Tỉnh Bắc Kạn ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Công Thương về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 với Chủ đề: “Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn”, ngày 17/11/2023, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 770/KH-UBND tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo kế hoạch Tỉnh đã ban hành; đồng thời, giao các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các địa phương xây dựng chương trình, hình thức hoạt động phù hợp hoặc lồng ghép theo nội dung, lĩnh vực của từng ngành, đơn vị nhằm khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Theo đó, các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được khuyến khích tổ chức và thực hiện trong suốt cả năm 2024, trong đó, tập trung vào tháng có Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam – 15/3 và các khoảng thời gian cao điểm về kinh doanh và tiêu dùng như: Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán, các mùa mua sắm hoặc các ngày cao điểm mua sắm trên thị trường. Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 sẽ bắt đầu từ mùa mua sắm cuối năm 2023 (tháng 11), được tập trung tổ chức trong tháng 3 năm 2024 (Tháng cao điểm) và kéo dài trong cả năm 2024 (nối tiếp Tháng cao điểm), tùy tình hình thực tiễn tại các cơ quan, tổ chức, địa phương. Cụ thể:

Các hoạt động hướng tới Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được triển khai từ ngày 15/11/2023 đến ngày 29/02/2024. Trong đó, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp cần chủ động tổ chức các hoạt động hoặc lồng ghép, đưa vào hoạt động chuyên môn, hoạt động kinh doanh các nội dung nhằm tăng cường quyền lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, trong các ngày, đợt, mùa mua sắm cao điểm cùng với việc tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy kinh doanh, các doanh nghiệp cần xây dựng các công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng; chủ động đưa trách nhiệm đáp ứng nhanh chóng và đầy đủ các yêu cầu, nguyện vọng của người tiêu dùng thành động lực phát triển, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Các cơ quan nhà nước tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Các tổ chức xã hội cần phát huy rõ nét vai trò đại diện và cầu nối giữa người tiêu dùng với các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Các hoạt động chủ yếu hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, gồm:

Một là, tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua các hình thức: Tuyên truyền trên website, bản tin, băng zôn, khẩu hiệu, panô, áp phích, tờ rơi, báo, đài phát thanh và truyền hình, mạng xã hội và các hình thức phù hợp khác với nội dung tuyên truyền, phổ biến các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản có liên quan như: Quy định về hàng hóa và dịch vụ lưu thông trên thị trường; về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa; hướng dẫn cách nhận biết hàng thật, hàng giả và tác hại việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng; cung cấp các kiến thức về tiêu dùng; thông tin về các phương thức, cách thức bảo vệ quyền người tiêu dùng trên thế giới và Việt Nam.

Hai là, tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm phổ biến các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành; cung cấp các kiến thức về tiêu dùng; thông tin về các phương thức, cách thức bảo vệ quyền người tiêu dùng trên thế giới và Việt Nam; đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người tiêu dùng; tập huấn các kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cho cán bộ quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào lực lượng quản lý thị trường; quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa; cán bộ quản lý nhà nước trực tiếp làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh và người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

Ba là, Chương trình “Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng” với việc tổ chức các gian hàng trưng bày, quảng bá, tư vấn và bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ tập trung phục vụ người tiêu dùng với nhiều ưu đãi, khuyến mại, như: Tăng thời gian bảo hành, hỗ trợ bảo dưỡng, bảo trì miễn phí các sản phẩm, được tăng điểm tích lũy khi mua sắm, được nhận thêm quà tặng và giảm giá cho các sản phẩm đến 50% giá sản phẩm. Dự kiến tổ chức lồng ghép với tổ chức chương trình không gian văn hóa “Chợ tình Xuân Dương” năm 2024 tại xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.  

Bốn là, khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực hiện tri ân người tiêu dùng bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ bảo hành sản phẩm; hỗ trợ tư vấn, sử dụng sản phẩm an toàn, hiệu quả; khuyến mại … trong năm 2024.

Các hoạt động tiếp nối Tháng cao điểm: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Kết thúc Tháng cao điểm, trong tháng 4 và tháng 5 năm 2024 các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùg cần phát huy những kết quả đạt được của Tháng cao điểm tiếp tục quan tâm tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng tại địa phương, đơn vị và trong phạm vi, lĩnh vực hoạt động. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức xã hội và các tổ chức, cá nhân có liên quan có thể xây dựng và thực hiện các hoạt động vì quyền lợi người tiêu dùng theo ngày, tuần, tháng để tập trung vào nhóm người tiêu dùng tại địa phương hoặc trong lĩnh vực, phạm vi hoạt động.

Với các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước; kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động liên quan; từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng thành động lực và điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước./.

                                                                                  Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005410
Views Today : 29
Views This Month : 2559
Views This Year : 40708
Total views : 101248
Language
Skip to content