Theo thống kê của ngành chuyên môn, trên địa bàn tỉnh năm 2023, diện tích rau, đậu các loại đạt 3.977 ha, sản lượng đạt trên 45 nghìn tấn; một số loại rau được sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, một số diện tích sản xuất có liên kết tiêu thụ – chế biến, nâng cao hiệu quả sản suất; thành lập được khoảng 30 hợp tác xã hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến rau. Tuy nhiên, các hợp tác xã chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ lẻ, thiếu hiệu quả; sản lượng rau vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân trong tỉnh, vẫn phải nhập các loại rau từ ngoài tỉnh với số lượng lớn.
Theo Kế hoạch của UBND tỉnh vừa ban hành mới đây, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng rau trong tỉnh và một phần xuất bán ra các thị trường lân cận, phát triển bền vững ngành hàng rau; góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất rau toàn tỉnh ổn định khoảng 5.000 ha; sản lượng rau đạt 60.000 tấn/năm, trong đó, sản lượng rau liên kết sản xuất phục vụ chế biến khoảng 30.000 tấn/năm. Tỷ lệ diện tích rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chiếm khoảng 30% tổng diện tích gieo trồng. Tổng giá trị sản xuất rau đạt khoảng 300 tỷ đồng.
Trước hết, để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ của địa phương, tỉnh sẽ tập trung sản xuất các loại rau như bí xanh, bí đỏ, rau cải các loại, rau họ đậu, hành tỏi, rau gia vị, cà chua, rau bản địa,…với diện tích khoảng 3.000 ha; phân bố rải rác tại các địa phương, phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày của người dân.
Tập trung phát triển vùng sản xuất rau an toàn
(Ảnh: Vườn bí xanh thơm, xã Địa Linh, Ba Bể)
Cùng với đó là phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết chế biến – tiêu thụ. Trong đó tập trung phát triển liên kết sản xuất các loại rau theo nhu cầu thị trường như khoai tây, cải các loại, dưa chuột, ớt, bí xanh, rau bản địa,… với tổng diện tích khoảng 2.000 ha, tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn.
Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo UBND các huyện, thành phố xác định quy mô, địa điểm vùng sản xuất rau tập trung tại địa phương để tổ chức thực hiện. Triển khai thực hiện tốt các chính sách do Trung ương và tỉnh ban hành. Trong đó, tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng rau, ưu tiên tại các vùng tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ phát triển hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên hợp tác xã sản xuất rau an toàn để xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với hộ sản xuất rau. Củng cố, duy trì các hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ rau an toàn hiện có và thành lập mới ít nhất một hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại mỗi vùng sản xuất tập trung để cung cấp rau cho thị trường trong tỉnh và các đơn vị liên kết chế biến – tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Xây dựng mã số vùng trồng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ về quy trình sản xuất rau an toàn, sơ chế, bảo quản rau,… xây dựng các mô hình sản xuất rau công nghệ cao.
Khuyến khích chuyển đổi một số diện tích sản xuất lúa, ngô kém hiệu quả thành vùng sản xuất rau tập trung theo nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả, giá trị kinh tế cho người sản xuất.
Tăng cường chỉ đạo, bố trí tốt khung thời vụ, giống cây trồng vụ xuân, vụ mùa để tổ chức sản xuất các loại rau vụ đông gắn với sản xuất hàng hoá, liên kết sản xuất – tiêu thụ, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Quản lý chặt chẽ việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn triệt để việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”. Rà soát, kiên quyết loại bỏ cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không đủ điều kiện; tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; phân cấp và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các vi phạm.
Hình thành hệ thống mạng lưới bảo vệ thực vật gắn với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cây trồng đến tận cấp cơ sở như Tổ cộng đồng tự quản về an toàn thực phẩm. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống sâu bệnh, quản lý sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến. Tập trung vào công tác dự tính, dự báo, cảnh báo và tư vấn để người sản xuất cùng tham gia phòng chống dịch bệnh với phương châm phòng là chính.
Song song với việc sản xuất, phát triển rau với quy mô tập trung, UBND tỉnh cũng lưu ý các huyện trong việc xây dựng thị trường tiêu thụ. Đó là phải tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, gắn với mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý; đa dạng hóa các kênh phân phối rau an toàn; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá, xúc tiến thương mại,… để người tiêu dùng có đủ thông tin về sản phẩm rau an toàn của địa phương.
Đồng thời chú trọng tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp – IPHM,… trên cây rau nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP, sản xuất hữu cơ. Hướng dẫn, quản lý những diện tích rau đã được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ. Đẩy mạnh các dịch vụ tư vấn nhằm mở rộng liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, an toàn.
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra, UBND các huyện, thành phố cần quan tâm bố trí ngân sách, kết hợp với huy động nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ…/.
Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/phat-trien-cac-vung-san-xuat-rau-an-toan-tap-trung-35be.aspx