Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025

Còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện nay các siêu thị, đại lý, chuỗi bán lẻ từ khu vực thành phố đến các huyện đã tập trung, tích trữ, trưng bày hàng hoá phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đảm bảo cung cầu các mặt hàng thiết yếu bình ổn thị trường cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh đang tập kết, dự trữ nguồn hàng thiết yếu đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn trong dịp Tết.

Qua trao đổi với các đơn vị hiện nay nguồn hàng dự trữ phục vụ sản xuất và tiêu dùng cho nhân dân đã được các doanh nghiệp xây dựng phương án nhập hàng đảm bảo cung cấp đầy đủ, đảm bảo phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Đối với các mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết như: Bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, mì chính, nước mắm, dầu ăn các loại, đường, sữa, gạo nếp, các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, thực phẩm động lạnh,… hiện tại các đơn vị đầu mối, các đại lý lớn, các thương nhân đang tập kết hàng hoá, các mặt hàng này sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt hàng.

Về giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản không có sự thay đổi, các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng. Lượng dự trữ hàng hoá thiết yếu và các mặt hàng lương thực thực phẩm, thịt tươi sống (thịt lợn, thịt gà, thịt bò) chủ yếu là ở trong dân và các đại lý bán buôn, bán lẻ trong tỉnh, số lượng hàng hóa phân tán nên cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, sự chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan để giúp cho thị trường ổn định, không để tư thương ép giá, đầu cơ trục lợi, gây ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân trong tỉnh.

Qua công tác thăm nắm, theo dõi địa bàn, lượng dữ trữ trong các tổ chức và hộ kinh doanh số lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán sắp tới, mức dự trữ hàng hóa được căn cứ vào nhu cầu của thị trường cùng thời điểm năm trước, mặt hàng, chủng loại phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, bia, rượu được bày bán nhiều hơn, các sản phẩm đa dạng, phong phú hơn so với tháng trước. Giá một số mặt hàng cụ thể:

+ Giá gạo tẻ Bao thai Chợ Đồn 19.000-19.500 đồng/kg, gạo tẻ thường 14.000-15.000 đồng/kg, gạo nếp 30.000đồng/kg, gạo Khẩu nua lếch Ngân Sơn có giá 45.000 đồng/kg, gạo ST25 35.000-45.000 đồng/kg, gạo Japonica 25.000 – 30.000 đồng/kg;

+ Đối với mặt hàng thịt lợn, thịt gà nguồn cung được đảm bảo do tổng đàn lợn và tổng đàn gà đủ đáp ứng nhu cầu để cung cấp thịt, sản xuất giò chả, lạp sườn, bánh chưng và các thực phẩm chế biến khác trong dịp tết. Giá thịt lợn hơi: Lợn trắng 60.000-65.000 đồng/kg, lợn đen 75.000-85.000 đồng/kg; giá gà ta 130.000 đồng/kg, gà công nghiệp 72.000-75.000 đồng/kg. Một số mặt hàng hải sản tươi sống như tôm từ 280.000-310.000 đồng/kg, cá trắm 90.000-100.000 đồng/kg, cá chép 80.000 đồng/kg…;

+ Giá miến dong nhìn chung ổn định so với cùng kỳ năm trước, giá bán lẻ dao động từ 60.000đ/kg đến 80.000đ/kg tùy loại. Miến dong của HTX Tài Hoan, cơ sở miến Nhất Thiện có giá là 62.000-70.000đ/kg; HTX Huấn Liên, cơ sở sản xuất Nguyễn Xuân Bồng, cơ sở miến dong Đức Ngọ, HTX Việt Cường; HTX Thắm Lượng; cơ sở Nông Văn Luyến có giá miến 60.000-65.000đ/kg, cơ sở miến dong Triệu Thị Tá: 76.000đ/kg, giá bún khô 25.000 – 35.000 đồng/kg, bún tươi 15.000đ/kg;

+ Rau, củ, quả: Một số mặt hàng như giá bắp cải từ 15.000-18.000 đồng/kg; cải cúc, cải xanh, rau mồng tơi dao động từ 8.000-12.000 đồng/mớ; cà chua 30.000 đồng/kg, bí xanh thơm 17.000 đồng/kg; bí đỏ 15.000 đồng/kg;

+ Các mặt hàng tiêu thụ nhiều dịp Tết nhìn chung giá cả ổn định, cụ thể như: Nấm hương: 320.000-400.000đ/kg; mộc nhĩ: 200.000-230.000đ/kg; Măng khô: 320.000-350.000đ/kg; Hạt bí: 140.000đ/kg; hướng dương: 60.000đ/kg…

Dự báo nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ của nhân dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 8-10% so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tùy nhóm mặt hàng (đặc biệt vào một số thời điểm nhất định như những ngày cuối năm, sát Tết Nguyên đán nhu cầu có thể tăng cao). Với tập quán tiêu dùng truyền thống của dân tộc, trong dịp Tết Nguyên đán nhu cầu của nhân dân tập trung chủ yếu vào các mặt hàng: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi,….); thực phẩm chế biến (giò, chả, nem,…); thực phẩm công nghệ (bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước ngọt, đường, sữa, dầu ăn…); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…), hàng điện tử, đồ dùng gia đình và một số mặt hàng nông sản như rau, củ, quả các loại…

 Đối với nhóm hàng thực phẩm, hiện nay xu hướng nhân dân chỉ mua tích trữđể tiêu dùng với số lượng vừa đủ trong khoảng 2-3 ngày Tết. Sức mua sẽ tập trungcao những ngày giáp Tết Nguyên đán (từ 27 đến 30 tháng Chạp) và những ngày sau tết (từ mùng ba đến Rằm tháng Giêng). Bên cạnh xu hướng tiêu dùng hàng thực phẩmtươi sống tại các chợ trên địa bàn tỉnh; nhu cầu tiêu dùng của nhân dân sẽ tăng thêmđối với hàng thực phẩm chế biến sẵn của các cơ sở sản xuất có uy tín và trong cácsiêu thị, cửa hàng trên địa bàn.

 Đối với nhóm hàng thực phẩm công nghệ, nhu cầu tiêu dùng sẽ tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao (bánh kẹo các loại), có mẫu mã bao bì đẹp và hàng đồ uống (Bia, rượu, nước ngọt, sữa chế biến…); sức mua tập trung nhiều hơn trong khoảng thời gian từ khoảng ngày 12 đến 30 tháng Chạp.

Nhu cầu tiêu dùng các loại hoa tươi, quả tươi cũng sẽ tăng cả ở khu vực thành thị cũng như thị trường nông thôn. Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại của nhân dân dự báo sẽ tăng cao hơn từ ngày 18 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng.

Tại thời điểm báo cáo, nhận định tình hình thị trường hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn đang diễn biến ổn định. Qua công tác thăm nắm, theo dõi địa bàn, lượng dữ trữ trong các tổ chức và hộ kinh doanh số lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, mức dự trữ hàng hóa được căn cứ vào nhu cầu của thị trường cùng thời điểm năm trước, mặt hàng, chủng loại phù hợp nhu cầu tiêu dùng của người dân. Dự báo nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 của nhân dân trên địa bàn tỉnh tăng từ 8-10% so với dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tùy nhóm mặt hàng (đặc biệt vào một số thời điểm nhất định như những ngày cuối năm, sát Tết Nguyên đán nhu cầu có thể tăng cao)./.

                                                               Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005555
Views Today :
Views This Month : 1218
Views This Year : 13362
Total views : 115660
Language
Skip to content