Tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) được ưu tiên bố trí
nguồn vốn để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch
Việc đẩy mạnh cải cách tài chính công được chú trọng triển khai nhằm thực hiện tốt các quy định về quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Thời gian qua, Bắc Kạn đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập trung thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Trong công tác thu ngân sách, tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ nguồn thu phát sinh, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào ngân sách nhà nước. Năm 2023, thu ngân sách tỉnh Bắc Kạn đạt trên 909 tỷ đồng, đạt 110,6% dự toán Trung ương giao và 91,2% dự toán tỉnh giao.
Cùng với đó, việc tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, đảm bảo phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo đúng thời hạn và quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Tỉnh thực hiện rà soát, sắp xếp, điều chỉnh dự toán chi theo quy định; chủ động cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết. Đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh cũng thực hiện cơ chế phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới cơ chế vốn quản lý nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Các đơn vị, cơ quan nhà nước thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Nhờ đó, công tác quản lý tài chính, ngân sách tại các đơn vị, cơ quan trong tỉnh chuyển biến rõ nét, việc giám sát và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ làm tăng tính hiệu quả trong quá trình sử dụng ngân sách nhà nước, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, từng bước tăng tính minh bạch trong thực hiện ngân sách; tăng cường thực hành, tiết kiệm chống lãng phí.
Hằng năm, 100% các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tỉnh, trực thuộc các sở, ngành và trực thuộc UBND cấp huyện được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tự chủ tài chính. Trong tổng số 399 đơn vị sự nghiệp công lập trên toàn tỉnh, hiện có 1 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 16 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; 32 đơn vị bảo đảm một phần chi thường xuyên, còn lại do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Công tác quản lý tài sản công được quan tâm. Năm 2023, tỉnh đã thực hiện kiểm tra hiện trạng các cơ sở nhà, đất trên địa bàn tỉnh và đã lập phương án sắp xếp tổng thể, làm cơ sở để ban hành quyết định xử lý tài sản theo quy định. Tỉnh cũng đã thực hiện thanh lý tài sản là nhà, xe ô tô theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường quản lý tài sản công, quản lý và sử dụng xe công phục vụ công tác chung đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Đẩy mạnh cải cách tài chính công, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thẩm định dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu mua sắm thường xuyên; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đấu thầu mua sắm, sửa chữa trang thiết bị; triển khai tốt công tác tổ chức đấu thầu qua mạng trên địa bàn tỉnh…
Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm đổi mới cơ chế quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước theo hướng tích cực của ngân sách địa phương, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục hoàn thiện hệ thống và ban hành bổ sung các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công theo phân cấp. Kịp thời báo cáo, đề nghị Trung ương hướng dẫn xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại địa phương; tiếp tục tăng cường triển khai, phổ biến, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công.
Năm 2024, Bắc Kạn phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt 8%, GRDP bình quân đầu người/năm 56 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.010 tỷ đồng. Để đạt các mục tiêu đề ra, Bắc Kạn tập trung triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ đầu năm.
Với mục tiêu coi đầu tư công là động lực cho tăng trưởng, Bắc Kạn thực hiện quyết liệt kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đó, tiếp tục rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 để ưu tiên đầu tư cho các dự án hạ tầng, nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó chú trọng đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang); tích cực phối hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Chợ Mới – Bắc Kạn. Tỉnh tiếp tục đôn đốc các dự án ngoài ngân sách đã được phê duyệt chủ trương đầu tư sớm triển khai giải ngân vốn đảm bảo tiến độ, nhất là dự án phát triển khu dân cư, khu đô thị…
Bắc Kạn tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ để góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế như miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên./.
Nguồn: backan.gov.vn