Tuyên truyền, thông tin về tình trạng quảng cáo, bán hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xuất hiện tình trạng một số nhóm người hoặc doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tiếp thị, hội thảo, hội nghị với nhiều hình thức để quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng sản phẩm nhằm mục đích bán hàng, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân. Trong đó, các đối tượng lừa đảo thường thực hiện ở các khu vực đông dân cư, khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và chủ yếu hướng tới các đối tượng người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số,… lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và không cảnh giác của người dân. Hàng hoá được tiếp thị, quảng cáo, chào bán thường là hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá chưa được kiểm định về chất lượng hoặc hàng hoá kém chất lượng, hàng hoá có giá thành cao hơn giá thành thực tế.

Để tổ chức các hội nghị, hội thảo bán hàng trên, các đối tượng còn nhiều lần đến địa phương, liên lạc với các tổ chức đoàn thể, chính quyền nhằm tạo lòng tin, thậm chí còn đề xuất thực hiện các hoạt động “tài trợ”, “thiện nguyện”, đồng thời thực hiện thuê, mượn hội trường UBND phường, xã, thị trấn; nhà văn hóa thôn, tổ; nhà riêng của người dân có diện tích rộng để tổ chức chương trình khiến người dân tin là chương trình đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cho phép. Sau khi thuê, mượn được địa điểm, các đối tượng gửi giấy mời cho người dân trong thôn, tổ với chiêu trò là đến để dự hội thảo, chương trình tri ân khách hàng được nhận quà miễn phí như: Đường, sữa, dầu thực vật… cũng như mua đồ giá rẻ, mua đồ được hoàn tiền lại cho người mua để tạo lòng tin và lôi kéo được đông đảo người dân tham gia.

Một số hình thức quảng cáo, bán hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang diễn ra phổ biến trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

– Hình thức “mua hàng miễn phí, nhận thẻ niềm tin”: Là hình thức một nhóm người hoặc danh nghĩa là doanh nghiệp tổ chức các sự kiện dưới hình thức mời người dân đến dự hội nghị và nhận quà miễn phí; nếu vận động thêm nhiều người khác đến tham dự hội nghị thì tiếp tục được mua hàng miễn phí, nhận thêm nhiều phần quà và được mời cơm hội nghị; nếu mua hàng trả tiền thì được phát thẻ “niềm tin” và dùng thẻ “niềm tin” để đổi lại tiền tương ứng với sản phẩm đã mua… Tuy nhiên, khi đã có nhiều người mua hàng, các đối tượng bán hàng sẽ đi khỏi địa điểm bán hàng và người dân sẽ không trả lại được hàng hóa như đã cam kết khi bán hàng (phát thẻ niềm tin để nhận lại tiền khi mua hàng).

– Hình thức bán hàng giảm giá, giá rẻ, giá sốc: Là hình thức một số đối tượng lạ mặt đến giới thiệu, bán hàng tận cửa để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng việc lừa bán hàng giảm giá, giá rẻ bất ngờ với lý do là những mặt hàng này là hàng tồn kho, hàng mẫu, hàng tách khuyến mại… Tuy nhiên, hàng hoá được bán là hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được kiểm định về chất lượng sản phẩm…

– Hình thức giả danh đơn vị bán hàng để cung cấp hàng hóa: Trong đó, đối tượng lừa đảo liên hệ với người tiêu dùng có nhu cầu mua hàng và chào hàng hoá với giá rẻ hơn thị trường. Sau khi người dân đồng ý mua, các đối tượng này giả danh người mua liên hệ với đơn vị cung cấp hàng để yêu cầu giao hàng. Trong quá trình giao hàng từ đơn vị cung cấp đến người mua hàng, các đối tượng này lợi dụng sơ hở của người mua và người bán để nhận tiền từ người mua rồi nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Khi hàng được giao tới, người mua mới phát hiện tiền đã trả nhưng không đúng cho đơn vị cung cấp và không đúng giá đã dược tư vấn.

– Hình thức “bán hàng tri ân”: Các đối tượng thường quảng cáo, thổi phồng tác dụng, hiệu quả của các loại sản phẩm và ai mua hàng trước sẽ được hoàn trả tiền  gọi “tri ân khách hàng”. Sau đó, các đối tượng tiếp tục chào sản phẩm khác với giá trị cao hơn, nhiều người có tâm lý nếu mua cũng sẽ được hoàn tiền như lúc đầu, mua 1 tặng 1 hoặc mua hàng được tặng quà nên đăng ký mua. Sau khi bán được hàng bán được nhiều hàng và thu tiền thì lần này chúng không trả lại mà rời đi.

– Hình thức “tài trợ”: Trong đó, đối tượng bán hàng tự xưng là các doanh nghiệp đến xin tài trợ cho các đối tượng như: Cựu chiến bình, thanh niên xung phong, hội nông dân, hội phụ nữ, hội người cao tuổi… tại địa phương với việc tặng quà, mời ăn cơm. Sau đó, các đối tượng sẽ tổ chức quảng cáo và giới thiệu sản phẩm cho người tham gia biết. Để người tham gia tin tưởng, các đối tượng còn mời người tham gia thử sử dụng các sản phẩm đồng thời tâng bốc công dụng của sản phẩm và nói giá thành của các sản phẩm dành cho cối tượng được “tài trợ” sẽ rẻ hơn mua bên ngoài thị trường rất nhiều. Với việc tạo niềm tin như trên, người dân đã không ngần ngại mua các sản phẩm với giá thành cao hơn nhiều lần so với giá thị trường mà không đảm bảo tiêu chuẩn và độ an toàn.

Ngoài ra, trên thực tế còn có nhiều hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khác thông qua hoạt động tiếp thị, hội thảo, hội nghị; người bán giả dạng nhân viên công ty đến tận nhà để ký hợp đồng, chăm sóc khách hàng hoặc xưng danh cán bộ các cơ quan nhà nước để dọa nạt, ép buộc phải mua hàng.

Để tránh việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản khi tham gia các giao dịch mua bán hàng hóa, người dân cần chủ động, cảnh giác không tham gia, không vận động người thân, bạn bè tham gia vào các hoạt động mua bán hàng hóa như đã nêu trên; nâng cao ý thức cảnh giác trước những hình thức bán hàng do những người lạ mặt đến chào bán; khi có nhu cầu mua hàng cần đọc kỹ thông tin, chi tiết sản phẩm (kiểu mẫu, chất lượng, nguyên liệu, hình dáng, màu sắc, số lượng, kích thước, nhà sản xuất, nước sản xuất và cả hướng dẫn sử dụng của sản phẩm (nếu có)…); không mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, các sản phẩm chức năng, sản phẩm gia dụng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng; yêu cầu bên bán hàng cung cấp biên lai, hóa đơn khi nhận hàng và kiểm tra kỹ sản phẩm trước khi thanh toán tiền vì đã giao tiền và nhân viên bán hàng đã rời đi thì các thắc mắc về sản phẩm vừa giao thường sẽ không được giải quyết và thiệt hại cho người tiêu dùng. Khi phát hiện các hành vi quảng cáo, giới thiệu, chào bán các mặt hàng giá rẻ, không rõ nguồn gốc hoặc nghi vấn lừa đảo, người tiêu dùng cần nhanh chóng ghi lại quá trình giao dịch, đặc điểm, hình ảnh nhận dạng của đối tượng và thông báo cho cơ quan Công an, chính quyền địa phương gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý./.

                                                                                  Triệu Thanh Hoa (Sở Công Thương)


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005381
Views Today : 45
Views This Month : 3422
Views This Year : 37150
Total views : 97690
Language
Skip to content