Để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn khắt khe do các thị trường nhập khẩu đặt ra, xuất khẩu của Việt Nam cần đẩy mạnh liên kết theo hướng xanh.
Xuất khẩu xanh – xu thế tất yếu
Đây là nội dung được đưa ra tại Diễn đàn “Liên kết mạnh – Xuất khẩu xanh” do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 25/5.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những tháng đầu năm 2023, mặc dù thế giới ghi nhận 1 số dấu hiệu phục hồi tích cực so với năm 2022. Tuy nhiên, tại Việt Nam quý 1 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nhiều dự báo cho rằng khoảng quý IV, kinh tế sẽ có những tín hiệu tích cực, song thực tế các doanh nghiệp hiện nay vẫn rất khó khăn, thậm chí khó khăn hơn cả giai đoạn Covid-19 bùng phát do rất nhiều yếu tố, kể cả về đại dịch, cả về biến động địa chính trị.
Hiện nay nhiều ngành hàng ghi nhận mức sụt giảm 30 – 40% lượng đơn hàng. Điều này dẫ tới việc cắt giảm lao động tại các nhà máy, các doanh nghiệp. Đáng nói, thực trạng này đang diễn ra ở khá nhiều doanh nghiệp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn |
Những thị trường truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… có những tín hiệu khả quan. Song so với trước đây vẫn có những tác động nghiêm trọng đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Bên cạnh nhu cầu sụt giảm, những thị trường này ngày càng có yêu cầu cao về các yếu tố bền vững, cả về môi trường, xã hội, kinh tế trong toàn chuỗi cung ứng của sản phẩm. Điều này tạo nên thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá “Liên kết mạnh – xuất khẩu xanh là chủ đề trúng trong bối cảnh Việt Nam cần tăng trưởng xuất khẩu. “Trong giai đoạn khó khăn nhất hiện nay thì rất cần phải liên kết. Song liên kết để xuất khẩu mặt hàng nào, xuất khẩu như thế nào? Đây là vấn đề chúng ta cần thảo luận và làm rõ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị các chuyên gia, nhà kinh tế cần đánh giá phân tích để xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết TP. Hồ Chí Minh đã và đang tiếp tục ban hành nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ tích cực hơn, cùng với cộng đồng doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo giúp phục hồi, tăng trưởng kinh tế. |
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã tham gia ký kết và có hiệu lực, việc tuân thủ luật chơi mới về thương mại, đầu tư, đáp ứng quy định về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường không chỉ là trách nhiệm trong thực thi các hiệp định mà còn giúp hàng hóa của nước ta rộng đường xuất khẩu và hưởng những ưu đãi về thuế của quốc gia nhập khẩu với các điểm cộng thể hiện tính “có trách nhiệm” như sản xuất “xanh”, “bền vững”, “thân thiện với môi trường”.
“Trước sức ép của tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cùng với những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không theo kịp thì chúng ta sẽ tụt hậu và bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Theo ông Võ Văn Hoan, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định Đông Nam bộ là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế với 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước vào năm 2020, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh, tỉ trọng khu vực dịch vụ tăng cao; tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt mức cao nhất cả nước.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, Nghị quyết cũng chỉ ra Đông Nam bộ cần thẳng thắn nhìn nhận tính liên kết vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Khi chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng, để các chương trình, hoạt động liên kết của các địa phương đủ mạnh và đi vào thực chất.
“Do đó, diễn đàn hôm nay sẽ tập trung thảo luận và đưa ra những giải pháp thúc đẩy liên kết thương mại, dịch vụ; đề xuất chiến lược phát triển kinh tế vùng từ chuỗi sản xuất, thương mại – dịch vụ trên cơ sở thế mạnh của từng địa phương để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Đặc biệt liên kết vùng cần làm gì để hướng tới xuất khẩu xanh, phù hợp với định hướng của Trung ương về phát triển bền vững cũng như đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới”, ông võ Văn Hoan đề nghị.
Liên kết đầu tư sản xuất sản phẩm xanh
Ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là trung tâm nghiên cứu của Việt Nam, do đó thành phố cần chủ động vai trò dẫn dắt và liên kết vùng trong chiến lược chuyển đổi xanh về nghiên cứu mô hình chuyển đổi xanh cho từng ngành. Đồng thời hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ xanh như LEED, cập nhật chương trình đào tạo… Đặc biệt công tác nghiên cứu về cơ chế CBAM, tín chỉ carbon để tạo lợi thế cạnh tranh cho xuất khẩu với các thị trường trọng điểm như EU, Nhật, Mỹ…
Việc đẩy mạnh liên kết vùng giúp các doanh nghiệp, địa phương khai thác lợi thế của cả vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế |
Đồng quan điểm, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài bổ sung, nếu như trước đây Việt Nam chỉ thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt may, da giày thì giờ đây chúng ta đang chú trọng thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, có tới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh đến từ khu công nghệ cao. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang dần thay thế các doanh nghiệp FDI trong việc cung ứng nguyên liệu sản xuất trong nước.
Thực tế ngành công nghiệp chế biến chế tạo luôn chiếm khoảng 60% tổng vốn đăng ký hàng năm, trong đó công nghiệp điện tử, bán dẫn ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Nếu năm 2000 xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp điện tử, bán dẫn chỉ 2 tỷ USD thì đến nay con số này đã đạt hơn 100 tỷ USD. Hiện nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam. Điển hình như, Tập đoàn Lego đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em có vốn đầu tư 1 tỷ USSD tại Bình Dương. Hay Tập đoàn Intel xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất Tập đoàn với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, dự định liên kết với các công ty bán dẫn để sản xuất thêm nhiều sản phẩm trong những năm tới tại Việt Nam.
Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, để đẩy mạnh liên kết hướng đến xuất khẩu xanh, các địa phương doanh nghiệp cần hợp tác đầu tư về tăng trưởng xanh và kinh tế số.
Điển hình như tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì TP. Hồ Chí Minh với lợi thế vượt trội về công nghệ, nhân lực chất lượng cao, hạ tầng kinh tế- xã hội, hội nhập với khu vực và thế giới, có tiềm năng to lớn chuyển dịch mô hình tăng trưởng xanh và bền vững, là đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như cả nước.
Trong khi đó, các địa phương còn lại trong vùng đang dẫn đầu về đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ, trong đó có xây dựng khu công nghiệp sinh thái, khu đô thị – công nghiệp, dịch vụ sinh thái. Vậy thì các địa phương này cần liên kết lại với nhau để khai thác tối đa nguồn lực.
“Vấn đề quan trọng là phân công và hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư, thương mại, du lịch, dịch vụ giữa các địa phương để khai thác lợi thế của cả vùng; liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm khác để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về đầu tư trong nước và FDI để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, dẫn tới liên kết vùng không bền vững. Điều này được thể hiện qua việc thu hút nguồn lực của các địa phương, người lao động đổ dồn về những đô thị trung tâm, quá sức chịu đựng, một số khu vực không còn động lực phát triển”, GS.TSKH Nguyễn mại cho hay.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/hoat-dong/hoat-dong-cua-lanh-dao-bo/day-manh-lien-ket-huong-den-xuat-khau-xanh.html