Bắc Kạn triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024/NĐ-CP ngày 05/6/2024 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ

Ngày 05/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Để triển khai đầy đủ, đồng bộ các quy định về phát triển và quản lý chợ phù hợp điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; phát huy hiệu quả hoạt động các chợ trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó:

Sở Công Thương được giao (1) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn; các tổ chức quản lý chợ trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đảm bảo thiết thực, hiệu quả, kịp thời. (2) Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đối với phát triển và quản lý hệ thống các chợ trên địa bàn tỉnh. (3) Tham mưu các chính sách, biện pháp và giải pháp nhằm huy động, khai thác các nguồn lực để phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh; chính sách, biện pháp phát triển chợ đêm, chợ cộng đồng, chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, đảm bảo theo quy định. (4) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về quản lý và phát triển chợ như: Quyết định phân cấp quản lý chợ trên địa bàn tỉnh cho UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương và các quy định hiện hành; Kế hoạch phát triển chợ trên địa bàn tỉnh nhằm đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh; Quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh; Nội quy mẫu đối với các chợ trên địa bàn tỉnh để thống nhất việc xây dựng nội quy chợ và áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn; Hướng dẫn, quy định về việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ trên địa bàn tỉnh bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự tại chợ. (5) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về phát triển và quản lý chợ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. (6) Thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.

Sở Tài chính được giao (1) Hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã; các tổ chức quản lý chợ áp dụng, thực hiện chế độ quản lý, tính hao mòn, trích khấu hao tài sản kết cấu hạ tầng chợ; chế độ kế toán tài sản kết cấu hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh theo quy định và hướng dẫn của Bộ Tài chính. (2) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn tỉnh theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài chính và phối hợp triển khai, hướng dẫn thực hiện rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý; hướng dẫn báo cáo kê khai tài sản kết cấu hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các quy định của pháp luật có liên quan.

Sở Xây dựng chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nội dung liên quan đến tiêu chuẩn, định mức xây dựng, quy trình bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng chợ trên địa bàn tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất và công tác bảo vệ môi trường chợ theo quy định.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc tham mưu thúc đẩy, gắn kết các hoạt động du lịch, quảng bá đối với các chợ có giá trị di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc và chợ đêm trên địa bàn tỉnh.

Sở Nội vụ chủ trì tham mưu, hướng dẫn đối với việc thành lập, kiện toàn, cơ cấu tổ chức, bộ máy, quy chế hoạt động đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định.

Sở Tư pháp phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu ban hành; sửa đổi bổ sung; bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực chợ trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Công Thương, các sở, ngành, địa phương có liên quan chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị định số 60/2024/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan về chợ trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện quản lý về phòng cháy chữa cháy; bảo bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi chợ và khu vực xung quanh chợ; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tích cực tố giác tội phạm, bảo đảm an ninh mạng, trật tự trong phạm vi chợ và khu vực xung quanh chợ. Đồng thời, phối hợp các sở, ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm, hàng giả. hàng kém chất lượng, vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong hoạt động kinh doanh tại chợ.

Cục Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh hàng hoá nhập lậu; buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các chợ trên địa bàn.

UBND các huyện, thành phố; UBND các phường, xã, thị trấn: (1) Chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP đối với các chợ trên địa bàn quản lý. (2) Thực hiện việc rà soát, công bố việc phân hạng, phân loại chợ trên địa bàn theo phân cấp quản lý. (3) Tập trung rà soát, xây dựng phương án và tổ chức xóa bỏ, xử lý dứt điểm các điểm kinh doanh tự phát, không phù hợp quy hoạch, lấn chiếm hàng lang, lề đường, không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông. (4) Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Tài chính triển khai các nhiệm vụ có liên quan. (5) Chủ động rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn; chủ động báo cáo kê khai, cập nhật dữ liệu tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý trên địa bàn để tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công của tỉnh và Quốc gia. (6) Chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác có liên quan. (7) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất chợ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại chợ; phối hợp với công an huyện, xã kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy. (8) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật và chính sách về phát triển, quản lý chợ và giải quyết các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh của các chợ trên địa bàn theo phân cấp quản lý. (9) Rà soát, đề xuất điều chỉnh Phương án phát triển chợ theo kỳ điều chỉnh Quy hoạch tỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương trong từng giai đoạn.

Việc triển khai đồng bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của các sở, ngành, địa phương nhằm sớm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quản lý chợ hiện nay trên địa bàn tỉnh; đảm bảo các chợ phát huy hiệu quả trong thu hút hoạt động kinh doanh, mua bán tại địa phương; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương./.

                                                                         Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005322
Views Today : 195
Views This Month : 2554
Views This Year : 28812
Total views : 89352
Language
Skip to content