Giữ nhịp tăng trưởng sản xuất công nghiệp

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường trong nước và thế giới song nhờ phát huy lợi thế, kết hợp các cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo tiền đề cho mục tiêu tăng trưởng năm 2024.

Giữ đà tăng trưởng 

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh đạt 10,85%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11% so với năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,22% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 100,4% kế hoạch năm 2023…

Có được kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ như ưu đãi thuế, giảm giá lãi suất và các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng ngành công nghiệp. Trọng tâm là Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững; các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất trong năm 2023…

Đối với tỉnh Bắc Kạn, lãnh đạo tỉnh và ngành chuyên môn thường xuyên rà soát, thăm nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có giá trị gia tăng cao để kịp thời gỡ các khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Tiến Cương – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, năm 2023, ngành công nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng nâng cao giá trị gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó đáng chú ý là công nghiệp chế biến nông, lâm sản có bước phát triển tích cực, chuyển đổi mô hình sản xuất từ hộ kinh doanh cá thể sang hợp tác xã, doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị liên kết sản xuất bền vững giữa ngành công nghiệp với nông nghiệp, dịch vụ và đã hình thành được một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm công nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP được thị trường tin dùng.


Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

Phấn đấu tăng trưởng đạt trên 16%/năm

Năm 2024, dự báo sản xuất công nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, Bắc Kạn vẫn đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 16%.

Theo đó, Bắc Kạn tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, nhất là chế biến sâu kim loại màu (chì, kẽm); khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp, nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp.

Cùng với đó là đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu công nghiệp, đảm bảo đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn theo quy định, thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động. Xử lý dứt điểm các dự án còn vướng mắc trên địa bàn tỉnh, nhất là tại Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I để có quỹ đất thu hút các nhà đầu tư mới có năng lực. Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư Khu Công nghiệp Thanh Bình – giai đoạn II và các cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo cam kết. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 6 cụm công nghiệp đã thành lập đảm bảo tỷ lệ lấp đầy…

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chủ động nắm bắt, tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực để tập trung thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư bên ngoài. Chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI kết hợp với ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng với cả nước. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ đầu tư, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp thông qua các chương trình hướng nghiệp, kế hoạch đào tạo nghề, xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo môi trường làm việc phù hợp với năng lực, trình độ của người lao động.

Tăng cường các hoạt động khuyến công, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa; tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tăng cường hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; thúc đẩy các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp nông thôn; phát huy vai trò và nâng cao năng lực thực hiện của tổ chức khuyến công; nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương đầu tư các nguồn lực để triển khai các chính sách, chương trình và hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở các quy định của pháp luật và bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương…/.

Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/giu-nhip-tang-truong-san-xuat-cong-nghiep-e82a.aspx




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005546
Views Today : 37
Views This Month : 139
Views This Year : 12283
Total views : 114581
Language
Skip to content