Ngày 27/9/2024, Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch số 7604/KH-BCT Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025. Chủ đề cho các hoạt động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được Bộ Công Thương xác định là: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng trách nhiệm”. Đồng thời, trong quá trình triển khai các hoạt động, cần kết hợp, lồng ghép với các hoạt động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 22/1/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được tổ chức nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước. Kế hoạch đã xác định, các hoạt động hưởng ứng cần được tổ chức, thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và bảo đảm mục đích, yêu cầu tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Theo đó, thời gian tổ chức thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2025; trong đó, tập trung vào các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2024 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2025, tùy tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức, địa phương.
Cụ thể hơn, các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được triển khai từ ngày 15/11/2024 đến ngày 28/2/2025. Bộ Công Thương yêu cầu, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng.
Đặc biệt trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm, cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cần xây dựng các công cụ hữu hiệu để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động đưa trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ cũng khuyến nghị, các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 cần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tạo nền tảng, cơ sở cho các hoạt động trong tháng cao điểm (tháng 3) hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Kế hoạch cũng đã nêu “tùy điều kiện thực tế, các hoạt động có thể được tổ chức trực tuyến hoặc tập trung”.
(Một góc kinh doanh tại chợ đầu mối nông lâm sản huyện Na Rì)
Theo Kế hoạch của Bộ Công Thương, các hoạt động hưởng ứng được đồng loạt triển khai ở cả Trung ương và địa phương và hoạt động của các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân khác.
Tại Trung ương, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động như: Lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025; Tổ chức các hoạt động trong tháng cao điểm hưởng ứng như: Thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phồ biến (treo băng rôn, khẩu hiệu, tuyên truyền trên trang thương mại điện tử, tuyên truyền trên các cơ quan báo chí, truyền thông, cộng đồng doanh nghiệp…); xây dựng và phát hành các ấn phẩm tuyên truyền; tổ chức các hội thảo, tập huấn, khóa đào tạo…tổ chức hoặc phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tri ân, nâng cao giá trị, quyền lợi cho người tiêu dùng; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định pháp luật hiện hành; tổ chức các sự kiện cộng đồng hướng về người tiêu dùng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về quy định pháp luật, kiến thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức các hoạt động tuyên truyền quảng bá pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp thông qua các trang mạng xã hội; các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, địa bàn và lĩnh vực hoạt động.
Tại các địa phương, căn cứ Chủ đề phát động của Bộ Công Thương và yêu cầu thực tế của địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước lập kế hoạch chi tiết, bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và các hoạt động triển khai công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của địa phương trong cả năm 2025.
Đối với các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân khác: Căn cứ kế hoạch và chủ đề do Bộ Công Thương phát động, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và các tổ chức cá nhân có liên quan chủ động thực hiện hoặc tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 do các Bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức./.
Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)