên hoạt động công nghiệp đạt thấp so với các quý trong năm. Ước giá trị sản xuất công nghiệp Quý I/2023 (theo giá so sánh năm 2010) đạt 394 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 22% kế hoạch năm 2023.
– Quý II và III: Hoạt động khai thác khoáng sản khai thác ổn định và việc đưa một số mỏ khoáng sản mới vào khai thác có sản phẩm (mỏ chì kẽm Ba Bồ, Nà Quản, Sáo Sào,…), góp phần tăng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh; các mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thương khai thác đảm bảo công suất thiết kế để cung cấp cho các công trình xây dựng và hoạt động sản xuất chế biến nông, lâm sản và thực phẩm duy trì hoạt động ổn định nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi thông qua các chương trình khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh về phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm như: Miến dong, tinh bột nghệ, curcumin, rượu, bê tông tươi,…. Tuy nhiên sản phẩm ván dán vẫn gặp nhiều khó khăn do cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa kết thúc.
– Quý IV: Tiếp đà duy trì sản xuất ổn định và với việc thuận lợi từ thời tiết cho hoạt động sản xuất công nghiệp, tập trung sản xuất các sản phẩm công nghiệp thực phẩm, đồ uống phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Cũng như kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm ván dán sang thị trường Hoa Kỳ, các Nhà máy luyện chì hoạt động ổn định, đạt công suất thiết kế. Ước giá trị sản xuất công nghiệp Quý IV/2023(theo giá so sánh năm 2010) đạt 519 tỷ đồng, lũy kế giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) đạt 1.773 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100% kế hoạch năm 2023.
- Khu vực dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước đạt 7.215 tỷ đồng, tăng 14% so thực hiện năm 2022, đạt 102,4% kế hoạch năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 38,5 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm (trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26 triệu USD).
Quý I: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I ước đạt 1.890 tỷ đồng, tăng 36% so với thực hiện năm 2022. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I năm 2023 ước đạt 9,0 triệu USD ước đạt 23,4% kế hoạch năm 2023.Trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,0 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là: Chì thỏi, bột kẽm ô xít, ván dán, đũa gỗ, hoa quả sơ chế; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,0 triệu USD với các mặt hàng chủ yếu là: Ván mỏng, túi giấy, vener, máy móc).
Quý II: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý II ước đạt 1.562 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Nhóm lương thực, thực phẩm có khả năng giảm, nhóm nhiên liệu có khả năng tăng giá; 2 nhóm này chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ và là mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu tối thiểu của người dân nên mức độ giảm so với quý trước không lớn nhưng sẽ tăng so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ có xu hướng tăng do kỳ vọng các hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ lữ hành tăng (nghỉ hè, dịp nghỉ Lễ 30/4, 1/5 kéo dài ngày).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý II ước đạt 12,0 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,0 triệu USD), giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022, tăng 33,3% so với quý I/2023
Quý III: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý III/2023 ước đạt 1.763 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo đây là thời điểm có thể tăng giá một số mặt hàng thiết yếu do tăng lương cơ bản, tăng giá dịch vụ sử dụng điện, dịch vụ y tế, giáo dục…). Các hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động và bước vào giai đoạn tăng trưởng, đặc biệt là các hàng hóa phục vụ năm học mới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý III ước đạt 10,0 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7,0 triệu USD).
Quý IV: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý IV ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV là thời gian hoạt động thương mại phát triển, trong năm thời điểm Tết Nguyên đán năm 2024 sát với quý IV hơn nên sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại dịch vụ vào dịp cuối năm 2023. Cả năm 2023 ước đạt 7.215 tỷ đồng, tăng 14% so thực hiện năm 2022, đạt 102,4% kế hoạch năm 2023. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý IV năm 2023 ước đạt 7,5 triệu USD (trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5 triệu USD). Lũy kế cả năm 2023 ước đạt 38,5 triệu USD, đạt 100% kế hoạch năm 2023 (trong đó: kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26 triệu USD).
Để hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng công nghiệp – thương mại, dịch vụ, trong năm 2023 Sở Công Thương sẽ tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:
– Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo Quyết định số 2519/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 về việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
– Tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đôn đốc các nhà máy công nghiệp đã tạm dừng hoạt động tái đầu tư, thực hiện sản xuất, gia tăng sản lượng nhất là các nhà máy chế biến sâu khoáng sản.
– Đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu thành lập mới một số khu, cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên nguồn vốn xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
– Tổ chức thực hiện tốt các đề án khuyến công. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc triển khai các tiểu dự án hỗ trợ từ quỹ APIF.
– Tiếp tục tạo điều kiện và hỗ trợ các cơ sở sản xuất các sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh sản xuất, đổi mới công nghệ, duy trì chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, thương hiệu; phát triển sản phẩm gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
– Đôn đốc triển khai các dự án Thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh, tham mưu thu hồi chủ trương đối với dự án chậm tiến độ cam kết; triển khai dự án Năng lượng gió ngay sau khi quy hoạch được phê duyệt. Tập trung thực hiện các công trình chống quá tải kết hợp cấp điện cho các hộ dân tại các khu vực chưa có điện… tiếp tục đôn đốc dự án đưa điện về thôn bản từ nguồn Trung ương.
– Thực hiện tốt mục tiêu phát triển thị trường nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá; phát triển sản xuất hàng hoá theo hướng tập trung đáp ứng nhu cầu của thị trường; tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng và địa phương trong việc phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ; xây dựng hệ thống dịch vụ phân phối hàng hóa, cung ứng theo chuỗi, liên kết chặt chẽ trong quá trình kinh doanh.
– Hỗ trợ xây dựng một số sản phẩm nông sản chủ yếu của tỉnh đảm bảo đạt yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì, nhãn mác để tham gia vào mạng lưới bán lẻ hiện đại và phục vụ xuất khẩu. Tăng cường các biện pháp hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp về định hướng xuất khẩu, thị trường xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu; phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
– Đổi mới và tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông – lâm sản; tổ chức 01 sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn ngoài tỉnh.
– Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các nền tảng công nghệ số và trên môi trường mạng; từng bước xây dựng số hóa và cập nhập thường xuyên dữ liệu cung và cầu hàng hóa; tiếp tục quản lý, vận hành có hiệu quả Website giao dịch điện tử ngành Công Thương.
Hoàng Huyền