Công nghiệp Bắc Kạn bứt phá đi lên

Với định hướng phát triển đúng đắn, biến tiềm năng thành thế mạnh, ngành công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã thoát khỏi bức tranh ảm đạm những ngày đầu mới thành lập tỉnh, bứt phá đi lên. Hứa hẹn trong thời gian tới, ngành công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Biến tiềm năng thành thế mạnh

Năm 1997, công nghiệp tỉnh Bắc Kạn không phát triển. Lúc đó, toàn tỉnh chỉ có 2 doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh Trung ương; 3 doanh nghiệp công nghiệp quốc doanh địa phương và 874 cơ sở, hộ sản xuất chế biến, khai thác cát, đá, sỏi và gia công cơ khí ngoài quốc doanh. Tổng số lao động trong ngành công nghiệp là 3.222 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định 1994) mới đạt 20,823 tỷ đồng.

Trước thực trạng đó, nhận thức được tầm quan trọng của lĩnh vực công nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề thúc đẩy công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn đầu sau tái lập tỉnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp của địa phương vẫn ở tầm quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, các sản phẩm chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường; sản xuất hiệu quả thấp…

Tỉnh Bắc Kạn là địa phương có nhiều tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là chì, kẽm, sắt, vàng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tài nguyên rừng và những sản phẩm đặc sản của địa phương… rất thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp khai thác, các ngành sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, những năm trở lại đây, nhờ khuyến khích phát triển rừng, Bắc Kạn đã có hàng trăm nghìn ha rừng sản xuất, đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm nông lâm sản.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Hoàng Hà Bắc, giai đoạn 2016 – 2020, nhờ xác định đúng định hướng là tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như công nghiệp chế biến nông – lâm sản gắn với vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng, tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân đạt 11,93%/năm, cao hơn so với bình quân chung ngành công nghiệp cả nước (3,36%/năm). Cơ cấu khu vực công nghiệp – xây dựng năm 2020 chiếm 14% trong tổng GRDP của tỉnh, trong đó cơ cấu ngành công nghiệp là 6,3% trong tổng GRDP của tỉnh. Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 đạt 904,35 tỷ đồng, tăng bình quân 9,2%/năm.

Sản xuất tại Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn
của Công ty TNHH Hoàng Nam Bắc Kạn

Có thể khẳng định, sau 25 năm, ngành công nghiệp của tỉnh đã có những tăng trưởng nhất định. Trên địa bàn tỉnh hiện có 100 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, hợp tác xã và hơn 400 hộ sản xuất cá thể với tổng số 5.411 lao động. Quy mô ngành công nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt gần 950 tỷ đồng, tăng 62 lần so với năm 1997. Cơ cấu nội ngành phát triển theo hướng tích cực; năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh so với năm 1997 nâng lên rõ rệt, có nhiều tiến bộ, nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp được đầu tư và đi vào hoạt động ổn định, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp trong những năm tiếp theo. Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất ổn định có giá trị gia tăng cao, có chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó có sản phẩm miến dong Tài Hoan (Hợp tác xã Tài Hoan, Na Rì) đã được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, miến dong Tài Hoan và miến dong Nhất Thiện Ba Bể (xã Mỹ Phương, Ba Bể) đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021.

Khi tái thành lập, tỉnh Bắc Kạn mới có 12/122 xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới Quốc gia. Đến nay, 100% xã, phường thị trấn đã được sử dựng lưới điện Quốc gia với tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,39%; các cơ sở sản xuất được cấp điện ổn định…

Phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh xác định, cùng với lĩnh vực du lịch sẽ phát triển “công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản.

Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Govina 
ở Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới

Để thực hiện được mục tiêu trên, hiện nay, Bắc Kạn đang tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đảm bảo các điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng. Tập trung khai thác các khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phục vụ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, trong đó tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm và các sản phẩm đi kèm để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, phấn đấu đưa Bắc Kạn trở thành một trong những trung tâm sản xuất chì, kẽm của cả nước…

Tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, đáp ứng phát triển công nghiệp. Hiện nay, tỉnh đã có 1 khu công nghiệp – Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I đã hoàn thành và cơ bản được lấp đầy và đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn II; có 6 cụm công nghiệp được phê duyệt thành lập, đang triển khai các thủ tục đầu tư.

Cụm Công nghiệp Huyền Tụng đang được san lấp mặt bằng, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2022

Với chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường cùng nhiều giải pháp đột phá, ngành công nghiệp hứa hẹn sớm phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005171
Views Today : 17
Views This Month : 4431
Views This Year : 12339
Total views : 72879
Language
Skip to content