Xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và bền vững

Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã dần chuyển mình thành nước xuất siêu. Tính đến năm 2023, Việt Nam ghi nhận năm xuất siêu thứ 8 liên tiếp với giá trị gần 30 tỷ USD. Xếp hạng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 23 bậc (năm 2007 xếp thứ 50 và 2022 xếp thứ 27) so với thế giới.

Phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu

Tại Quyết định số 165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Chính phủ đã đặt mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành Công Thương đó là: “Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao”.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo về tiếp cận thực hiện tái cơ cấu ngành; 05 mục tiêu cụ thể; 05 nhóm nhiệm vụ; 05 nhóm giải pháp. Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương được triển khai trên 05 ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, đó là: công nghiệp, năng lượng, xuất nhập khẩu, thị trường trong nước và hội nhập quốc tế về kinh tế.

Trong 05 nhóm định hướng chiến lược lớn về phát triển ngành Công Thương trong giai đoạn tới 2030, có nhóm nhiệm vụ “Chú trọng nâng cấp và phát triển các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành dựa trên các lợi thế so sánh ở cấp độ quốc gia, vùng và địa phương để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường năng lực tự chủ của ngành Công Thương”.

Với hoạt động xuất nhập khẩu, Đề án đặt yêu cầu: Nâng cấp và phát triển hoàn chỉnh hệ sinh thái xuất nhập khẩu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; Phát triển đồng bộ và hiệu quả hệ thống hạ tầng logictics phục vụ xuất nhập khẩu nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực; Nâng cao khả năng đáp ứng quy định, tiêu chuẩn cao về chất lượng của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các yêu cầu về bảo vệ môi trường, các bon thấp, lao động và công đoàn; Tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương; Phát triển các vùng, địa bàn xuất khẩu mới gắn với quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng tập trung chuyên môn hóa.

Đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA

Để xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam tiếp tục bứt phá trong năm 2024, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương Nguyễn Văn Hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất tạo nguồn hàng cho xuất khẩu; Cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững (thuỷ sản, lúa gạo…).

 

Xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và bền vững

Bên cạnh đó, cần tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ vay vốn thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA, cam kết, liên kết thương mại mới, ký kết các FTA với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA.

Doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế và được hưởng nhiều ưu đãi trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam; Chú trọng đầu tư cho chế biến nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu; Chủ động kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi xuất khẩu.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu; Kiện toàn chuỗi sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn cung và phát triển xuất khẩu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, uy tín và thương hiệu; Tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu…

Như vậy, cùng với đầu tư, sản xuất, thương mại nội địa và dịch vụ, sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất nhập khẩu những năm qua là yếu tố quan trọng duy trì nền kinh tế phát triển ổn định. Xuất nhập khẩu gắn liền và là hệ quả tất yếu của quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và bền vững. Xuất nhập khẩu giúp khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế, hình thành xung lực mới, đưa Việt Nam thành một trung tâm sản xuất hàng hóa của thế giới.

Xuất khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý

Trao đổi tại “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024”, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030 được ban hành tại Quyết định 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi Chính phủ ban hành Chương trình hành động, các Bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch triển khai cụ thể.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030 đặt mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa từ 6-7%/năm và tăng trưởng nhập khẩu từ 5-6%/năm; Xuất khẩu tăng trưởng ổn định còn cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Trong đó, cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021-2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026-2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.

Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cán cân thương mại hiện đang xuất siêu, cũng có giai đoạn nhập siêu, dù điều này không bất thường, song quan trọng là không tạo ra dao động quá lớn.

Về mặt thị trường, chiến lược cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu thị trường châu Âu đạt 17% kim ngạch xuất khẩu, còn châu Á đạt 50%, châu Mỹ đạt 32-22%… Song song đó, vẫn duy trì những mặt hàng xuất khẩu có lợi thế như: dệt may, da giày, tuy nhiên trong những mặt hàng đó phải thúc đẩy gia tăng giá trị.

Định hướng được đặt ra cho Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến 2030 là phải phát huy lợi thế so sánh; Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa; Tập trung vào các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; Chủ động điều chỉnh nhịp độ nhập khẩu; Kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu; Đa dạng hóa thị trường; Khai thác hiệu quả các FTA; Đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng…

Nguồn:  moit.gov.vn




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005323
Views Today : 113
Views This Month : 2669
Views This Year : 28927
Total views : 89467
Language
Skip to content