Chủ động trong công tác điều hành giá những tháng cuối năm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân 10 tháng năm 2024, CPI cả nước tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước. Từ cuối quý II/2024 đến hết quý III/2024, mức tăng chỉ số giá (CPI) có xu hướng đi ngang và giảm mạnh, từ mức tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước của tháng 6/2024 giảm còn 2,63% trong tháng 9/2024. Tuy nhiên, trong tháng 10/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,33% so với tháng trước, tăng 2,52% so với tháng 12/2023 và tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân chính tác động dẫn đến CPI tăng cao trong tháng 10/2024 được cho là do giá lương thực, thực phẩm tiếp tục tăng do ảnh hưởng bởi mưa bão, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng, đặc biệt do giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới, chỉ số giá vàng tháng 10/2024 tăng 5,96% so với tháng trước; tăng 29,97% so với tháng 12/2023; tăng 38,88% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 10 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 27,48%, chỉ số giá đô la Mỹ tăng 5,1%.

Với tình hình giá cả biến động như trên, bình quân 10 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (3,78%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Tại tỉnh Bắc Kạn, thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 10/2024 so với tháng trước giảm 0,2%, trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm tăng giá so với tháng trước; 3 nhóm giảm giá và 3 nhóm giữ giá bằng với tháng trước. Chỉ số giá bình quân 10 tháng năm 2024 so với cùng kỳ tăng 2,95%. Trong 11 nhóm hàng chính có 10 nhóm hàng tăng giá và 01 nhóm giảm giá so với cùng kỳ. Nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 12,51% và nhóm giảm giá là nhóm giao thông giảm 1,28% so với cùng kỳ. Chỉ số giá vàng bình quân 10 tháng năm 2024 tăng 30,62% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đôla Mỹ 10 tháng năm 2024 tăng 5,04% so với cùng kỳ năm trước.

Những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc điều chỉnh chính sách của các nước theo diễn biến chung sẽ có tác động đến biến động giá các mặt hàng chiến lược trên thế giới; Việt Nam dự đoán cũng sẽ ảnh hưởng theo xu hướng chung của thế giới. Mặt khác, theo mặt bằng chung trong nước, thị trường cũng biến động theo quy luật hàng năm, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao vào các tháng trước và trong Tết Nguyên đán, thường chỉ giảm từ khoảng tháng Ba. Điều này gây thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đặt ra.

Để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 06/11/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, các Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 31/01/2024, Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 03/5/2024, Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 24/6/2024. Một số biện pháp trọng tâm tập trung vào:

Thứ nhất, theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, kịp thời thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phấn đấu khoảng 4%.

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; thực hiện đúng chế độ báo cáo giá thị trường định kỳ hàng tháng, quý năm và đột xuất theo quy định tại Nghị định số 85/2024/NĐ-CP, Thông tư 29/2024/TT-BTC, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định.

Thứ ba, chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động công tác dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán sắp tới. Bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, tổ chức tốt các kênh phân phối, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, khai thác tối đa thị trường trong nước. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm nguồn cung, ổn định giá cả trong nước.

Thứ tư, tiếp tục rà soát để thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường; thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thứ năm, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các hộ nghèo và các gia đình khó khăn.

Thứ sáu, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Thứ bảy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức nghiên cứu toàn diện các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá tại Luật Giá năm 2023 và các văn bản hướng dẫn; tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý giá thuộc thẩm quyền, trách nhiệm theo quy định.

Thứ tám, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, giúp tăng nguồn cung, từ đó giảm áp lực tăng giá.

Thứ chín, tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại để ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước, góp phần ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá.

Thứ mười, đối với các mặt hàng cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp. Đồng thời, đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng, thiết yếu khác, chủ động tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp, kịp thời, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, bất hợp lý.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Thông báo số 511/TB-VPCP ngày 06/11/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ các sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện những nội dung liên quan theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Thông báo kết luận nêu trên; tham mưu những nội dung thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của UBND tỉnh, đảm bảo theo quy định./.

                                                                                  Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005378
Views Today : 135
Views This Month : 2925
Views This Year : 36653
Total views : 97193
Language
Skip to content