Chuyển đổi logistics xanh trong thương mại điện tử là yêu cầu cần thiết

Trong những năm qua, tốc độ phát triển Thương mại điện tử tại Việt Nam luôn nằm trong top đầu của các nước trong khu vực và cả trên thế giới, với những đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng kéo theo những hệ luỵ xấu đến môi trường từ dịch vụ logistics như quy trình đóng gói sử dụng nhiều nhựa, nilon, rác thải, rồi quy giao nhận hàng hoá gây phát thải CO2. Logistics trong TMĐT được chia thành nhiều chặng như chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Càng có nhiều lớp vận chuyển thì càng tạo áp lực cho môi trường.

Trong bối cảnh toàn nền kinh tế đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng theo hướng xanh hoá và bền vững, yêu cầu đặt ra với phát triển thương mại điện tử cũng không ngoại lệ. Trong đó, xanh hóa logistics trong Thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững.

Hiểu về logistics xanh trong Thương mại điện tử

Trong lĩnh vực bán lẻ Thương mại điện tử, có hai khâu chính tác động xấu tới môi trường, bao gồm: khâu giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và khâu đóng gói (hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần). Những tác động xấu này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc. 

Logistics xanh là một phương pháp quản lý chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này bao gồm việc tối ưu vòng quay phương tiện và năng lực vận chuyển của các phương tiện để giảm thiểu xe rỗng, đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời liên kết các phương thức vận tải nhằm giảm thiểu các phương thức không thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó là ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện môi trường trong bao gói sản phẩm và tìm cách tái sử dụng bao bì.

Lợi ích của chuyển đổi logistics xanh trong Thương mại điện tử 

Việc áp dụng các giải pháp Logistics xanh mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội:

Khi Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi theo hướng logistics xanh, làm giảm tác động trực tiếp đến môi trường, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và các chất gây ô nhiễm khác, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, điều này cũng giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên thông qua việc tái sử dụng và tái chế rác thải. 

Lợi ích Doanh nghiệp nhận được là việc giảm chi phí vận hành lâu dài nhờ vào việc tối ưu hóa tuyến đường, sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu lãng phí trong logistics. Đồng thời cũng nâng cao uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp nhờ sự chuyển đổi có tính đóng góp cho môi trường, từ đó thu hút khách hàng có ý thức cùng chung tay bảo vệ môi trường. Nhờ đó, doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi Logistics xanh sẽ tạo lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác.

Hoạt động logistics đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng, tuy nhiên nó cũng là một trong những nguồn phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường đáng kể. Do đó, đối với xã hội, hoạt động chuyển đổi xanh hóa logistics góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh hơn cho cộng đồng, giảm thiểu các tác động tiêu cực từ ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó có thể nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ môi trường nói chung. 

Nhiều thách thức đối với logistics xanh trong Thương mại điện tử tại Việt Nam

Dù mang lại nhiều lợi ích thực tế nhưng quá trình chuyển đổi sang logistics xanh vẫn là thách thức của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đầu tiên là thách thức trong yếu tố con người, thể hiện ở nhận thức và khả năng đáp ứng trong chuyển đổi xanh dịch vụ logistics. Không chỉ từ phía doanh nghiệp mà cả người tiêu dùng, nhận thức về logistics xanh và xu hướng tìm cách chuyển đổi còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chưa thấy rõ lợi ích dài hạn của việc đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường. Vì vậy các chương trình đào tạo và hướng dẫn cho nhân viên về các phương pháp và quy trình logistics xanh cũng không được coi trọng. Người tiêu dùng cũng chưa thấy rõ tác động của logistics xanh Thương mại điện tử để có sự chuyển đổi trong hành vi.

Khó khăn về hạ tầng cũng là điều dễ nhận thấy. Hạ tầng giao thông tại Việt Nam đến nay vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt ở các vùng xa xôi. Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường như xe điện. Ngoài ra, việc thiếu các cơ sở hạ tầng hỗ trợ như trạm sạc điện cho xe vận tải điện, kho hàng và trung tâm phân phối xanh cũng là rào cản để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi. 

Bên cạnh hạ tầng thì chi phí cũng là yếu tố then chốt. Để đầu tư cho hệ thống logistics xanh, chi phí ban đầu cho các phương tiện và công nghệ thường cao, khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngần ngại áp dụng hoặc dù muốn cũng không đủ khả năng đáp ứng. Không chỉ vậy, các chi phí liên quan đến việc tái chế và xử lý chất thải theo quy trình xanh hóa cũng là một gánh nặng tài chính lớn mà không phải doanh nghiệp nào cũng theo đuổi được. 

Cuối cùng không thể không kể đến công nghệ, với vai trò tạo sự chuyển đổi nhanh và mạnh mẽ, không chỉ riêng trong dịch vụ logistics Thương mại điện tử. Nhìn chung, công nghệ quản lý và tối ưu hóa logistics xanh còn mới mẻ và chưa được ứng dụng rộng rãi. Việc thiếu công nghệ tiên tiến cũng làm giảm hiệu quả của các hoạt động logistics xanh tại phần lớn các doanh nghiệp. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong vận tải chưa cao, chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, đường không… nên vẫn gây phát thải CO2 lớn. Thêm vào đó, khả năng kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống logistics của các doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc quản lý và theo dõi hàng hóa để có sự tối ưu trong quy trình logistics. 

Chuyển đổi logistics xanh trong thương mại điện tử không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là con đường phát triển bền vững và mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cần sự hợp tác chặt chẽ từ doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng để tạo ra một hệ sinh thái logistics xanh hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các giải pháp logistics xanh, đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa hoạt động và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. Chính phủ cần ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi logistics xanh, đồng thời xây dựng hệ thống giao thông xanh và cơ sở hạ tầng phù hợp. Người tiêu dùng cũng nên ủng hộ, ưu tiên các doanh nghiệp có cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và bao bì thân thiện, đồng thời chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực.

                                                    Nguồn:Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005381
Views Today : 92
Views This Month : 3469
Views This Year : 37197
Total views : 97737
Language
Skip to content