Một buổi giao ban của Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ngân Sơn |
Xây dựng và chỉnh đốn Đảng là hai mặt của một quá trình thống nhất biện chứng, có mối quan hệ chặt chẽ, không tách rời. Quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quá trình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của từng tổ chức Đảng.
Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về việc xây dựng cam kết tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành công văn chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ tỉnh. Toàn thể cán bộ, đảng viên của Đảng bộ đã thực hiện nghiêm túc việc xây dựng bản cam kết, đồng thời là kế hoạch hành động để tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của mỗi cá nhân. Căn cứ bản cam kết của đảng viên, các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, đảng viên sinh hoạt và công tác thường xuyên theo dõi kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết và làm cơ sở để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cuối năm.
Hằng năm, các tổ chức Đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh đã tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng. Nội dung kiểm điểm đã gắn đánh giá thực hiện các nhiệm vụ công tác chuyên môn với kiểm điểm, đánh giá về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm giúp các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và từng cá nhân “tự soi lại mình”, từ đó đề ra giải pháp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Những năm qua, việc đánh giá cán bộ, đảng viên được thực hiện đa chiều, theo tiêu chí, lấy kết quả kiểm điểm của tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm của cá nhân để bổ sung hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể, đồng thời có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả kiểm điểm, đánh giá, gắn đánh giá, xếp loại chất lượng của cá nhân với tập thể và với kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Nhờ đó, việc đánh giá cán bộ, đảng viên đảm bảo khách quan, toàn diện, thiết thực.
Để nâng cao chất lượng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt sinh hoạt chính trị “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa” đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương quản lý. Qua tiến hành “tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa”, hầu hết các đồng chí đã báo cáo tự giác, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế yếu kém, khuyết điểm của mình trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, cơ quan, đơn vị gắn với những hạn chế yếu kém của tập thể, nhất là đối với người đứng đầu. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, coi đây là nội dung quan trọng trong đấu tranh để bảo vệ sự nghiêm minh của Đảng.
Qua đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt, triển khai thực hiện, qua đó thống nhất ý chí và hành động trong đảng bộ, quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết. Việc quan tâm giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo đồng thuận trọng xã hội. Từ đó xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại địa phương./.
Hương Lan
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn