Một số giải pháp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới

Những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế cùng với nỗ lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước đưa Việt Nam khẳng định được vị thế trên trường quốc tế và thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh những kết quả tích cực, hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế và tồn tại. Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” đã chỉ ra những hạn chế, đó là:

Một là, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế có nơi, có lúc chưa được quán triệt kịp thời, đầy đủ và thực hiện nghiêm túc. Hội nhập kinh tế quốc tế còn bị tác động bởi cách tiếp cận phiến diện, ngắn hạn và cục bộ; do đó, chưa tận dụng được hết các cơ hội và ứng phó hữu hiệu với các thách thức.

Hai là, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và quá trình đổi mới ở trong nước, nhất là đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện một cách đồng bộ, chưa gắn kết chặt chẽ với quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Ba là, hội nhập kinh tế quốc tế chưa được phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với hội nhập trong các lĩnh vực khác. Chưa tạo được sự đan xen chặt chẽ lợi ích chiến lược, lâu dài với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng. Việc ứng phó với những biến động và xử lý những tác động từ môi trường khu vực và quốc tế còn bị động, lúng túng và chưa đồng bộ.

Giải pháp đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Năm 2018 là thời điểm quan trọng trong việc thực thi các cam kết hội nhập kinh tế và là năm bản lề cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế của đất nước, cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến tình hình thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Nâng cao hiểu biết và sự đồng thuận của cả xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp, doanh nhân đối với các thoả thuận quốc tế, đặc biệt là cơ hội, thách thức và những yêu cầu phải đáp ứng khi tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới bằng các hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp và hiệu quả cho từng ngành hàng, hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng. Nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế, thương mại quốc tế…

Thứ hai, chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA. Xử lý thoả đáng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao, ứng phó được với những biến động kinh tế quốc tế. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế.

Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, coi đây vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế, là giải pháp có tính quyết định để nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Xác định gia tăng xuất khẩu, số lượng và chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế là các tiêu chí kinh tế trực tiếp để đánh giá kết quả hội nhập quốc tế về kinh tế.

Thứ ba, khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; Nội luật hoá theo lộ trình phù hợp với những cam kết, quy định quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ… bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các FTA thế hệ mới.

Thứ tư, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế; có chính sách phù hợp hỗ trợ các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp vươn lên; Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, trình độ pháp luật quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ chủ động phù hợp.

Thứ năm, tăng cường nghiên cứu các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế, làm cơ sở tham mưu cho Ban chỉ đạo liên ngành và Chính phủ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và các ban chỉ đạo liên ngành về hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị – quốc phòng – an ninh, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hoá – xã hội, giáo dục, khoa học – công nghệ và các lĩnh vực khác nhằm tạo sức mạnh tổng hợp của quốc gia trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ sáu, phát huy vị thế quốc tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia khi triển khai các FTA thế hệ mới. Phát huy uy tín và vị thế quốc tế để tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền trong quá trình hội nhập. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân trong quá trình hội nhập để phát huy tốt vai trò và thế mạnh của kênh đối ngoại…

Mai Hùng (Sở Công Thương). Sưu tầm 

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005156
Views Today : 8
Views This Month : 2420
Views This Year : 10328
Total views : 70868
Language
Skip to content