Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, xu thế thanh toán các giao dịch mua bán bằng hình thức không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Cùng với xu thế đó, tại các chợ truyền thống của tỉnh cũng đang hình thành và phát triển hình thức thanh toán này. Trong đó, nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 428-NQ/BCSĐ ngày 22/9/2022 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về thúc đấy hoạt động kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 12/12/2022 Về triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để hình thành thói quen, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Tại Kế hoạch số 820/KH-UBND đã đưa ra lộ trình triển khai thực hiện thí điểm Chợ 4.0 tại các chợ: Chợ Đức Xuân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai, chợ Bắc Kạn (thành phố Bắc Kạn); chợ Trung tâm (huyện Ba Bể); chợ thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn); chợ thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn); chợ Đầu mối nông lâm sản thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì); chợ thị trấn Phủ Thông, (huyện Bạch Thông); chợ thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới); chợ Bộc Bố (huyện Pác Nặm). Với mục tiêu: Phấn đấu 100% các tiểu thương/hộ kinh doanh tại chợ thí điểm được trang bị bảng mã để khách hàng quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai mô hình Chợ 4.0 tại 60% các chợ theo danh sách thí điểm thực hiện thu các khoản thu dịch vụ của chợ (thu phí, tiền điện điện, thuê vị trí…) và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại chợ bằng hình thức không dùng tiền mặt; phấn đấu 100% các chợ đã triển khai mô hình chợ điện tử sử dụng các loại hóa đơn, biên lai thu phí tại chợ bằng hình thức điện tử; mỗi chợ 4.0 đưa tối thiểu 01 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.
Đến nay, sau 6 tháng triển khai thực hiện tại các chợ thí điểm trên địa bàn thành phố Bắc Kạn (Chợ Đức Xuân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai và chợ Bắc Kạn), các tiểu thương kinh doanh cố định, thường xuyên đều trang bị mã QR có kết nối với các ngân hàng để thực hiện thanh toán. Hầu hết các tiểu thương và người mua hàng đều hài lòng vì sự thuận tiện của phương thức thanh toán này và đều đánh giá các bước thanh toán nói trên cũng dễ dàng và đơn giản. Đối với người tiêu dùng, nếu như trước đây, khi mua hàng phải mang theo lượng tiền mặt nhất định để tham gia giao dịch, trường hợp có phát sinh các giao dịch mua sắm vượt quá số tiền mặt mang theo tại thời điểm đó thì việc giao dịch sẽ rất khó khăn và bất tiện; đối với người bán hàng trước đây thường phải thực hiện việc đổi và cất giữ tiền lẻ để trả lại cho khách hàng và có nhiều trường hợp trả nhầm, trả thừa hoặc thiếu… nhưng hiện nay, với phương thức thanh toán qua mã QR kết nối ngân hàng thì những bất cập trên là không còn nữa, sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản người bán hàng, tiện ích của ứng dụng thanh toán trên còn cho phép người dùng nhập số tiền chính xác đến từng đồng, điều này mang đến sự tiện lợi cho cả đôi bên. Mô hình Chợ 4.0 với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế được cả tình trạng mất cắp, rơi tiền.
Từ những thuận lợi trên, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành một thói quen và xu thế sử dụng của cả hai bên mua và bán. Đây là một xu thế tất yếu được người dân lựa chọn sử dụng trong thời đại 4.0 để thực hiện mua bán hàng hóa. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng góp phần hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt, từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội, giúp tiết kiệm thời gian. Đồng thời, việc xây dựng chợ thanh toán không dùng tiền mặt còn nhằm thực hiện tốt Đề án chuyển đổi số của của tỉnh trong thời gian tới./.
Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)