Bắc Kạn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP)

Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 01 năm 2022 sẽ góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Sau khi có hiệu lực đầy đủ với tất cả các nước tham gia ký kết, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Do vậy, Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP), ngày 22/2/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Với mục đích nhằm cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Quyết định số 01/QĐ-TTg ngày 04 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định RCEP theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Kế hoạch đã tập trung triển khai 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

  1. Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định RCEP

Các Sở, Ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường phổ biến, tuyên truyền về Hiệp định RCEP và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định RCEP các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động như: Hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước, các thành phần lao động khác bằng nhiều hình thức phù hợp như: Thông qua các phương tiện truyền thông, trang thông tin điện tử, in ấn các ấn phẩm, tài liệu, các chương trình phát thanh và truyền hình, các hội nghị tập huấn, hội thảo,…, đẩy mạnh sử dụng môi trường kỹ thuật số nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực hiện hiệu quả Hiệp định RCEP, tăng khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo tính tương tác, hiệu quả, tiết kiệm; Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, công chức các Sở, ban, ngành và địa phương, cũng như các doanh nghiệp về một số lĩnh vực như thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường các nước tham gia Hiệp định RCEP, đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm của Chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường… bảo đảm hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó giúp việc tận dụng và thực hiện Hiệp định được đầy đủ và hiệu quả; Đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về đầu tư, thị trường xuất nhập khẩu, thị trường… để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có thể kịp thời nắm bắt các thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các nước tham gia Hiệp định RCEP, từ đó tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạch định và triển khai chiến lược kinh doanh trong nước và đầu tư ra nước ngoài.

  1. Công tác xây dựng pháp luật, thể chế

Rà  soát  văn  bản  quy  phạm  pháp  luật  do HĐND, UBND tỉnh ban hành có liên quan để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của Hiệp định. Đảm bảo việc thực hiện cơ chế tham vấn, lấy ý kiến các đối tượng có liên quan (nhất là cộng đồng doanh nghiệp) trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Tiếp tục kiện toàn công chức phụ trách tham mưu công tác hội nhập kinh tế quốc tế tại các Sở, ban, ngành, địa phương, cũng như phụ trách triển khai thực hiện Hiệp định RCEP, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội kết hợp với phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đầu mối quốc gia và Sở Công Thương về thực hiện Hiệp định, đảm bảo việc thực hiện hiệu quả và đầy đủ, đảm bảo giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết của các đối tác cũng như theo sát tình hình xuất nhập khẩu để có biện pháp ứng phó kịp thời bảo vệ lợi ích của Việt Nam cũng như của tỉnh, phù hợp với các quy định của Hiệp định RCEP và luật pháp.

  1. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP

Tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phù hợp với cam kết quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và kinh doanh bền vững, thúc đầy kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp từ các nước đối tác tham gia Hiệp định RCEP; Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học – công nghệ, an toàn, thân thiện với môi trường; Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của tỉnh, nhất là thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp các nước về cơ hội và lợi thế môi trường kinh doanh đầu tư của Việt Nam cũng như của tỉnh Bắc Kạn, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại tỉnh. Thường xuyên thông báo, cung cấp thông tin đến các doanh nghiệp trong tỉnh về thông tin các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường; Nâng cao vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh; thông qua Hiệp hội thường xuyên nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế;…

Trên cơ sở những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch này và nhiệm vụ đã được phân công, UBND tỉnh giao các Sở, ban, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch; thực hiện lồng ghép linh hoạt các nhiệm vụ tương đồng đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; tăng cường kiểm tra, đôn đốc triển khai thực hiện; định kỳ hàng năm (trước ngày 10 tháng 11) báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch này lồng ghép với báo cáo kết quả thực hiện các Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định UKVFTA trên địa bàn tỉnh, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) để tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương theo quy định.

UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện hàng năm (trước ngày 15 tháng 11 hàng năm) theo quy định./.

Hoàng Huyền

 

 


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005154
Views Today : 198
Views This Month : 2234
Views This Year : 10142
Total views : 70682
Language
Skip to content