Bắc Kạn: Nhiều tiềm năng xuất khẩu viên nén gỗ

Viên nén gỗ đang được thị trường ưa chuộng, do đó dù còn khá mới mẻ tại tỉnh Bắc Kạn, song mặt hàng này vẫn được dự báo có giá trị xuất khẩu rất tiềm năng.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Năm 2020, Công ty cổ phần Quang Minh Finance ở tổ 7, phường Xuất Hóa (TP. Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng mua máy móc sản xuất viên nén mùn cưa hay còn gọi là viên nén gỗ để xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Sau 3 năm đi vào hoạt động, dù còn nhiều khó khăn nhưng sản phẩm của Công ty đã có chỗ đứng trên thị trường, năm 2023 Công ty xuất khẩu hơn 3.000 tấn sản phẩm viên nén gỗ, đem lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng.

Ông Đinh Quang Hiếu, Giám đốc Công ty cổ phần Quang Minh Finance cho biết: “Quy trình sản xuất viên nén mùn cưa rất đơn giản, không đòi hỏi về công nghệ quản lý lớn và phức tạp. Các phụ phẩm được thu mua về sẽ trải qua 3 công đoạn gồm: Nghiền, sấy và ép thành dạng viên. Sản phẩm được làm từ 100% phụ phẩm bỏ đi của ván bóc, gỗ dăm… không trộn lẫn bất cứ thành phần nào khác. Nhu cầu thế giới về nguồn năng lượng này rất lớn, do đó sản phẩm làm ra đến đâu được thu mua hết đến đó”.

Tương tự, Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản Tracimexco, (phường Huyền Tụng, TP. Bắc Kạn) cũng là đơn vị tham gia sản xuất viên nén gỗ vài năm nay. Bình quân mỗi năm đơn vị này xuất khẩu hơn 2.000 tấn sản phẩm, chủ yếu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Đại diện Công ty cho biết, nguồn nguyên liệu tại Bắc Kạn rất dồi dào, đặc biệt là các phụ phẩm từ mùn cưa, ván rác bóc… bỏ đi từ các xưởng sản xuất gỗ lại trở thành đầu vào rất tốt cho mặt hàng này.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, địa phương có lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp, với hơn 413.000ha, chiếm 85% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp có rừng hơn 372.000ha, rừng tự nhiên khoảng 272.000ha và rừng trồng hơn 100.000ha, sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 305.000m3.

Tỉnh đang nỗ lực thực hiện xây dựng Bắc Kạn trở thành “Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du miền núi Bắc bộ”. Từ chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư cũng như tiềm năng của ngành chế biến gỗ, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại Bắc Kạn.

Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Kạn, toàn tỉnh hiện có gần 270 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, chủ yếu là sản xuất ván bóc, dăm, ván dán, đũa gỗ, hạt gỗ… Do đó, lượng phụ phẩm bỏ đi của ván bóc, gỗ dăm là rất lớn, nếu tận dụng được hết lượng phụ phẩm này vào việc chế biến viên nén thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

“Mới đây nhất, Công ty cổ phần đầu tư Govina (Khu công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới) cũng vừa được cấp chứng nhận đầu tư sản xuất sản phẩm viên nén gỗ xuất khẩu”, đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn thông tin.

Phải đáp ứng yêu cầu từ thị trường xuất khẩu

Viên nén gỗ là nguồn năng lượng tái tạo có nguồn gốc sinh học, được dùng làm chất đốt trong sản xuất công nghiệp và dân dụng, có thể thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch truyền thống. Hiện nay, các nước có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… đã và đang bắt đầu lộ trình sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải CO2 nên nhu cầu sử dụng loại nguyên liệu đốt này đang phát triển mạnh và ngày càng tăng cao.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, viên nén nằm trong nhóm 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất của ngành gỗ. Việt Nam đang là nước xuất khẩu viên nén lớn thứ 2 thế giới. Ngành này dự kiến sẽ đem lại cho Việt Nam gần 800 triệu USD giá trị xuất khẩu trong năm nay.

Còn theo thống kê của Chi hội viên nén Việt Nam, hiện tại có 400 nhà máy sản xuất viên nén, công suất trung bình khoảng 5 triệu m3/năm, giá trị 800 triệu USD. Công suất toàn ngành có thể nâng lên 10 triệu m3/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này.

Hiện nay, ngành viên nén là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xuất khẩu viên nén gỗ được cả về lượng và về giá, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin thị trường tốt và đáp ứng các đòi hỏi từ thị trường xuất khẩu.

Đại diện Công ty cổ phần sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản Tracimexco cho biết, ngành viên nén gỗ có cơ hội mở rộng thị trường khi nhu cầu tiêu thụ bắt đầu có tín hiệu tăng nhanh. Tuy nhiên, ngành này đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải có chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững), điều này có thể đạt được thông qua hình thức hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến với các hộ trồng rừng để tạo nguồn gỗ chứng chỉ. Thế nhưng, việc nguyên liệu đầu vào chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và pháp lý, kiểm soát thị trường đầu ra sản phẩm còn nhiều khó khăn… có thể là những rủi ro ảnh hưởng sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai./.

Nguồn: https://congthuong.vn/bac-kan-nhieu-tiem-nang-xuat-khau-vien-nen-go-313528.html


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005170
Views Today : 93
Views This Month : 4411
Views This Year : 12319
Total views : 72859
Language
Skip to content