Kết quả hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2024 ngành Công Thương

Công tác phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị quan trọng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là chỉ tiêu cơ bản, chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, nhiều chính sách hỗ trợ các HTX được triển khai đồng bộ, khu vực KTTT có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả nhất định. Các HTX được thành lập xuất phát từ nhu cầu thiết yếu của các thành viên, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; việc hình thành các HTX đã thu hút được lao động, vốn góp qua đó nâng cao thu nhập cho thành viên. Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX được mở rộng hơn; chất lượng của HTX được củng cố, nhiều mô hình HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả thực hiện tốt vai trò hỗ trợ thúc đẩy kinh tế thành viên phát triển. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có  02 Liên hiệp HTX với 18 thành viên HTX; có 457 HTX với 5.506 thành viên, có 667 THT với tổng số 7.255 thành viên. Doanh thu bình quân của 01 HTX đạt 1.482 triệu đồng/HTX/năm ; bình quân THT đạt 378 triệu đồng/THT/năm.

Các HTX đã chủ động đăng ký đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, bên cạnh đó một số HTX đã chủ động liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho các hộ thành viên liên kết và người dân trên địa bàn. Các thành viên, người lao động trong HTX đã mạnh dạn thay đổi tư duy để sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên HTX, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới; từng bước khẳng định vai trò của khu vực KTTT, HTX trong phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật của Nhà nước ngày càng được hoàn thiện tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức KTTT phát triển, các chính sách của Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ HTX phát triển của Trung ương và của tỉnh tiếp tục được quan tâm, triển khai thực hiện hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể ngày càng được củng cố; từng bước cải cách và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong việc đăng ký thành lập mới, chuyển đổi, đăng ký lại cho các HTX. Các cấp, các ngành là thành viên trong Ban chỉ đạo Kinh tế tập thể tỉnh đã tham gia tích cực công tác vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc hình thành các HTX mới trong các ngành nghề, lĩnh vực; tham gia vào nhiều hoạt động hỗ trợ, cung cấp dịch vụ, tư vấn, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

Trong năm 2024, Sở Công Thương đã tổ chức triển khai nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực, nhận thức cho đối tượng khu vực KTTT như: Triển khai chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và triển khai hướng dẫn đánh giá tiêu chí số 4 về điện và tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đối với các xã dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với 14 hội nghị tuyên truyền, phổ biến về các biện pháp sử dụng năng lượng an toàn, tiết kiệm và hiệu quả trong sinh hoạt và sản xuất của nhân dân tại: huyện Bạch Thông; huyện Na Rì; huyện Chợ Mới; huyện Chợ Đồn; huyện Pác Nặm; huyện Ngân Sơn, tổng kinh phí thực hiện là 78 triệu đồng.

Thực hiện Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn năm 2024, Sở Công Thương đã lựa chọn các đơn vị tham gia chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín năm 2024”, trong đó hỗ trợ 07 HTX tham gia chương trình, gồm: HTX Thành Phát, HTX trà Hạnh Phúc, HTX Tân Dân, HTX An Bình, HTX nông nghiệp Bản Mộc, HTX Hoa Sơn – Mỹ Phương, HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu.

Thực hiện Kế hoạch số 278/KH-UBND ngày 25/4/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 (Nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022 – 2025) nhằm nâng cao nhận thức, tuyên truyền phổ biến ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong XTTM tại tỉnh Bắc Kạn, Sở Công Thương đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh kiến thức về tham gia hệ thống ngành hàng, các nền tảng số, mạng lưới thông tin và các dịch vụ trả phí trên hệ thống, với quy mô: 01 lớp tập huấn, số lượng khoảng 50 người là đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ trực tiếp tại cơ sở cho 08 HTX và 01 THT trên địa bàn tỉnh ứng dụng và tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc iTrace 247 gồm HTX Tài Hoan, HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Minh Anh, HTX Nhung Lũy, HTX Yến Dương, HTX Nông lâm tổng hợp Địa Linh, HTX Dịch vụ tổng hợp Na Rì, HTX BK Foods và Tổ hợp tác Quân Hà.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương thường xuyên triển khai các hoạt Hỗ trợ xúc tiến thương mại. Sở Công Thương đã tổ chức tham gia 11 Hội chợ triển lãm trong nước để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông sản đặc trưng của các HTX, THT trong tỉnh như: các sản phẩm Miến dong, sản phẩm từ củ nghệ, các sản phẩm trà (trà hoa vàng, trà san tuyết, trà bí xanh thơm, trà hoa hồng, trà xạ đen…) bún, phở khô, các loại rượu men lá Bắc Kạn, măng khô, lạp sườn gác bếp, thịt treo gác bếp, gạo nếp, các sản phẩm nấm, các loại bánh gio, bánh quẩy… Phối hợp với UBND huyện Na Rì và các địa phương, đơn vị tổ chức thành công chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” tại thôn Bắc Sen, xã Xuân Dương, huyện Na Rì với 16 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tổ chức Ngày hội nông sản OCOP và Văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc với quy mô 120 gian hàng với sự tham dự của trên 130 các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh (trong đó 50 gian giới thiệu sản phẩm OCOP và ẩm thực của 08 huyện, thành phố và các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của tỉnh Bắc Kạn) với đa dạng các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ xây dựng 01 điểm mua bán hàng hóa,sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa năm 2024 tại HTX OCOP Quế Thanh, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì.

(Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc hàng hoá)

Đánh giá chung công tác phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể được Sở Công Thương xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Các hoạt động chuyên môn được lồng ghép với mục tiêu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể. Từ đó, nhận thức về kinh tế tập thể được nâng lên, bản thân các HTX, THT đã chủ động đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các chương trình, chính sách hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung và Sở Công Thương nói riêng được triển khai hiệu quả, nội dung hỗ trợ gắn với nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho các hợp tác xã đầu tư sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản trị, tài chính còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc đối ứng kinh phí để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trơ; quy mô hợp tác xã nhỏ, chưa trang bị thiết bị máy móc hiện đại tiên tiến để sản xuất, chất lượng sản phẩm chưa cao, một số sản phẩm chưa có mẫu mã bao bì, truy xuất nguồn gốc, sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, thiếu vốn.. chưa thật sự có sự liên kết giữa các hợp tác xã với nhau, chưa thật sự chủ động thực hiện công tác xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

(Khai trương điểm mua bán hàng hoá sản phẩm OCOP)

Trong thời gian tới, Sở Công Thương tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của các tổ chức kinh tế tập thể, tích cực, chủ động hỗ trợ các hợp tác xã kết nối và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối tiêu thụ sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể thông qua các nền tảng công nghệ số và trên môi trường mạng bênh cạnh các phương thức truyền thống. Tập trung nguồn lực hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đầu tư, phát triển sản phẩm thế mạnh. Tích cực thu hút, phối hợp với các ngành hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các mô hình sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, dựa trên lợi thế cạnh tranh. Tuyên truyền các HTX, THT chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý; thường xuyên cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm theo hướng tiện dụng, phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện đại, quan tâm chất lượng sản phẩm; chú trọng nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; chủ động tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại để tiếp cận các cơ hội hợp tác; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao nhận thức và năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển ngoại thương và thương mại trong nước./.

                                                                                         Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005555
Views Today : 28
Views This Month : 1166
Views This Year : 13310
Total views : 115608
Language
Skip to content