Trong những năm qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh cơ bản đúng hướng, tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ, công nghiệp và giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đến năm 2022 ước đạt trên 41 triệu USD. Các hoạt động thúc đẩy xuất, nhập khẩu hàng hóa như hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa chủ lực, phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất, xúc tiến thương mại… được tập trung thực hiện. Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng các mặt hàng qua chế biến nhằm khai thác được tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu; thị trường xuất khẩu từng bước được mở rộng, song chưa ổn định, số lượng mặt hàng xuất khẩu còn ít cả về số lượng và kim ngạch.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA ngày càng sâu rộng, tỉnh xác định việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách về các FTA là rất quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân kịp thời nắm bắt và vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Theo đó, các sở, ngành, địa phương luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách của các FTA thế hệ mới cho cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như: Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU), Hiệp định UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương Quốc Anh) và Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và các đối tác)… Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tham mưu tổ chức 04 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Hội nhập kinh tế quốc tế cho cán bộ, công chức thuộc các sở, ngành, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã (được phân công theo dõi, tham mưu công tác hội nhập quốc tế), các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; cử cán bộ một số sở, ngành có liên quan tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức, tham dự và chủ trì hội nghị, hội thảo hoạt động đối ngoại do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức như: Tham gia khóa bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng đối ngoại trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng tại tỉnh Bình Định, tham gia lớp tập huấn cập nhật kiến thức đối ngoại tại tỉnh Bắc Giang, Tuyên Quang do Bộ Ngoại giao tổ chức…
Công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh tập trung triển khai với các đối tác từ các nước tham gia FTA với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo; trong đó tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn vốn cho các dự án ODA. Hiện nay tỉnh quản lý, theo dõi 7 chương trình, dự án ODA, đang thực hiện và vận động 4 dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); ký kết Thỏa thuận hợp tác với 1 dự án sử dụng nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công – Lan Thương năm 2022.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bắc Kạn cũng đã tiếp và làm việc với một số đoàn là cơ quan, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đoàn đến làm việc, nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư hợp tác, triển khai các dự án do đối tác hỗ trợ cho tỉnh như: Đại sứ cộng hòa Séc tại Việt Nam; Phó Thị trưởng UBND thành phố Hoài Nam, tỉnh An Huy, Trung Quốc; Hiệu trưởng Trường Đại học kỹ thuật Ostrava, Cộng hòa Séc; Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc/KOICA; Chuyên gia của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; Hiệu trưởng Học viện Kỹ thuật Lê Minh, Đài Loan…
Cùng với đó, tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại quốc tế như: Hội nghị trực tuyến trao đổi, chia sẻ thông tin giữa UBND tỉnh với Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Hy Lạp về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực năm 2022; Sở Công Thương đã tham mưu tổ chức gian hàng của tỉnh tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm “ECO-GREEN VIET NAM EXPO” – Hy Lạp với 19 sản phẩm là sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của 10 đơn vị tham gia trưng bày. Trong tháng 7 năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư tại Nhật Bản nhằm quảng bá, giới thiệu về thành tựu, tiềm năng và thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh được tiếp cận với thị trường nước ngoài để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hoạch định chiến lược cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu trên cơ sở phát huy mọi thế mạnh của doanh nghiệp và tham dự Hội nghị giao thương Hợp tác – Thương mại Việt Nam – Nhật Bản tại Tokyo.
Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các địa phương chủ động và phối hợp thực hiện tốt công tác hợp tác quốc tế theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục tăng cường củng cố mối quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài tài trợ cho tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh phê duyệt 3 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng vốn cam kết viện trợ là 151.836 USD và tiếp tục theo dõi, triển khai 11 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài đang thực hiện, các khoản viện trợ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển nông thôn tổng hợp, bảo trợ xã hội, giới và bình đẳng giới, nghiên cứu giảm nghèo, xây dựng năng lực tổ chức, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… Về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Bắc Kạn thu hút và duy trì hoạt động được 03 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 154,4 tỷ đồng và 01 dự án ngừng hoạt động; 02 dự án trong Khu công nghiệp do Ban Quản lý các Khu công nghiệp trực tiếp quản lý; 02 dự án ngoài Khu công nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp quản lý. Ngoài ra, tiếp tục giữ mối liên hệ với các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán, cơ quan đại diện của Chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài khác đang có dự án tài trợ cho tỉnh gồm: Tổ chức WorldBank, Traffic International, Đại sứ quán Phần Lan, JICA, Kuwait, Luxembourg….
Việc thực thi các FTA đã và đang mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển kinh tế, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa và sản phẩm của Bắc Kạn, giúp Bắc Kạn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất toàn cầu; nâng cao giá trị xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Với những lợi ích từ các FTA mang lại, trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là đối với các Hiệp định mới như: Hiệp định CPTTP, Hiệp định RCEP. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế các doanh nghiệp nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và cơ chế chính sách liên quan; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu thông tin xuất nhập khẩu, các thị trường tiềm năng để đẩy mạnh hội nhập kinh tế thế giới, tận dụng tối đa các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn hiện nay./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)