Trên địa bàn tỉnh hiện có 09 doanh nghiệp đăng ký bán hàng theo phương thức đa cấp, với 1.823 người tham gia bán hàng, doanh thu năm 2021 đạt trên 21 tỷ đồng, các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là sản phẩm chức năng, mỹ phẩm và đồ gia dụng. Qua số liệu trên cho thấy, nhìn chung các doanh nghiệp đều chấp hành các quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn hiện tượng môt số doanh nghiệp Ký hợp đồng với người không được tham gia bán hàng đa cấp, không thông báo hoặc thông báo chưa đầy đủ việc tổ chức hội nghị, hội thảo. Bởi vậy, tại Văn bản số 5480/UBND-GTCNXD ngày 18/8/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung như:
1. Các Sở, Ngành, UBND các huyện, thành phố: Tuyên truyền phổ biến, quán triệt cán bộ, công chức không được tham gia bán hàng đa cấp theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 28, Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lýhoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn theo pháp luật hiện hành, trong đó thực hiện có hiệu quả nội dung Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh ban hành tại Quyết định số 730/QĐ-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn.
2. Sở Công Thương: chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, đôn đốc doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
3. Công an tỉnh: phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn; Thực hiện xác minh, điều tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động bán hàng đa cấp.
4. Cục Quản lý thị trường: thường xuyên kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật đối với các sản phẩm lưu thông trên thị trường và xử kịp thời các hành vi vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật.
5. UBND các huyện, thành phố: Tăng cường giám sát, phát hiện hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp từ cơ sở tổ dân phố, xã, phường… lưu ý hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp, người tham gia bán hàng đa cấp có hộ khẩu thường trú tại địa phương hoặc người ở nơi khác đến. Đặc biệt cần quan tâm đến việc tổ chức, cá nhân liên hệ để tổ chức hội nghị giới thiệu và bán sản phẩm trá hình, hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp trái phép…
6. Doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh:
– Chấp hành đúng theo quy định Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; Đồng thời thực hiện các quy định của pháp luật về nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm, các hoạt động khuyến mại, quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền về các sản phẩm được phép kinh doanh…thực hiện tổng hợp báo cáo theo quy định.
– Thực hiện việc thẩm tra, xác minh các đối tượng trước khi ký hợp đồng bán hàng đa cấp đảm bảo đúng theo quy định tại Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp./.
(Hoàng Yến, Sở Công Thương)