Thực hiện Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về phát triển nông nghiệp và kinh tế tập thể, hợp tác xã; Quyết định số 1138/QĐ-UBND ngày 26/6/2023của UBND tỉnh về việc thay đổi thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về phát triển nông nghiệp và kinh tế tập thể, hợp tác xã; Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo được giao phụ trách địa bàn huyện Chợ Đồn gồm Giám đốc Sở Công Thương,Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn đã tổ chức kiểm tra việc thực hiện các Nghị quyết, Đề án về phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 trên địa bàn huyện Chợ Đồn.
Năm 2023, huyện Chợ Đồn đã tập trung chỉ đạo, triển khai có hiệu quả chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX tại các địa phương; triển khai Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh về việc Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; hỗ trợ nguồn nhân lực cho HTX theo Quyết định số 2241/QĐ-UBND ngày 21/11/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn; trợ các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp từ nguồn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, triển khai chính sách hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn…
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Chợ Đồn có 58 HTX, 30 THT. Riêng năm 2023, có 13 HTX mới thành lập và hoạt động, đạt 650% kế hoạch giao chỉ tiêu đầu năm. Sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất của các THT và HTX trên địa bàn huyện đang dần ổn định và phát triển. Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các cấp chính quyền quan tâm triển khai thực hiện, Chương trình đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, thúc đẩy ngành nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; số lượng sản phẩm tham gia, chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, đến nay toàn huyện có 31 sản phẩm gồm: 03 sản phẩm 4 sao; 28 sản phẩm 03 sao (trong đó có 01 sản phẩm mới xếp hạng 3 sao năm 2023).
Huyện Chợ Đồn đã tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố và duy trì, phát triển các sản phẩm được chế biến từ cây chè an toàn thực phẩm, sản phẩm lúa, gạo chất lượng, hữu cơ; Cây ăn quả an toàn thực phẩm; sản phẩm từ gỗ rừng trồng, các sản phẩm từ chăn nuôi… Chè Shan Tuyết Bằng Phúc với tổng diện tích hiện có là 370 ha, sản lượng đạt hơn 1.605 tấn/năm; Chè Hoa vàng với diện tích hiện có 9,8 ha, đang cho thu hoạch hoa là 4,6 ha, tổng lượng thu hoạch năm là: hơn 4,0 tấn tại 07 xã (Nghĩa Tá, Bình Trung, Lương Bằng, Yên Phong, Yên Mỹ, Đồng Thắng, Phương Viên). Gạo Bao thai Chợ Đồn: duy trì diện tích sản xuất vụ Mùa hơn 1.700 ha, năng suất đạt 48-50tạ/ha, sản lượng đạt hơn 8.300 tấn; Gạo Japonica: diện tích sản xuất hơn 200 ha chủ yếu vụ xuân, sản lượng đạt hơn 1.000 tấn. Sản phẩm cây ăn quả như Hồng không hạt Bắc Kạn: tổng diện tích hiện có là 141 ha, diện tích cho thu hoạch là 99 ha; sản lượng đạt hơn 445 tấn; Quýt Bắc Kạn: Tổng diện tích hiện có là 466,14 ha, diện tích đang cho thu hoạch là 394,38 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn…
Trong 3 năm thực hiện các Nghị quyết, Đề án về phát triển nông lâm nghiệp giai đoạn 2020 -2025, việc thực hiện nội dung Nghị quyết tại huyện Chợ Đồn đã góp phần vào tốc độ phát triển bình quân ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 3,76/3,5%/năm, đạt 107% kế hoạch. An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt bình quân đạt hàng năm đạt trên 500 kg/người/năm, đạt 115% kế hoạch Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chợ Đồn nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lâm nghiệp; sản phẩm trồng trọt đã dần đáp ứng nhu cầu của thị trường; chăn nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, quy mô lớn, an toàn dịch bệnh; chất lượng sản phẩm được nâng cao. Huyện chủ động triển khai thực hiện chính sách của tỉnh vào chương trình đang thực hiện tại địa phương thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo ra sản phẩm đặc trưng của huyện.
Công tác Xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm đã được UBND huyện Chợ Đồn quan tâm, triển khai thực hiện thông qua hoạt động tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã cơ sở sản xuất trên địa bàn tham gia trưng bày quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các chương trình, hội chợ: giới thiệu quảng bá các sản phẩm chè shan tuyết, trà hoa vàng tại không gian trà tại Hội Xuân ATK Chợ Đồn; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản, OCOP của huyện Chợ Đồn tại “Lễ hội Lồng tồng Ba Bể” Xuân Quý Mão năm 2023, “Tuần Văn hóa – Du lịch Bắc Kạn” gắn với trải nghiệm bí xanh thơm Ba Bể năm 2023 và Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng năm 2023” tại huyện Pác Nặm; Hội chợ Công Thương Đông Bắc – Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại năm 2023. Nổi bật là trong năm 2023 huyện đã tổ chức 6 phiên chợ đêm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng, OCOP của địa phương. Qua đó góp phần tạo dựng uy tín, danh tiếng và nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm có lợi thế của huyện trên thị trường.
Trong thời gian tới, huyện Chợ Đồn tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, phát triển số lượng, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, tăng thu nhập và cải thiện đời sống các thành viên hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã phát triển về quy mô, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh việc liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm đầu vào, đầu ra của HTX, mở rộng thị trường nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa sản phẩm của HTX, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, nâng cao vai trò của Ban chỉ đạo đổi mới phát triển KTTT, HTX của huyện. Đồng thời, huyện Chợ Đồn đã đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo đơn vị chuyên môn hỗ trợ, định hướng cho huyện các giải pháp trong việc tổ chức thực hiện các nội dung chưa đạt theo Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy và Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025 như: Diện tích trồng mới cây chè, cây ăn quả (chè, cam, hồng, mơ), thực hiện các biện pháp tỉa thưa rừng keo, mỡ, thực hiện cấp chứng chỉ FSC, hỗ trợ trong việc định hướng các chỉ tiêu nông nghiệp giao năm 2024; Đề nghị Sở Công Thương: Tiếp tục hỗ trợ cho địa phương trong công tác Xúc tiến thương mại và tiêu thụ, quảng bá sản phẩm của địa phương./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)