Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ

Nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường cho mùa vụ năm nay cũng như xây dựng kế hoạch cho sản phẩm mùa vụ sau, chiều ngày 31/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tháng 05 năm 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ”.

Hội nghị được tổ chức trong thời điểm khi nhiều địa phương trên cả nước đang bước vào vụ thu hoạch các sản phẩm trái cây như nhãn, vải, mận ở miền Bắc; nho, dưa hấu, thanh long ở miền Nam…

Ngày càng nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hiện diện tại chuỗi siêu thị quốc tế

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – cho biết, từ đặc điểm của nền kinh tế sở hữu nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp với phần đông nguồn lực tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông sản và các sản phẩm nông sản được xác định, vừa là nguồn lương thực quan trọng trong nước và sinh kế của người dân, vừa là ngành hàng chiến lược trong cơ cấu mặt hàng xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thương mại và thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong những năm trở lại đây, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế sâu rộng, xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam không ngừng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, xuất khẩu bền vững, giảm tỷ trọng các mặt hàng chưa qua chế biến, đẩy mạnh chế biến chuyên sâu và nâng cao giá trị cũng như chất lượng sản phẩm.

Ngày càng nhiều mặt hàng, sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam hoặc sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất hiện diện tại các chuỗi siêu thị, các hệ thống bán lẻ, cung ứng, phân phối quốc tế tại các thị trường lớn trên thế giới… Chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh, quy trình sản xuất được nâng cao, sự đa dạng về sản phẩm cùng những nỗ lực tuân thủ yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn an toàn sản phẩm là những yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt Nam đã chinh phục và giành được sự tin tưởng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng, giá trị nông sản toàn cầu, bất chấp những yếu tố khó khăn mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt”– ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, hiện nay, nhiều nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh cao, khả năng thâm nhập các thị trường xuất khẩu đang và sắp vào mùa như vải, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, bơ… và sẽ gặp phải trở ngại nhất định về thị trường tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch ồ ạt. Vì vậy, để hỗ trợ các nhà cung ứng trong việc phát triển và khai thác thị trường cho mùa vụ năm nay cũng như xây dựng kế hoạch cho sản phẩm mùa vụ sau, Bộ Công Thương tổ chức Chương trình Hội nghị giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống Thương vụ ở nước ngoài tháng 05 năm 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu nông sản mùa vụ” để tập trung tập trung trao đổi, cập nhật thông tin thị trường, kiến nghị thực tiễn từ nhu cầu xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản mùa vụ của các địa phương, doanh nghiệp từ đó đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường.

Tăng khả năng thâm nhập thị trường cho nông sản Việt sắp vào mùa vụ

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu tiếp tục điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi duy trì được đà tăng trưởng hết sức ấn tượng. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu tháng 5 đạt 32.81 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm ngành rau quả là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng so với năm ngoái, kim ngạch tháng 5 ước đạt 700 triệu USD, tăng 7.4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ ước tính xuất siêu 8.01 tỷ USD.

Dư địa thị trường xuất khẩu là rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, theo ông Vũ Bá Phú, cạnh tranh về mặt hàng nông sản, trái cây cùng loại giữa các nước tham gia xuất khẩu ngày càng khốc liệt, để các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Việt Nam, các sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu Việt Nam xuất hiện rộng rãi và khẳng định giá trị trên các kệ hàng hóa tại hệ thống phân phối quốc tế đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, yêu cầu kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, hàng hóa, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu,…

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Hưng – Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ – cho rằng, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp một số khó khăn bởi tính mùa vụ thời gian thu hoạch ngắn, sản phẩm tươi mau hỏng. Khoảng cách địa lý xa làm phát sinh thời gian và chi phí phí vận chuyển. Cạnh tranh từ các thị trường Nam Mỹ, châu Á có cùng sản phẩm. Công nghệ bảo quản còn hạn chế, sản phẩm qua quá trình chiếu xạ bị thay đổi nhiệt độ nên không giữ được chất lượng ban đầu, độ tươi ngon giảm nhiều sau khi hàng cập cảng. Quy mô sản xuất trong nước còn nhỏ lẻ, khó đáp ứng được số lượng và yêu cầu từ nhà nhập khẩu. Chưa đầu tư đúng mức về khâu đóng gói, bao bì, mẫu mã và quảng bá tại thị trường Hoa Kỳ.

Địa phương và doanh nghiệp nâng cao giá trị gia tăng của trái cây mùa vụ: bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây, sản phẩm đóng hộp có thể tiêu thụ quanh năm. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ mới giúp kéo dài thời gian bảo quản trái cây ví dụ công nghệ đưa trái cây vào trạng thái ngủ đông, bảo quản tế bào sống, sử dụng chế phẩm sinh học, màng bọc, chất bảo quản được phép để kéo dài tuổi thọ trái cây. Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các khu chợ người Việt, người châu Á“- ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.

Cũng tại hội nghị, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu các ý kiến, đề nghị với các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về hỗ trợ thông tin thị trường cụ thể, về các giải pháp liên quan đến XTTM để hỗ trợ các nhà cung ứng nông sản mùa vụ khai thác thị trường tiêu thu, giảm tải các khó khăn về thị trường khi vào vụ thu hoạch, đồng thời đề nghị các cơ quan thương vụ chia sẻ thông tin cập nhật về thị trường xuất nhập khẩu, các cơ hội xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản mùa vụ tại các thị trường nước ngoài hoặc kinh nghiệm các nước xuất khẩu nông sản mùa vụ vào thị trường nước sở tại, các khuyến nghị đối với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường cho nông sản mùa vụ.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) cho hay: Ngay từ đầu năm, được sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, tỉnh Bắc Giang đã đẩy mạnh việc trao đổi, thúc đẩy hợp tác với chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp của các nước, vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…

Cùng đó, thường xuyên liên hệ, trao đổi với các chợ đầu mối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước để kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều; chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều… Đến nay, trên địa bàn tỉnh việc thu hoạch, tiêu thụ vải thiều đang bắt đầu diễn ra rất sôi động; giá bán vải thiều dao động từ 25-70 nghìn đồng /kg.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Tấn cũng chỉ ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ như ùn tắc cục bộ tại hai cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn và Kim Thành, tỉnh Lào Cai…; tiếp tục triển khai các bước để thực hiện chiếu xạ vải thiều xuất khẩu sang Hoa kỳ được thực hiện tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều của sang các thị trường quốc tế…

Do đó, ông Trần Quang Tấn đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của các nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu vải thiều; giúp đỡ thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Đồng thời, tiếp tục định hướng giúp tỉnh Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều; thông tin chính sách, quy định mới về nhập khẩu, quy trình thủ tục, chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm… của thị trường các nước đối với vải thiều, sản phẩm chế biến từ vải; hỗ trợ mời gọi kênh phân phối, các Tập đoàn bán lẻ của các nước đến tìm hiểu, hợp tác, thu mua tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang.

Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/xuc-tien-xuat-khau-nong-san-mua-vu.html




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005385
Views Today : 52
Views This Month : 4133
Views This Year : 37861
Total views : 98401
Language
Skip to content