Nhìn lại một năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh.

Trong đó, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 144-KH/TU ngày 08/4/2019 triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Sở Công Thương với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn đã tham mưu ban hành Kế hoạch số 247/KH-UBND ngày 7/5/2019 của UBND tỉnh Triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, phân giao nhiệm vụ cụ thể đến từng sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trong tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chủ động tăng tải thông tin tuyên truyền về Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên website của Sở để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng – Ngày 15/3/2019, Sở Công Thương đã chủ trì tham mưu tổ chức các hoạt động như: Phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức phát 1.000 tờ rơi tuyên truyền có nội dung về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn các huyện, thành phố và tại các Hội thảo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2019; Phối hợp Công ty Điện lực Bắc Kạn, Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn tổ chức diễu hành tuyên truyền bằng xe máy trên các tuyến đường chính thành phố Bắc Kạn với số lượng 80 người tham gia diễu hành từ 08h00’ – 10h00’ngày 15/3/2019; Phối hợp Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội thảo tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2019 cho gần 600 học viên là cán bộ, người lao động, học sinh, sinh viên của Trường. Có văn bản khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hoặc các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức các chương trình khuyến mại nhằm tri ân người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh, trong đó: Tập trung thực hiện trong tháng 3năm 2019. Kết quả, trong tháng 3 năm 2019, Sở Công Thương đã tiếp nhận trực tiếp 78 thông báo thực hiện khuyến mại và 1200 thông báo thực hiện khuyến mại theo đường bưu điện, xác nhận 02 đăng ký thực hiện khuyến mại với tổng giá trị giải thưởng khoảng 109.770.000 đồng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền và để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Đảng ủy, chính quyền các sở, ban ngành, địa phương, đơn vị đã quan tâm, triển khai thực hiện như: Xây dựng các kế hoạch triển khai theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; Tuyên truyền, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động về ý nghĩa của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ và hỗ trợ người tiêu dùng. Đồng thời, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo đúng thời gian quy định. Điển hình các đơn vị:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động phù hợp tỉnh hình của đơn vị thông qua các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh và cung cấp các thông tin cho các phương tiện thông tin đại chúng; treo 8 băng zôn tại chợ các huyện, thành phố và phối hợp với đài phát thanh truyền hình phát sóng chuyên mục nói không với thực phẩm bẩn với 06 lượt phát sóng về chủ đề: An toàn thực phẩm trong nông lâm thủy sản năm 2019; phát 300 tờ rơi, 03 băng đĩa tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong nông nghiệp cho các huyện, thành phố, các sơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh cho Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội nhằm quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương có thương hiệu trên thị trường. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh chủ trì tổ chức thành công 08 Hội nghị công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Phối hợp với hội phụ nữ xã Địa Linh tuyên truyền về các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nông lâm sản. Liên kết, kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản an toàn của tỉnh với Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hà Nội; cập nhật, đưa danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản an toàn của Bắc Kạn lên trang thông tin của Cục quản lý chất lượng và thành phố Hà Nội. Thực hiện ký kết 04 Bản ghi nhớ hợp tác cung ứng nông sản thực phẩm an toàn với Tập đoàn General Goup – Bic C; Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Tập đoàn AEON – Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh Bắc Kạn, đồng thời giúp quảng bá các sản phẩm nông sản chủ lực của đia phương trên các Wepsite của ngành và Trung ương, ngay từ đầu năm Sở  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng và đưa vào hỗ trợ cấp xác nhận cho 12 cơ sở (11 Hợp tác xã, 01 công ty) với 16 sản phẩm nông sản trên địa tỉnh Bắc Kạn. Thông qua hoạt động này đơn vị đã tiến hành hỗ trợ cấp xác nhận chuỗi cung ứng, tem truy xuất nguồn gốc, lô gô chuỗi cung ứng cho các cơ sở, giúp các cơ sở có thể quảng bá sản phẩm nâng cao giá trị, thương hiệu trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các sản phẩm được chứng nhân đã được tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tăng số lượng sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố Hà Nội.

Trong năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giống cây trồng nông nghiệp, buôn bán thuốc BVTV, phân bón và lấy mẫu phân bón tại các cơ sở buôn bán phân bón trên địa bàn thành phố đi phân tích. Kết quả kiểm tra cơ bản các cơ sở đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các mẫu phân bón cơ bản đều có các chỉ tiêu phân tích đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.

Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch thông qua việc lồng ghép vào các cuộc họp cơ quan, hội nghị giao ban, hội nghị sinh hoạt chi bộ và các buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; trên Trang thông tin điện tử của đơn vị; treo băng zôn, khẩu hiệu,… Đồng thời, giao cho các khoa chuyên môn lồng ghép vào giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng do nhà trường tổ chức để tuyên truyền, cung cấp các thông tin về tiêu dùng, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thông tin về các phương thức, cách thức bảo vệ người tiêu dùng trên Thế giới và Việt Nam thông qua 18 lớp đào tạo, bồi dưỡng với tổng số 1.305 học viên được nghe tuyên truyền theo hình thức lồng ghép trong các giờ giảng trên lớp do các khoa chuyên môn đảm nhiệm. Đồng thời, trên cơ sở chức năng và nhiệm vụ của đơn vị, tích cực tuyên truyền sâu rộng hơn đến CCVC-NLĐ, học viên đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu khoa học mới vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng nhất là đối với đối tượng tiêu dùng yếu thế như trẻ em, học sinh, sinh viên, người già, phụ nữ, công nhân nghèo, khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa,… Căng treo băng zôn tại trụ sở đơn vị với khẩu hiệu: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Công an tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã tham mưu ban hành các văn bản, kế hoạch về tăng cường công tác đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn; đảm bảo an ninh kinh tế khi Việt Nam tham gia hiệp định đối tác chiến lược toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả của người nước ngoài; tăng cường đấu tranh phòng chống hoạt động vận chuyển, tiêu thị lợn bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn để người dân sử dụng, rà soát, nắm tình hình về gian lận xuất xứ hàng hóa trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và các biện pháp chống phòng vệ thương mại trên địa bàn.Trong năm 2019, Công an tỉnh đã tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình đấu tranh để phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng đối với các hành vi như: Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng cấm; vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ; Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm…

Cục Quản lý thị trường đã chủ động tham gia hưởng ứng các hoạt động ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại địa bàn; nâng cao trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chính quyền địa phương cùng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích người tiêu dùng; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật… Tính đến thời điểm báo cáo, qua kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 1.165 lượt vụ, xử lý vi phạm 244 vụ, các hành vi vi phạm bị xử lý chủ yếu là: Kinh doanh, vận chuyển buôn bán hàng hóa nhập lậu; buôn bán hàng cấm; Kinh doanh hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang khi tiếp súc với thực phẩm chín, thức ăn ngay; bán hàng hóa phải có dấu hợp quy nhưng không có dấu hợp quy; buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của thương nhân khác; kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng hoá có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá, không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định…

Điện lực Bắc Kạn cũng tích cực thực hiện nhiệm vụ về bảo bệ quyền lợi người tiêu dùng như: Lập kế hoạch kiểm tra và thay thế định kỳ đảm bảo đúng quy định; Cung cấp các dịch vụ điện theo quy định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Công tác thay đổi giá bán điện được thông báo kịp thời, chính xác đúng theo quy định cho tất cả các khách hàng sử dụng điện trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong năm, không có khách hàng chưa thỏa mãn với cách giải quyết và không có ý kiến thắc mắc thêm về cung cấp điện của Đơn vị. Đối với các đơn đề nghị và kiến nghị của nhân dân qua các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh cũng đều được giải quyết, trả lời đúng theo quy định. Không có khách hàng phải làm đơn đề nghị các Đơn vị cấp trên giải quyết. Công tác truyền thông cũng được đơn vị duy trì thường xuyên, hiệu quả, đúng quy định, qua các kênh website Tổng công ty, website Công ty, Báo, Đài… nhằm tuyên truyền, vận động người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện, phòng ngừa tai nạn điện trong dân. Tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành, tuyên truyền về việc thay đổi giá bán điện…Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện tin chăm sóc khách hàng tới khách hàng sử dụng điện với các nội dung thông báo đóng cắt điện, thanh toán tiền điện, tri ân chăm sóc khách hàng sử dụng điện vào các dịp lễ tết… Thực hiện tuyên truyền, vận động và hỗ trợ khách hàng đăng ký sử dụng Zalo để nhận thông báo về tình hình sử dụng điện thay hình thức nhắn tin SMS.

Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn chỉ tập trung vào hoạt động của một số cơ quan, đơn vị, do đó công tác triển khai, tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, sâu rộng. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý; Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật hiệu quả còn thấp, hình thức và biện pháp tuyên truyền chưa được phong phú, đa dạng. Đặc biệt, đối với UBND các huyện, thành phố còn chưa thực sự quan tâm và triển khai thực hiện do đó, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn cấp huyện còn mờ nhạt, chưa tạo nên sự quan tâm cần thiết đối với đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người tiêu dùng trên địa bàn.

Trong thời gian tới, để nâng cao sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Chỉ thị, Nghị quyết và văn bản liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh; xây dựng tiêu chí đánh giá và coi đây là một trong những nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, gắn nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Triệu Thị Thanh Hoa (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005160
Views Today : 18
Views This Month : 2717
Views This Year : 10625
Total views : 71165
Language
Skip to content