Thực hiện kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2020 – 2025 trên địa bàn tỉnh, năm 2024, Sở Công Thương đã phối hợp UBND các huyện: Chợ Đồn, Ngân Sơn, Na Rì; UBND các xã: Bằng Phúc, Xuân Dương; UBND thị trấn Vân Tùng và các đơn vị quản lý chợ thực hiện nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP năm 2024 đối với 03 chợ, cụ thể: Chợ Bằng Phúc, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn; Chợ Xuân Dương, xã Xuân Dương, huyện Na Rì; Chợ Vân Tùng, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn.
(Giá kệ hỗ trợ tại chợ khu vực kinh doanh rau của quả chợ Bằng Phúc)
Đánh giá chung về các chợ thực hiện nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2024 cho thấy, các chợ đều là chợ nông thôn, được hình thành sớm, đóng góp vai trò quan trọng cho nhu cầu trao đổi mua bán của người dân địa phương và các khu vực lân cận, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Chợ hoạt động theo phiên (5 ngày 1 phiên), thời gian hoạt động chủ yếu vào buổi sáng (từ khoảng 6h00-11h00). Hàng hóa kinh doanh tại chợ chủ yếu là hàng quần áo; đồ tiêu dùng; đồ gia dụng; vật tư nông nghiệp; giống cây trồng, vật nuôi và các hàng thực phẩm như: Rau, củ quả; hàng thực phẩm tươi sống (thịt lợn); hàng thủy sản (cá, tôm); hàng thức ăn chín (bánh cuốn, bún, phở; bánh giày, giò… ); hàng tự sản tự tiêu (theo mùa) của người dân địa phương… Nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo các chợ đều từ nguồn ngân sách nhà nước. Điều kiện cơ sở vật chất, diện tích và vị trí kinh doanh của chợ cơ bản phù hợp, đáp ứng điều kiện trao đổi, mua bán của nhân dân. Diện tích chợ được sử dụng ổn định, không có hiện tượng lấn chiếm đất chợ hoặc sử dụng đất chợ trái mục đích. Hiện nay, UBND các xã, thị trấn đều đã thành lập tổ quản lý chợ (do UBND xã, thị trấn thực hiện) và ký hợp đồng giao đơn vị quản lý chợ (hộ gia đình, hợp tác xã) để thực hiện các hoạt động như: Thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; đảm bảo vệ sinh, môi trường, an ninh, trật tự trong quá trình hoạt động kinh doanh tại chợ…
(Mặt bàn bán thực phẩm tươi sống tại chợ)
Từ thực tế khu vực kinh doanh thực phẩm tại các chợ, đối chiếu theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 11856:2017 – Chợ kinh doanh thực phẩm, cho thấy, tại thời điểm khảo sát, đánh giá, các chợ chưa đáp ứng tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm đều chưa có biển hiệu ghi tên thương nhân, ngành hàng, thông tin của chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm; chưa trang bị đầy đủ và sử dụng thùng rác có nắp đậy, chưa có biện pháp phân loại rác thải; khu vực kinh doanh thực phẩm sống và thực phẩm chín chưa được bố trí sắp xếp cách biệt để tránh gây lây nhiễm chéo và chưa có thiết bị, dụng cụ bảo quản phù hợp; nhiều thực phẩm như các loại rau, củ, quả còn bày bán thực phẩm trực tiếp trên mặt sàn chợ; khu vực bán thực phẩm động vật (thịt lợn) còn được bày bán trên các mặt bàn gỗ chưa đáp ứng quy định về chống thôi nhiễm, không bị ăn mòn, có bề mặt nhẵn, dễ làm vệ sinh và khử trùng. Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ (bún, phở, bánh cuốn): Nơi chế biến, bày bán thức ăn chưa đảm bảo điều kiện sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt với khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống. Trang thiết bị, dụng cụ bày bán, chế biến thực phẩm chưa đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm. Người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm chưa trang bị các trang phục bảo hộ (mũ, găng tay, khẩu trang…) theo quy định…
(Tủ kính bảo quản thực phẩm chín tại chợ góp phần đảm bảo ATTP)
Theo đó, để triển khai hiệu quả nhiệm vụ nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP năm 2024, Sở Công Thương đã phối hợp các địa phương, đơn vị quản lý chợ rà soát, thống kê tổng số điểm kinh doanh thực phẩm tại chợ (phân loại theo từng ngành hàng thực phẩm kinh doanh); các thông tin liên quan về điểm kinh doanh thực phẩm tại chợ để làm cơ sở triển khai hỗ trợ đảm bảo đúng theo quy định, phù hợp với thực tế nhu cầu hỗ trợ của các chợ. Kết quả, thực hiện nhiệm vụ nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP năm 2024, Sở Công Thương thực hiện hỗ trợ tại 03 chợ như sau: (1) Hỗ trợ cho các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ thí điểm ATTP, gồm: 14 tủ kính đựng thực phẩm chế biến; 122 biển hiệu cơ sở bày bán thực phẩm; 95m2 mặt bàn bày bán thực phẩm tươi sống (tương đương 34 mặt bàn thịt lợn, thịt gà) bằng chất liệu inox; 52 giá kệ bày bán thực phẩm. (2) Hỗ trợ trang bị cho chợ thí điểm ATTP, gồm: 01 biển hiệu “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” và 03 biển hiệu ngành hàng tại mỗi chợ. Hiện nay, các trang thiết bị, vật tư hỗ trợ đã được đơn vị quản lý chợ nhận bàn giao và đưa vào sử dụng đảm bảo theo quy định, đồng thời cam kết thực hiện bảo quản, quản lý và sử dụng đúng mục đích về xây dựng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP tại chợ theo quy định.
Việc nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần huy động được các nguồn lực (nhà nước; doanh nghiệp, đơn vị quản lý chợ; hộ kinh doanh tại chợ…) để đầu tư, cải tạo nâng cấp chợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chợ theo xu hướng văn minh, hiện đại; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, thuận lợi cho hoạt động mua bán thực phẩm tại chợ, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm tỷ lệ ngộ độc thực phẩm tại chợ; nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nghiệp quản lý chợ và các thương nhân kinh doanh thực phẩm tại chợ trong việc thực hiện các quy định ATTP, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác triển khai nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Kinh phí thực hiện còn hạn hẹp, do đó khi triển khai thực hiện chưa đủ kinh phí hỗ trợ trang bị để chợ đảm bảo đáp ứng theo TCVN 11856:2017; việc kiểm soát hàng hóa, thực phẩm, truy xuất nguồn gốc còn chưa thực hiện được; một số hộ kinh doanh chưa chủ động trong phối hợp do chưa nắm được các quy định, tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; thói quen tiêu dùng dễ dãi của người dân cũng như tâm lý ngại phản ánh khi phát hiện hành vi vi phạm … nên nhiều loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng ATTP vẫn được bày bán tại chợ.
Với thực tế các mặt hàng thực phẩm bày bán tại chợ chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số các mặt hàng kinh doanh tại chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay, việc triển khai nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP là nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP tại chợ; góp phần đảm bảo hạ tầng thương mại chợ được phát triển, khang trang; hàng hóa ngày càng được đảm bảo. Đặc biệt, việc hoàn thiện mô hình chợ ATTP còn là tiêu chí đánh giá về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đối với xã nông thôn mới nâng cao trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới theo quy định hiện hành, do đó, trong thời gian tới, cần có sự chung tay vào cuộc để phát huy các nguồn lực của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong thực hiện nhân rộng mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP./.
Triệu Thị Thanh Hoa (Sở Công Thương)