Dòng điện đánh thức tiềm năng

Được sự quan tâm của các bộ, ngành trung ương và sự nỗ lực vượt khó vươn lên của ngành Điện, từ một địa phương với hạ tầng yếu kém, đến nay, mạng lưới điện quốc gia được phủ khắp đã góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.


Gian nan kéo điện về vùng cao Na Rì

Năm 1997, Công ty Điện lực Bắc Kạn được thành lập ngay sau khi tỉnh Bắc Kạn được tái lập. Khởi đầu gian nan với hệ thống kết cấu hạ tầng cũ nát, khi đó, lưới điện trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 trạm biến áp 110 kV; 34 trạm biến áp phân phối 35/0,4 kV, với 82,2 km đường dây 110 kV và 210 km đường dây từ 10 – 35 kV, cung cấp điện cho toàn bộ thị xã Bắc Kạn.

Các huyện Ngân Sơn, Ba Bể phải dùng điện từ lưới điện tỉnh Cao Bằng kéo về; Na Rì, Chợ Đồn lấy điện từ Thái Nguyên lên, trong khi huyện Chợ Mới (sau này được tách ra từ huyện Bạch Thông) vẫn chưa có điện. Số hộ dân dùng điện chỉ có 4% dân số ở 12/122 xã, phường, thị trấn. Trong khi hầu hết lưới điện đều cũ nát, hư hỏng, tỷ lệ tổn thất điện năng ở mức rất cao, chiếm 27%…

Thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, năm 2001, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Công ty Điện Lực Bắc Kạn tập trung phát triển lưới điện về vùng sâu, vùng xa, đồng thời tiến hành đầu tư, sửa chữa chống quá tải lưới điện khu vực trung tâm. Ngoài ra, tỉnh còn được đầu tư từ Chương trình 135 của Chính phủ, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để đầu tư nguồn điện đến các thôn, bản.

Hành trình vượt núi, băng rừng mang điện đến các hộ gia đình khó khăn nơi vùng sâu, vùng xa đã được ngành Điện Bắc Kạn quyết tâm thực hiện. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, Công ty Điện lực Bắc Kạn luôn trách nhiệm, nỗ lực thực hiện thành công nhiều dự án đưa điện về nông thôn, miền núi. Dòng điện đã đánh thức tiềm năng của các địa phương, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Việc phủ kín lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh là một sự nỗ lực lớn của đội ngũ cán bộ công nhân viên ngành Điện. Những địa danh như Áng Hin, Lủng Vai (xã Côn Minh, huyện Na Rì); Nà Ản, Lủng Cà, Cốc Tém (xã Kim Hỷ, huyện Na Rì); Khuổi Kẹn, Kéo Nàng (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn); Khuổi Luông, Củm Nhá, Phia Khao (xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn); Khau Qua, Đán Mẩy, Nà Phại, Nặm Dài (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể)… trước đây gần như biệt lập, đi liền với đói nghèo, thiếu thốn thì từ năm 2017, 2018, khi dòng điện lưới quốc gia được kéo về thôn đã mang đến đời sống ấm no cho người dân.

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn được cấp điện chủ yếu từ lưới điện quốc gia và 5 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ phát lên lưới điện trung áp, cấp điện áp 35kV với tổng công suất lắp máy là 21,6MW. Điện lưới quốc gia đã được kéo đến 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng số 78.820 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 97,68%. Toàn bộ lưới điện nông thôn hiện đã được ngành Điện tiếp nhận quản lý và bán điện trực tiếp đến các hộ dân.


Công nhân Điện lực Chợ Đồn kiểm tra thiết bị điện tại trạm biến áp

Trước đây, không có điện, đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa muốn biết thông tin chính trị, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất cũng khó tiếp cận, thông tin về văn hóa, giáo dục cũng khó khăn, đó cũng là nguyên nhân tỷ lệ đói nghèo ở thôn bản còn cao. Từ khi có điện đã xua đi cảnh tối tăm, người dân hăng hái chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Điện về không chỉ mang theo ánh sáng văn hóa, các thông tin thời sự được cập nhật tốt hơn mà người dân còn có thể thay đổi tập quán sản xuất. Không những thế, điện còn giải phóng một phần sức lao động, nhiều hộ gia đình kinh doanh dịch vụ máy xay xát, xưởng chế biến gỗ, máy tẽ hạt ngô… đã khá lên nhờ điện. Cũng từ ngày có điện, có hộ đã mua tủ bảo lạnh về để bảo quản thức ăn. Nhiều gia đình mua được các thiết bị điện tử, đồ dung sinh hoạt gia đình… nhờ đó, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Nhiều bà con đã thực sự thoát nghèo. Nhiều mô hình kinh tế được hưởng lợi từ điện, đem lại hiệu quả cao cho các hộ dân.


Nhờ có điện, Bắc Kạn đã khai thác tốt tiềm năng về gỗ rừng trồng
(Ảnh: Chế biến gỗ tại xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới)

Từ chương trình hiện đại hóa lưới điện nông thôn, nguồn điện ổn định, chất lượng, an toàn, người dân nông thôn có điều kiện áp dụng thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất phát triển, đồng thời mở rộng ngành nghề kinh doanh dịch vụ, tiến tới xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Điện góp phần giúp các địa phương phát huy những tiềm năng, thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp người dân có thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập. Nếu như trước đây, sản phẩm của tỉnh chủ yếu mang tính tự cung tự cấp thì nay, nhiều nông sản của các địa phương đã được các địa phương trong nước biết đến, tiêu thụ với tỷ trọng cao như chè, cam, quýt, bí xanh thơm… Cũng nhờ có điện, nhiều sản phẩm đã được các hợp tác xã, cơ sở sản xuất mở rộng kinh doanh với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu như miến dong, rượu… không những làm giàu cho địa phương mà còn đóng góp cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Những thành quả trên là cơ sở để Công ty Điện lực Bắc Kạn tiếp tục phấn đấu đưa tỷ lệ người dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98,5% vào năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn nhiệm kỳ 2020 – 2025, đóng góp một phần quan trọng cùng tỉnh thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững quốc phòng – an ninh trong giai đoạn tới./.

Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/dong-dien-danh-thuc-tiem-nang-293e.aspx




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 186
Views This Month : 3849
Views This Year : 11757
Total views : 72297
Language
Skip to content