Kết quả triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Sau hơn ba năm triển khai thực hiện Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Bắc Kạn đã đạt một số kết quả đáng kể, góp phần phát triển các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan chuyên môn của tỉnh thường xuyên tham mưu rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật do tỉnh ban hành liên quan đến phát triển thương mại trong nước để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định chồng chéo, không phù hợp; ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương nhằm khuyến khích, thu hút mọi nguồn lực xã hội tham gia hoạt động thương mại. Tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục đề xuất cắt giảm các điều kiện liên quan đến kinh doanh thương mại theo hướng giảm bớt thủ tục và thời gian thực hiện, đẩy nhanh việc cung ứng và nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến cho các chủ thể hoạt động kinh doanh trên thị trường. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định về hoạt động quản lý, kinh doanh và khai thác chợ, điều chỉnh giá sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tại Quyết định số 22/2023/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 25 tháng 7 năm 2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn; rà soát để sửa đổi quy chế quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại địa phương.

Hàng năm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch để triển khai thực hiện công tác xúc tiến thương mại nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế – xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa của tỉnh như: Quyết định phê duyệt danh mục đề án, nhiệm vụ xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Kạn hàng năm; Quyết định ban hành Danh mục địa điểm được tổ chức Hội chợ, triển lãm thương mại và lĩnh vực ưu tiên được tổ chức Hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Kế hoạch số 608/KH-UBND ngày 13/9/2023 về tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực Đông Bắc – Bắc Kạn và chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại năm 2023; Kế hoạch số 314/KH-UBND ngày 17/05/2023 về tổ chức đoàn nghiên cứu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Nhật Bản năm 2023; Kế hoạch số 375/KH-UBND ngày 31/05/2024 tham gia Đoàn Xúc tiến đầu tư – thương mại tại Hàn Quốc năm 2024. Trên cơ sở các chính sách xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm đã ban hành, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Hỗ trợ các thương nhân trong hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh;

Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại từng bước phát triển và được củng cố. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có tổng số 64 chợ. Trong đó có 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 59 chợ hạng 3, trong đó đã hình thành một số chợ chuyên doanh nông, lâm sản và gia súc, gia cầm. Từ năm 2021 đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xây mới 03 chợ, nâng cấp cải tạo 16 chợ với tổng vốn đầu tư 37,91 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, nguồn vốn CTMT QG xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và nguồn vốn tư nhân. Các chợ được đầu tư xây dựng trên địa bàn đã phát huy hiệu quả tốt trong việc thu hút, tập trung lực lượng hàng hoá lớn từ các nguồn sản xuất, kinh doanh trong và ngoài địa bàn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua bán trao đổi hàng hoá và tiêu dùng của nhân dân.

Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương đã hỗ trợ xây dựng 06 điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa lồng ghép với điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, nông sản địa phương tại hầu hết các huyện, thành phố.

Phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hoá được quan tâm thực hiện. Từ năm 2022 đến nay Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ 24 sản phẩm cho 24 hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Sở Công Thương đã đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền các văn bản, chính sách, quy định về quản lý và phát triển thương mại điện tử; tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử; các lớp đào tạo cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, có uy tín trong nước, nước ngoài… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Năm 2023 đã lựa chọn 08 thương nhân sản xuất, kinh doanh tham gia sàn thương mại điện tử trong nước: https://www.shopee.vn/, https://backanmarket.vn/; triển khai hoàn thành Đề án “Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín” với tổng kinh phí 100.000.000 đồng; đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Công nghệ dược liệu Bắc Hà và Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Na Rì được tư vấn mở gian hàng và chăm sóc gian hàng trên sàn thương mại điện tử: https://www.shopee.vn, https://www.sendo.vn, https://lazada.vn, https://backanmarket.vn, Sanviet. Năm 2024, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ 8 doanh nghiệp, HTX  đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử uy tín. Các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu sẽ được hỗ trợ đăng ký thương hiệu của đơn vị lên các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước với mục tiêu quảng bá thương hiệu, bán sản phẩm đến người dùng trong nước.

Để nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai thực hiện thông qua các lớp đào tạo, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, kiến thức an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho các đối tượng là những người làm công tác quản lý thương mại tại các địa phương, người quản lý chợ, thương nhân, lao động của ngành thương mại, tập huấn nâng cao kiến thức quản lý chợ, tập huấn đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, tập huấn giới thiệu về chương trình chuyển đổi số, tập huấn hội nhập kinh tế quốc tế, tập huấn ngắn hạn về kỹ năng phát triển thị trường và tiêu thụ sản phẩm trên internet cho doanh nghiệp, hợp tác xã vùng Đông Bắc; tập huấn “Áp dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”; tập huấn nâng cao năng lực xúc tiến thương mại, phát triển thị trường…

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những đột biến bất lợi của thị trường. Nâng cao chất lượng thu thập thông tin, năng lực nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường các nhóm hàng, mặt hàng trong nước và tăng cường hoạt động cung cấp thông tin, phổ biến kiến thức thường xuyên, kịp thời cho thương nhân, người sản xuất, người tiêu dùng. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn tỉnh để tăng cường công tác quản lý, điều hành, bình ổn giá, căn cứ điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương để xem xét quyết định việc thực hiện chương trình bình ổn giá thị trường trên địa bàn tỉnh khi có biến động bất thường xảy ra theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo diễn biến giá cả thị trường và báo cáo giá thị trường trên địa bàn theo quy định;

Vận động và khuyến khích các thương nhân tham gia các đề tài, dự án đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường: Từ năm 2022 đến nay Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, phối hợp với các cơ quan, tổ chức quản lý triển khai thực hiện 16 đề tài, dự án áp dụng công nghệ khoa học vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm (cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây dược liệu,…).

Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các địa phương theo dõi và điều hành thị trường, giá cả nhằm kiểm soát sự bất ổn cung cầu bình ổn thị trường; thực hiện hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán, dự trữ hàng hóa trong trường hợp xảy ra thiên tai, bão lũ. Triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt vào các dịp lễ, tết, thời gian tiêu dùng cao điểm; ban hành Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Phương án dự trữ, đảm bảo cung cấp hàng hóa, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024; phối hợp với Trung tâm thương mại Vincom Plaza tổ chức Chương trình “Phiên Chợ ngày Xuân” nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, đặc biệt là hàng hóa giả chứng nhận nhãn xanh ngay từ tuyến biên giới đường bộ và đường biển; tăng, kiểm tra, giám sát, bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; kiện toàn tổ chức, cơ chế phối hợp hoạt động của lực lượng quản lý thị trường.

Trong thời gian tới, nhằm thúc đẩy phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương xác định tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 04/4/2022 của UBND tỉnh triển khai Quyết định số 1163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các kế hoạch giai đoạn về phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại…

Đồng thời, quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, phù hợp với điều kiện của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hoá và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số; từng bước xây dựng, số hóa và cập nhập thường xuyên dữ liệu cung và cầu hàng hóa.

Phát huy hiệu quả bộ máy hoạt động của đơn vị chủ trì thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại; tiếp tục thực hiện tốt trong công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát chặt chẽ tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thương mại giữ ổn định thị trường./.

                                                                                        Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005358
Views Today : 2
Views This Month : 2
Views This Year : 33730
Total views : 94270
Language
Skip to content