Ngày 31 tháng 8 năm 2023, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 6022/KH-BCT tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. Trong đó, Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, đồng thời, lồng ghép với các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 là các hoạt động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30- CT/TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thời gian tổ chức thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024 trong đó tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người nên dùng Việt Nam năm 2024 sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11) được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024, tùy tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức, địa phương. Trong đó, bao gồm các chuỗi hoạt động cụ thể như:
Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được triển khai từ ngày 15 tháng 11 năm 2023 đến ngày 29 tháng 02 năm 2024. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cần xây dựng các công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động đưa trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Đồng thời, các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Các hoạt động hưởng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động trong tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày Quyền của người tiểu dùng Việt Nam. Tùy theo điều kiện thực tế, các hoạt động hướng tới có thể tổ chức trực tuyến hoặc tập trung.
Các hoạt động trong Tháng cao điểm hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được tổ chức đồng loạt ở Trung ương và tại các địa phương trong cả nước. Trong đó:
Ở Trung ương, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động như: (1) Tổ chức lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024; (2) Thực hiện các hoạt động: (i) Tuyên truyền, phổ biến thông qua treo băng rôn, khẩu hiệu và thực hiện các hoạt động tuyên truyền phù hợp tại trụ sở cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trên các tuyến phố, tại các khu dân cư và các địa điểm công cộng; trên giao diện của các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng hoặc các hình thức kinh doanh trực tuyến khác; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp đăng tải các tin, bài và thực hiện các hoạt động tuyên truyền khác trên các phương tiện thông tin, đại chúng, trên các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội; (ii) Xây dựng và phát hành các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền, phục vụ cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. (iii) Tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo theo chủ đề của năm và các nội dung khác về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (iv) Tổ chức hoặc phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân, nâng cao giá trị. quyền lợi cho người tiêu dùng. Phối hợp với một hoặc một số sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số triển khai chương trình khuyến mại, tri ân người tiêu dùng. Các hoạt động khác với mục tiêu tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi người tiêu dùng. (v) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm gia tăng quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo cầu nối và sự tương tác giữa các bên. (vi) Tổ chức các sự kiện công cộng hướng về cộng đồng người tiêu dùng, ong đó khuyến khích các hoạt động thể thao, văn hóa, xã hội có tính chất kết mối cao (Giải chạy/đi bộ vì người tiêu dùng; Các giải thi đấu thể thao; Các hội , triển lãm; Các hoạt động khác). (vii) Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức, kỹ năng kinh doanh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. (viii) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông qua các trang mạng xã hội. (ix) Các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng khác phù hợp với chức năng nhiệm vụ, phạm vi, địa bàn và lĩnh vực hoạt động.
Tại các địa phương, căn cứ các điều kiện, tình hình thực tế địa phương tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với các hình thức phù hợp trên địa bàn. Trong đó: (1) Tổ chức các hoạt động như nội dung của Trung ương tại các địa phương, đảm bảo toàn bộ các khu chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương đều có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, quảng bá Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024. (2) Tổ chức Các buổi mít tinh, tuần hành, diễu hành. (3) Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, cơ sở sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại địa phương. (4) Phối hợp với đài phát thanh, truyền hình địa phương tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ và tuyên truyền pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng. (5) Các hoạt động thúc đẩy sự hiểu biết và tương tác giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. (i) Các chương trình, hoạt động tri ân người tiêu dùng, hỗ trợ bảo hành sản phẩm, hỗ trợ, tư vấn sử dụng sản phẩm tiêu dùng an toàn tiết kiệm, giảm giá, khuyến mại và các hoạt động tri ân khác. (ii) Các chương trình ký cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng. (iii) Tuyên dương các doanh nghiệp có nhiều hoạt động hưởng tới người tiêu dùng. (iv) Các hoạt động khác phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế tại địa phương.
Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 còn bao gồm các hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân khác thực hiện theo kế hoạch và chủ đề do Bộ Công Thương phát động hoặc tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 do các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức.
Các hoạt động tiếp nối tháng cao điểm và hoạt động tổng kết: Kết thúc tháng cao điểm, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2024, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần phát huy những kết quả đạt được trong tháng cao điểm, tiếp tục quan tâm, tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tại địa phương, đơn vị và trong phạm vi lĩnh vực hoạt động. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể xây dựng và thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng theo ngày, tuần, tháng để tập trung vào nhóm người tiêu dùng tại địa phương hoặc trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động. Đồng thời, thực hiện các hoạt động tổng kết, đánh giá về các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được triển khai tại địa phương, đơn vị.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 được thực hiện trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước./.
Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)