Công tác phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 38 hợp tác xã (HTX) được thành lập mới. Tính đến 30/6/2024, toàn tỉnh có 443 HTX với 4.220 thành viên (tăng 75 HTX so với cùng kỳ) với tổng vốn điều lệ 707,3 tỷ đồng; có 655 tổ hợp tác (THT) với hơn 2.000 thành viên, trong đó có 609 THT nông nghiệp (chiếm 93%) và 56 THT phi nông nghiệp (chiếm 7%) ; có 02 Liên hiệp HTX với 13 thành viên HTX.
Doanh thu bình quân của 01 HTX trong 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 800 triệu đồng/01 HTX, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 05 triệu đồng/người/tháng. Nộp ngân sách ước đạt 35.365 triệu đồng. Các THT thành lập mới, tổ chức, hoạt động ổn định, doanh thu bình quân của THT ước đạt 40 triệu đồng/THT/năm. Các thành viên Liên hiệp HTX đã phát huy được vai trò trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các HTX thành viên trong Liên hiệp HTX. Các thành viên liên kết với khoảng 1000 hộ dân, hợp tác giữa các HTX thành viên hỗ trợ nhau tài chính, nguồn nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm chéo, sử dụng dịch vụ của nhau, hỗ trợ nhau hồ sơ và xây dựng các dự án liên kết chuỗi. Sản phẩm thành viên Liên hiệp HTX phong phú, đa dạng, các Liên hiệp HTX đã thực hiện tốt công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các thành viên trong Liên hiệp HTX, đồng thời quảng bá tiềm năng nông nghiệp, du lịch, văn hóa cộng đồng để trải nghiệm, giới thiệu đến du khách trong và ngoài tỉnh. Việc duy trì và phát triển các Liên hiệp HTX đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan chuyên môn và các cấp chính quyền đã triển khai các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để hợp tác xã và các thành phần kinh tế khác đầu tư vào hợp tác xã nhằm đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh trên thị trường. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và các văn bản hướng dẫn đã tạo ra nhiều chuyển biến trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của thành phố, các kết quả về số lượng, doanh thu, lợi nhuận và thu nhập của người lao động tại các hợp tác xã đều tăng hơn so với năm trước. Một số hợp tác xã đã đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị bền vững; tạo ra các sản phẩm có giá trị mang đặc trưng của thành phố, có đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế xã hội. Nhiều mô hình kinh tế kiểu mới gắn với sự phát triển của chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng. Nhận thức của cán bộ đảng viên và về kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển biến tích cực. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã ngày càng tăng. Nhận thức của người dân nói chung, của thành viên hợp tác xã nói riêng về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với chuỗi giá trị ngày càng được nâng cao; đầu tư vào sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao nhận được sự quan tâm, chú trọng, từng bước nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩn, thu nhập.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động tại nhiều hợp tác xã còn thấp. Một số hợp tác xã hoạt động không đảm bảo đầy đủ theo Luật Hợp tác xã. Việc giải thể các hợp tác xã hoạt động yếu kém, ngừng hoạt động chưa được thực hiện kịp thời, triệt để. Đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa đồng đều, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, trình độ quản lý còn hạn chế nên còn gặp khó khăn trong công tác quản trị, điều hành sản xuất, chuyển đổi số, tiếp cận các nguồn thông tin, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Nhà nước. Năng lực cạnh tranh của nhiều hợp tác xã còn thấp, các hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động, tiếp cận nguồn vốn.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do năng lực quản lý, điều hành của HTX còn bất cập, phần lớn cán bộ quản lý HTX chưa qua đào tạo về quản lý HTX, kinh doanh. Năng lực tài chính yếu, khả năng cạnh tranh thấp chưa đáp ứng được yêu cầu mở rộng liên kết sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn hiện nay. Một số tổ chức KTTT còn có tư tưởng trông chờ vào chính sách hỗ trợ; chưa chủ động trong sản xuất doanh, mở rộng thị trường và huy động nguồn lực. Khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận tư liệu sản xuất (đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật) còn yếu; nội lực của các hợp tác xã còn yếu, việc huy động vốn từ thành viên thấp, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn hạn chế, trình độ quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh chưa tốt nên làm ăn thiếu hiệu quả. Bản thân một số thành viên hợp tác xã vẫn còn những hạn chế trong nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã Tài Hoan
Mặt khác, đối tượng hưởng lợi của một số chính sách không cụ thể, khó tiếp cận chính sách; một số chính sách đã ban hành nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện. Công tác quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa được quan tâm đúng mức; tại các địa phương, cán bộ phụ trách lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra, hướng dẫn chưa được thực hiện thường xuyên.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể đến cán bộ, đảng viên, nhân dân và các HTX trong tỉnh. Các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chỉ thị số 27-CT/TU ngày 24/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 938/QĐ-UBND ngày 21/6/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, giai đoạn 2021- 2025.
Phấn đấu đến hết năm 2024 thành lập mới 01 Liên hiệp HTX, 13 THT và 10 HTX trở lên. Doanh doanh bình quân 800 triệu đồng/HTX/năm, 250 triệu đồng/THT /năm. Tổng số HTX hoạt động khá tốt đạt từ 50% trở lên; các HTX hoạt động yếu kém xuống còn dưới 12%.
Đồng thời tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và người lao động trong HTX. Tăng cường công tác hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường cho sản phẩm của các THT, HTX, Liên hiệp HTX. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố ra soát, đánh giá phân loại hàng năm các HTX; tư vấn giải thể các HTX đã ngừng hoạt động, phát triển các HTX mới; kết nạp thành viên Liên minh HTX tỉnh theo quy định. Tư vấn cho các THT đăng ký với xã, phường, thị trấn theo quy định./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)