Đẩy mạnh giải pháp tiết kiệm điện trong môi trường nhà xưởng, nhà máy công nghiệp

Ngành công nghiệp chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, ước tính lượng phát thải từ ngành năng lượng chiếm tới 73%. Các khảo sát thực tế của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn, vào khoảng từ 20% – 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều hơn nữa những giải pháp hữu ích nhằm tiết kiệm điện trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.

Hiện nay, bước vào những ngày nắng nóng cao điểm, nhu cầu về điện sẽ tăng lên, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải có các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Trong đó cần xây dựng hệ thống quản lý năng lượng nhằm kiểm soát và duy trì các biện pháp tiết kiệm năng lượng đã có.

Tiết kiệm điện trong chiếu sáng

Theo các chuyên gia, việc lựa chọn đèn cần phải phù hơp với môi trường. Với những môi trường ẩm, dễ đọng sương sẽ gây chập cháy và hư hỏng đèn, nên với môi trường này cần chọn các thiết bị có cấp độ IP. Ở môi trường có nhiệt độ cao nên chọn đèn có khả năng tản nhiệt tốt, chịu được nhiệt độ cao. Ở môi trường thấp như các kho đông lạnh cần lựa chọn đèn có hiệt suất cao, ít tỏa nhiệt để giảm lượng nhiệt phát ra ảnh hưởng tới hệ thống làm lạnh. Đối với những môi trường nhiều bụi hoặc dễ cháy nổ cần lựa chọn các thiết bị đáp ứng đủ điều kiện do cơ quan phòng chống cháy nổ đưa ra để đạt được sự an toàn khi sử dụng.

Hệ thống chiếu sáng thay thế đèn huỳnh quang bằng CFL sẽ tiết kiệm khoảng 60 – 80% năng lượng. Đèn LED sử dụng năng lượng hiệu quả hơn bóng CFL do đèn LED tiêu thụ ít điện năng hơn. Có thể mở rộng hệ thống cửa sổ, tận dụng ánh sáng tự nhiên giúp giảm mức mức tiêu thụ điện cho chiếu sáng từ 10% – 20% mỗi năm.

Đèn chiếu sáng chỉ được bật khi cần thiết, chỉ chiếu sáng tại các bộ phận và vị trí đang có người làm việc, tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm việc trong phòng giảm. Cần chú ý tắt các thiết bị điện và đèn chiếu sáng không cần thiết, đặc biệt là trong thời gian nghỉ giữa ca. 

Tiết kiệm điện trong sử dụng máy điều hòa nhiệt độ

Theo thống kê của EVN, các hệ thống điều hòa tiêu tốn một lượng điện năng tương đối lớn, lời khuyên từ các chuyên gia là chỉ sử dụng điều hòa trong khu vực nhà máy, nhà xưởng khi cần thiết và để ở chế độ làm mát từ 27 độ C trở lên, tắt máy điều hòa trước khi nghỉ làm việc ít nhất 30 phút. Ở nhiệt độ này, các thiết bị sinh nhiệt như lò hàn sóng (Solder Wave), máy hàn dán (Reflower), các mỏ hàn,… không tốn nhiều năng lượng để làm nóng, giúp tiết kiệm một lượng điện năng đáng kể cho cả điều hòa và các thiết bị công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần lên lịch định kỳ vệ sinh bảo dưỡng máy điều hòa để làm sạch bụi bẩn bám và tích tụ lâu ngày trên bề mặt dàn nóng, dàn lạnh, lưới lọc… của máy điều hòa làm trở ngại cho việc trao đổi nhiệt, dẫn đến chậm làm lạnh và tiêu tốn điện năng sử dụng.

Hệ thống điều hòa không khí sử dụng tại khu vực nhà máy, nhà xưởng phải được tắt lúc nghỉ trưa trong thời gian dài và kết thúc ca làm việc. Lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt độ để cảnh báo nếu nhiệt độ trên hoặc dưới mức nhiệt độ quy định. Lập quy định điều chỉnh nhiệt độ theo từng khung thời gian: thiết lập nhiệt độ thấp hơn vào buổi trưa, nhiệt độ cao hơn vào buổi sáng và chiều. Tắt bớt thiết bị điều hòa vào buổi tối và mùa đông. Có thể tận dụng quạt gió để làm mát, giảm được nhu cầu làm lạnh do điều hòa để tiết kiệm điện.

Tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất

Với mục tiêu tối ưu hóa sản xuất ở một số công đoạn để tiết kiệm điện năng, các chuyên gia khuyến nghị nên hạn chế vận hành các máy móc, thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn của xưởng vào giờ cao điểm. Việc sắp xếp thời gian sản xuất vào những thời điểm hợp lý, tránh vào những giờ cao điểm, tập trung vào giờ thấp điểm nhằm giảm tải lượng điện năng cần dùng. Bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ công suất điện lớn, không để các thiết bị điện hoạt động không tải. Đồng thời, doanh nghiệp cần chuẩn bị các nguồn điện dự phòng để đáp ứng nhu cầu sản xuất khi xảy ra thiếu điện…       

Hệ thống điện của khu vực nhà máy, nhà xưởng cần được kiểm tra thường xuyên như: hệ thống dây dẫn, công tắc, cầu dao, điểm tiếp xúc có bị nóng do chập chạm, rò rỉ điện, kiểm tra nối đất để giảm thất thoát điện. Sử dụng các thiết bị, máy móc tiết kiệm điện, nhất là hệ thống chiếu sáng, điều hòa, máy lạnh, đảm bảo sử dụng phù hợp với điều kiện thời tiết và môi trường làm việc. Lắp đặt biến tần cho các động cơ công suất lớn, góp phần tăng tuổi thọ của động cơ, đảm bảo an toàn, tiện lợi và thuận tiện cho việc bảo dưỡng; đặc biệt sẽ tiết kiệm điện năng ở mức tối đa trong quá trình khởi động và vận hành các loại máy móc.

Đối với các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, cần đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện, từ đó sẽ giảm đáng kể lượng điện năng cần tiêu thụ…

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, các đơn vị cần nâng cao công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện năng đến từng cán bộ nhân viên thực hiện việc tiết kiệm điện. Mỗi một cán bộ nhân viên nên nêu cao tinh thần thực hiện tiết kiêm điện tại cơ quan và gia đình. Việc thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm điện tại nhà máy và nhà xưởng sẽ góp phần không nhỏ trong việc giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất đồng thời góp phần đảm bảo cung cấp nguồn điện ổn định phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo những cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005165
Views Today : 195
Views This Month : 3655
Views This Year : 11563
Total views : 72103
Language
Skip to content