Phương án dự trữ hàng hóa phòng chống thiên tai năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần ổn định kinh tế- xã hội, mặt khác để kịp thời đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của nhân dân trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương xây dựng phương án dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021. Phương án dự trữ các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc tại chỗ. UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án dự trữ các mặt hàng thiết yếu theo tình hình thực tế tại địa phương. Trong trường hợp địa phương bị cô lập, chia cắt thì báo cáo UBND tỉnh để huy động nguồn hàng hóa dự trữ của tỉnh và điều chuyển hàng hóa các địa phương khác trong tỉnh để đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Nhóm lương thực, thực phẩm

Mỳ ăn liền, lương khô

Hiện nay nguồn cung đối với những mặt hàng mỳ ăn liền, lương khô, phở gói, cháo gói… nguồn cung dồi dào, đảm bảo đáp ứng đủ khi cần huy động để cung ứng cho các vùng có nguy cơ bị thiên tai xảy ra. Đối với các mặt hàng này hiện nay được dự trữ tại các nhà phân phối, cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn tỉnh. Khả năng dự trữ và cung ứng tại chỗ: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ngọc Huy 2.500 thùng mỳ, miến các loại; Nhà phân phối Ngọc Cường 500 thùng mỳ ăn liền; Nhà phân phối Sinh Thành 2.660 thùng mì ăn liền, 820 thùng bún, phở, cháo các loại.

Gạo

Dự trữ tại chỗ ở các đại lý bán buôn, bán lẻ, các hộ kinh doanh cá thể, các máy xay xát và các hộ nông dân sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh. Khả năng cung ứng tại chỗ trên địa bàn tỉnh khoảng 350 tấn gạo các loại. Trong trường hợp địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bị chia cắt, cô lập thì sẽ sử dụng phương án cung ứng tại chỗ của các huyện, thành phố. Trường hợp địa phương không tự cân đối đảm bảo được thì huy động nguồn lương thực, thực phẩm điều chuyển từ các địa phương khác như huyện Chợ Đồn, huyện Ba Bể, thành phố Bắc Kạn.

Nước uống đóng chai, đóng bình

– Nước uống đóng chai do các đơn vị kinh doanh phân phối dự trữ tại  Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy 6.000 lít và các đại lý bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

– Nước uống  đóng chai, đóng bình do các cơ sở sản xuất tại địa bàn tỉnh như: Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bắc Kạn 50.000 lít; Cơ sở sản xuất nước Nặm Cắt (phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn) 40.000 lít; Cơ sở sản xuất nước Bó Nặm (tổ 1A, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn) 50.000 lít.

Ngoài ra, tại các huyện Chợ Đồn, Na Rì, Chợ Mới có các cơ sở sản xuất nước uống cung cấp tại chỗ và khu vực lân cận trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ với khả năng cung ứng 100.000 lít.

Lương thực, thực phẩm khác

– Ngoài ra lượng sản phẩm chế biến từ gạo như: Phở khô, bún khô tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh sản xuất còn khá nhiều khoảng 15 tấn bún, miến, phở các loại Hợp tác xã Hồng Luân, huyện Chợ Đồn; Hợp tác xã bún phở Quỳnh Niên, huyện Ngân Sơn; Hợp tác xã 20/10 và hợp tác xã Thanh niên Như Cố huyện Chợ Mới, các cơ sở sản xuất phở khô tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông.

– Các mặt hàng thực phẩm khác như thịt lợn, thịt gia cầm; các mặt hàng thủy hải sản đông lạnh, thịt hộp, cá hộp…. Nguồn hàng dự trữ tại Siêu thị VinMart Bắc Kạn; Siêu thị BK Mart Bắc Kạn; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ngọc Huy; nhà phân phối Thảo Nghi và các đại lý bán lẻ tại các chợ, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn toàn tỉnh. Khả năng dự trữ và cung ứng các mặt hàng, cụ thể: Thịt lợn, thịt gia cầm: 25 tấn; các mặt hàng thủy hải sản: 15 tấn; trứng gia cầm: 30.000 quả…

– Đối với các mặt hàng muối, dầu ăn, mì chính, bột canh, nước mắm hiện nay được dự trữ tại các nhà phân phối, cửa hàng kinh doanh tạp hóa trên địa bàn tỉnh đủ khả năng cung ứng với số lượng khoảng 3 tấn muối, bột canh, mì chính các loại; 10.000 lít nước mắm; 15 tấn dầu ăn các loại (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Ngọc Huy, Nhà phân phối Sinh Thành, siêu thị Vinmart).

– Các mặt hàng rau, củ, quả tươi sống hiện có trong nhân dân tại các địa phương đáp ứng khả năng cung ứng tại chỗ trong trường hợp xảy ra thiên tai.

Nhóm nhiên liệu (xăng, dầu, dầu hỏa)

– Mặt hàng xăng dầu: Chủ yếu dữ trữ tại các cửa hàng của Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn, Công ty Cổ phần xăng dầu dầu khí Hà Nội chi nhánh tại Bắc Kạn; Doanh nghiệp tư nhân Huấn Hoà, Công ty TNHH Hoàng Tiến.

– Với số dự trữ dao động trong khoảng 4.000mxăng dầu các loại, riêng mặt hàng dầu hoả khả năng dự trữ, cung cấp khoảng 50.000 lít chủ yếu tại Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn và các Công ty Cổ phần Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ huyện Ba Bể, Ngân Sơn, Chợ Đồn và Na Rì.

Nhóm vật liệu xây dựng

Các mặt hàng như tấm lợp, xi măng, sắt thép, đinh vít, dây thép buộc, rọ sắt, lưới B40 được dự trữ tại các thương nhân kinh doanh buôn bán vật liệu trên địa bàn thành phố như DNTN Đình Thành (Rọ sắt, dây thép, đinh vít), Công ty TNHH Trần Toản (phường Xuất Hóa) sản xuất tấm lợp có dự trữ khoảng trên 30 tấn sắt thép, khoảng 10.000m2  tấm lợp, khoảng 40 tấn xi măng. Khả năng cung ứng các mặt hàng này ổn định đảm bản đầy đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ cung ứng khi có thiên tai xảy ra.

Theo phương án trên, Sở Công Thương chủ động theo dõi, nắm tình hình mức độ thiệt hại của thiên tai, kịp thời tham mưu chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ quản lý về công tác dự trữ và cung ứng các mặt hàng thiết yếu, nhằm duy trì và ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân vùng bị thiên tai, bão lụt, chia cắt; theo dõi việc triển khai thực hiện cung ứng hàng hóa và khắc phục sau thiên tai của các đơn vị thuộc ngành Công Thương; tăng cường công tác theo dõi giá cả thị trường và bình ổn giá trong mùa mưa bão.

Đồng thời, Sở Công Thương đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn chủ động xây dựng Kế hoạch Dự trữ một số mặt hàng thiết yếu đủ số lượng, đảm bảo chất lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”; Theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý để có phương án xử lý kịp thời ứng phó khi có thiên tai xảy ra, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng đối với những vùng bị thiên tai, đặc biệt đối với các khu vực có nguy cơ bị chia cắt.

Đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp chỉ đạo các Đội quản lý thị trường xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt về giá cả, chất lượng hàng hoá, nhất là đối với với các mặt hàng thiết yếu trong mùa mưa, bão, thiên tai xảy ra. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng khan hiếm hàng hoá do thiên tai tự động tăng giá, ép giá bất hợp lý nhằm thu lời bất chính, gây xáo trộn thị trường và làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu rà soát hệ thống các công trình trụ sở làm việc, kho chứa hàng hoá, bến bãi, phương tiện vận tải, thiết bị… kịp thời thực hiện các biện pháp gia cố, phòng tránh nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại về người, tài sản, hàng hoá khi có thiên tai xảy ra. Căn cứ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, khả năng tài chính, điều kiện cơ sở vật chất có Kế hoạch chủ động nguồn cung và dự trữ đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, vật tư, nhiên liệu để cung ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt thường xuyên của nhân dân trên địa bàn và khi có sự cố thiên tai xảy ra với lượng hàng đảm bảo, giá cả ổn định.

Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 147
Views This Month : 3607
Views This Year : 11515
Total views : 72055
Language
Skip to content