Triển khai nhiều hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP

Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu là nông lâm nghiệp, đây là một thách thức nhưng cũng là lợi thế nếu biết cách phát huy trong phát triển kinh tế với nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng như: Gạo bao thai, gạo nếp nương, miến dong, cam quýt, bí xanh thơm, rượu men lá, dược liệu, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như dệt thổ cẩm, đan lát,… 

          Tỉnh Bắc Kạn xác định thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” là một giải pháp thực hiện phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo quyết liệt trong quá trình tổ chức thực hiện.

          Cho đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có 218 sản phẩm OCOP từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao đã được xuất khẩu sang Cộng hòa Séc là sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì); 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 199 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn đã đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường và trở thành hàng hóa được đông đảo người tiêu dùng ưa thích. 

          Các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn xuất phát từ cộng đồng làng, xã, phát huy những giá trị và bản sắc địa phương, thông thường đi lên từ quy mô nhỏ chứ không phải sản xuất hàng loạt với quy mô sản xuất công nghiệp. Do đó, để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến trên thị trường thì đòi hỏi phải tổ chức được các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm một cách bài bản, có chiến lược, có chiều sâu, hiểu rõ về sản phẩm và hiểu rõ về khách hàng. Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP được tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện và đạt những kết quả nhất định. Theo đó, hoạt động thông tin quảng cáo, giới thiệu sản phẩm được quan tâm thực hiện với việc duy trì trang thông tin giao dịch điện tử trong đó đã xây dựng tin, bài, hình ảnh về hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh; cập nhật thường xuyên, kịp thời và đầy đủ các thông tin sự kiện, chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm do Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức, các chương trình xúc tiến thương mại ngoại thương đến các hợp tác xã; chủ động hỗ trợ các hợp tác xã về thông tin thị trường, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các hình thức như văn bản, zalo, facebook, website…

          Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đã được tỉnh đẩy mạnh triển khai bằng nhiều hình thức như: Tổ chức, tham gia hội chợ, hội nghị, chương trình kết nối giao thương trong và ngoài nước, cụ thể: Tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm trong nước tại các tỉnh, thành phố lớn: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bình Thuận, Điện Biên, Nghệ An, Phú Thọ, Ninh Bình, Lào Cai…

          Năm 2022, tỉnh đã tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn từ ngày 01/6 đến ngày 3/6/2022; năm 2023 tổ chức thành công Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc – Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại diễn ra từ ngày 24/11 đến ngày 30/11/2023; năm 2024 tổ chức Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc từ ngày 24/8 đến ngày 28/8/2024 và tổ chức gian hàng tham gia triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu – VIETNAM OCOPEX tại Khu đô thị Vinhomes Ocean Park 3, tỉnh Hưng Yên.

          Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm OCOP cũng được quan tâm triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức và tham gia hội nghị kết nối giao thương trong tỉnh và ngoài tỉnh…

          Bên cạnh các hình thức xúc tiến truyền thống, theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số được ngành, các tổ chức, doanh nghiệp triển khai tích cực. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại đạt được những kết quả nhất định. Năm 2021 Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng 08 website bán hàng, tiếp thị sản phẩm cho 08 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh; năm 2022, hỗ trợ 02 hợp tác xã đưa 21 sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế https://www.alibaba.com/, lựa chọn 50 sản phẩm tiêu biểu tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước: https://www.sendo.vn; https://shopee.vn. Hỗ trợ đưa 50 sản phẩm của 05 hợp tác xã tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong nước (https://www.lazada.vn/, https://backanmarket.vn/). Phối hợp với Bưu điện tỉnh Bắc Kạn lựa chọn được 104 sản phẩm OCOP, nông sản hàng hóa trên sàn thương mại điện tử PostMart.vn; năm 2023 hỗ trợ tư vấn mở gian hàng và chăm sóc gian hàng trên sàn Thương mại điện tử: https://www.shopee.vn, https://www.sendo.vn, https://lazada.vn, sàn thương mại điện tử địa phương https://backanmarket.vn cho 02 doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời kết nối đưa sản phẩm của đơn vị lên sàn thương mại điện tử Sanviet, hỗ trợ 08 thương nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia sàn thương mại điện tử trong nước: https://www.shopee.vn/https://backanmarket.vn/. Năm 2024, tiếp tục hỗ trợ cho 08 thương nhân tham gia sàn thương mại điện tử trong nước: Shopee.vn, backanmarket.vn và được hỗ trợ cấp tài khoản tham gia khóa học trực tuyến “Bán hàng online cho người mới bắt đầu làm hiệu quả ngay”. 

          Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 19 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông sản địa phương tại hầu hết các huyện, thành phố. Các điểm bán hàng nông sản, sản phẩm OCOP đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh trong phân phối, tiếp thị quảng bá, hình thành hệ thống xúc tiến thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm OCOP và nông sản, đặc sản của tỉnh tại các điểm bán được quản lý theo Quy chế của tỉnh ban hành, có nhãn hàng hóa, mã vạch truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể tham quan, mua sắm trực tiếp hoặc đặt hàng qua các ứng dụng trực tuyến.

          Mặc dù công tác xúc tiến thương mại được nhiều cấp, ngành từ trung ương tới địa phương quan tâm, nhiều cơ quan cùng triển khai thực hiện. Song theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, số lượng các tổ chức kinh tế quan tâm và thường xuyên tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại còn hạn chế. Các chủ thể thiếu thông tin thị trường, chưa nắm bắt được thông tin về nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng, dẫn đến khó khăn trong việc định hướng sản xuất và tiêu thụ. Nhiều sản phẩm OCOP chưa được xây dựng thương hiệu rõ ràng, dẫn đến khó khăn trong việc cạnh tranh với sản phẩm tương tự từ các địa phương khác. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy đã đa dạng hóa hơn nhưng cách thức tiếp cận thị trường với yêu cầu mới, hiện đại (thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số) còn hạn chế; việc tiếp cận công nghệ số và kết nối giao thương trực tuyến, bán hàng qua sàn thương mại điện tử của các chủ thể kinh tế chưa chuyên nghiệp.

          Ngoài ra, so với xu thế phát triển chung của cả nước, hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh còn chậm phát triển. Các thương nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đa số có quy mô nhỏ, thiếu kinh phí để triển khai mua sắm các phần mềm ứng dụng vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

          Để phát huy những kết quả đạt được, cũng như định hướng phát triển sản xuất và xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển sản phẩm OCOP theo chiều sâu. Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể kinh tế nâng cấp, hoàn thiện về sản phẩm, tập trung đổi mới và cải thiện công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu; nâng cao chất lượng sản phẩm… Tập trung rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế, thế mạnh của địa phương, ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống.

          Thứ hai, tăng cường công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa được giới thiệu, bày bán tại Chương trình kết nối tiêu dùng, điểm bán hàng OCOP, hội chợ và hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm chất lượng hàng hóa theo quy định để giữ vững uy tín của sản phẩm gắn thương hiệu OCOP.

          Thứ ba, hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh, phối hợp liên kết sản xuất sản phẩm OCOP. 

          Thứ tư, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số; từng bước xây dựng, số hóa và cập nhập thường xuyên dữ liệu cung và cầu hàng hóa./.

                                                            Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005379
Views Today : 24
Views This Month : 2974
Views This Year : 36702
Total views : 97242
Language
Skip to content