Ưu tiên về dịch vụ du lịch
Đầu tư Khu du lịch Ba Bể trở thành trung tâm du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc gia với các loại hình du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa và các lễ hội truyền thống.
Quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo thương hiệu cho các sản phẩm du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa lễ hội; tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh, liên kết hợp tác với các tỉnh lân cận, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội trong phát triển du lịch.
Tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư mở thêm những khu du lịch mới. Trước mắt, hợp tác chặt chẽ với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn để khai thác tiềm năng du lịch hồ Ba Bể.
Định hướng về sản xuất công nghiệp
Phát triển công nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái; nâng dần tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở quy hoạch các cụm công nghiệp và mở rộng Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn 2, các chính sách chung của Trung ương, vận dụng có hiệu quả vào điều kiện thực tế của Bắc Kạn để kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào tỉnh.
Phát triển mạnh các sản phẩm công nghiệp có giá trị kinh tế, mũi nhọn và lợi thế so sánh của tỉnh về chế biến sâu khoáng sản, chế biến nông – lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng… Thu hút các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ; chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu, nâng cao giá trị sản phẩm.
Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng theo quy hoạch khai thác và sử dụng khoáng sản để phục vụ cho xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh. Phát triển công nghiệp sản xuất, chế biến sâu khoáng sản; sản xuất sản phẩm phụ trợ cho công nghiệp sản xuất thép với phương châm “Tập trung, chọn lọc, không dàn trải”.
Xây dựng, ban hành các cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp với mức ưu đãi hỗ trợ cao nhất về vốn, mặt bằng xây dựng và các chính sách về thuế, phí, các dự án công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai, thuế, thẩm định dự án, cấp giấy chứng nhận đầu tư… thực hiện cơ chế một cửa; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Mô hình trồng bí xanh thơm kết hợp du lịch trải nghiệm mang lại thu nhập cao cho các hộ nông dân tại Ba Bể. |
Ưu tiên về sản xuất nông – lâm nghiệp
Phát triển nông – lâm nghiệp, thủy sản chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số cây trồng có thế mạnh; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Về trồng trọt, thực hiện tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế từng địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh chế biến, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch bằng các hoạt động hỗ trợ công nghệ và thiết bị chế biến bảo quản cho nông dân. Hỗ trợ thông tin, dự báo thị trường, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng và thực hiện các đề án như: Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035; Đề án chính sách phát triển một số cây trồng nông nghiệp chính trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất các giải pháp cải tạo nâng cao chất lượng diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh tiến tới sản xuất hàng hóa; Đề án cải tạo nâng cao chất lượng diện tích cây chè…
Về chăn nuôi, duy trì ổn định đàn gia súc để phục vụ nhu cầu thực phẩm tại chỗ và các tỉnh ngoài. Phát triển đàn lợn địa phương và đàn lợn Móng Cái theo nhu cầu của thị trường. Đầu tư khoa học công nghệ xử lý môi trường trong chăn nuôi; cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống trên cơ sở mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo.
Về lâm nghiệp, tập trung phát triển rừng sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Hình thành và phát triển các cụm chế biến nông – lâm sản phía Bắc và phía Nam của tỉnh (thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể và Khu Công nghiệp Thanh Bình, thị trấn Chợ Mới, huyện Chợ Mới).
Có chính sách thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống đường lâm nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt để phát triển kinh tế rừng. Hướng dẫn người dân trồng những loài cây gỗ lớn tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật và nông dân làm lâm nghiệp, trước hết là về giống cây, quản lý bảo vệ rừng, chế biến gỗ…
Mời gọi đầu tư vào tỉnh trong danh mục thu hút đầu tư, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Những năm qua, cùng với kết cấu hạ tầng đang được cải thiện nhanh chóng; công tác xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thực hiện. Do vậy, tỉnh Bắc Kạn đã từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Với quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, đem đến sự hài lòng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đến tìm hiểu, đầu tư trên địa bàn, tỉnh đang tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để cải thiện mạnh mẽ kết cấu hạ tầng và môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bắc Kạn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư và thành công ở địa phương, cùng chung sức xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Nguồn: https://baobackan.com.vn/ky-3-tiep-tuc-moi-goi-dau-tu-khai-thac-cac-linh-vuc-the-manh-post1556.html