Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Sáng ngày 27/4, tại TP. Nam Định, Cục Công Thương địa phương đã tổ chức Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN). Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đại diện Cục Công nghiệp, Vụ Tài chính – Kế hoạch, các Cục, Vụ có liên quan trực thuộc Bộ Công Thương và đại diện các Sở Công Thương Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nam…

Nhiều nội dung được tiếp thu và chỉnh sửa

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, Hội nghị ngày hôm nay có 2 mệnh đề lớn: Rà soát công tác xây dựng nghị định về quản lý, phát triển CCN; quan trọng hơn là bàn thảo, tìm hướng xây dựng hành lang pháp lý thống nhất trong quản lý và phát triển CCN.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tương tự tại khu vực phía Nam và Hội nghị ngày hôm nay với nội dung xuyên suốt là tổng kết công tác xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68), Nghị định số 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và pháp luật liên quan (Nghị định 66).

Với nội dung này, Bộ Công Thương đã tổng kết và lấy ý kiến các địa phương, chủ thể liên quan. Tại Hội nghị này, Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến đóng góp và xét trên những vướng mắc từ thực tiễn để xây dựng khung khổ pháp lý đơn giản nhất nhưng quản lý khoa học nhất cho CCN”- Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó Cục trưởng Cục công Thương địa phương đã báo cáo về xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Ông Thịnh cho biết, sau các hội nghị lấy ý kiến và đóng góp của các địa phương, Bộ ngành liên quan Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN (Dự thảo Nghị định) đã tiếp thu và chỉnh sửa.

Chẳng hạn, với một số nội dung các địa phương quan tâm, góp ý: Về chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập/ mở rộng CCN, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, gồm 2 phương án. Phương án 1, tích hợp 3 nội dung (chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập/mở rộng CCN, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN trong 1 quy trình “Thành lập/mở rộng CCN”. Phương án 2, thực hiện 3 thủ tục riêng biệt: Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư (trường hợp có 1 nhà đầu tư) theo pháp luật về đầu tư; thủ tục lựa chọn chủ đầu tư (trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên) theo pháp luật đầu tư và pháp luật về đấu thầu ; thủ tục thành lập/mở rộng CCN.

Nội dung, thành lập/mở rộng CCN phải đáp ứng các điều kiện: Có trong danh mục các CCN trên địa bàn cấp tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, có quỹ đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn cấp huyện; có doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp lý, có năng lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đề nghị làm chủ đầu tư hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng phù hợp, được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

“Trong trường hợp địa bàn cấp huyện thành lập CCN thứ 3 trở lên thì tỷ lệ lấp đầy trung bình của các CCN đã thành lập đạt trên 50% hoặc tổng quỹ đất công nghiệp chưa cho thuê của các CCN nhỏ hơn 75 ha”– ông Nguyễn Văn Thịnh nói.

Về lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trong trường hợp có doanh nghiệp, hợp tác xã có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN, Dự thảo Nghị định quy định: Đối với CCN có doanh nghiệp, hợp tác xã có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng CCN đáp ứng quy định tại Nghị định này thì thực hiện lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như sau:

UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn chủ đầu tư để chấm điểm với thang điểm 100 cho các tiêu chí: Phương án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 15 điểm); phương án quản lý, bảo vệ môi trường CCN (tối đa 15 điểm); năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (tối đa 40 điểm).

Doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm từ 50 trở lên được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại Quyết định thành lập, mở rộng CCN (trường hợp có từ hai doanh nghiệp, hợp tác xã trở lên cùng đề nghị làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thì giao doanh nghiệp, hợp tác xã có số điểm cao nhất).

Những góp ý từ địa phương

Tại hội nghị, ông Trần Anh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định cho hay: Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần bảo tồn nghề truyền thống và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội. Các làng nghề phần lớn nằm trong khu dân cư gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống của người dân. Để giải quyết, UBND tỉnh Nam Định đang thực hiện di dời các cơ sở sản xuất vào CCN và thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư ngoài khu, CCN ngoài các dự án trọng điểm.

Ông Trần Anh Dũng- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định – phát biểu

UBND tỉnh Nam Định cũng đã bổ sung Quy hoạch CCN trên địa bàn tỉnh gồm 59 CCN, tổng diện tích đến năm 2025 khoảng 1.800 ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 26 CCN thành lập, trong đó 19 CCN thành lập trước khi Chính phủ ban hành quyết định số 105 ngày 19/8/2007 và 7 CCN được thành lập theo Nghị định số 66, Nghị định 68 của Chính phủ; 22 CCN đã đi vào hoạt động với diện tích gần 400ha, thu hút 550 đầu tư thứ cấp, vốn thực hiện trên 5.000 tỷ đồng, 7.000 tỷ đồng vốn đăng ký, tỷ lệ lấp đầy 90%.

Việc hình thành các khu, CCN từng bước giúp địa phương thực hiện định hướng “ly nông, bất ly hương”, góp phần phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động trên địa bàn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Dũng, việc triển khai công tác quản lý, phát triển CCN theo Nghị định 66, Nghị định 68 đang gặp một số khó khăn. Từ những thực tiễn địa phương, ông Trần Anh Dũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát hệ thống các văn bản pháp luật liên quan đến CCN như Luật đầu tư, Luật xây dựng, Luật đất đai… để thống nhất trong quản lý phát triển CCN. Nghiên cứu điều kiện mở rộng CCN và nâng tổng quỹ đất chưa cho thuê lên 100ha thay vì 50ha như hiện nay nhằm hỗ trợ cho địa phương số lượng CCN đáp ứng nhu cầu phát triển. Quy định rõ cơ chế chuyển giao hạ tầng CCN do đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước làm chủ đầu tư, việc huy đọng vốn để đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN cho doanh nghiệp quản lý, thu hút đầu tư.

Tại hội nghị, đại diện các Sở Công Thương Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thái Nguyên… cũng phản ánh hiện trạng quản lý, phát triển CCN, đồng thời đưa ra những góp ý cụ thể cho Dự thảo Nghị định.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân- nhấn mạnh, qua đóng góp ý kiến từ các địa phương có thể khẳng định Nghị định 68, Nghị đinh 66 có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, hai nghị định này vẫn bộc lộc một số hạn chế, vì vậy trong dự thảo nghị định này sẽ phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế và tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý và chủ đầu tư, nhà đầu tư có dự án trong CCN. Điều này sẽ được thể hiện qua việc rút gọn thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến chủ trương đầu tư. “Nhiều địa phương đã linh hoạt thực hiện nhưng vẫn cần quy định rõ ràng để tạo sự minh bạch, thuận lợi”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề đất đai, theo Thứ trưởng, cần cẩn trọng rà soát kỹ về đất đai khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Dự thảo Nghị định phân cấp phân quyền mạnh cho các địa phương nhưng việc chuyển đổi phải tuân thủ Luật Đất đai, đồng thời khai thác một cách hiệu quả việc sử dụng đất.

Về những phản ánh của các địa phương với điều kiện thành lập, quy mô CCN, Dự thảo Nghị định đã mở ra khá thông thoáng và tạo điều kiện cho địa phương. Trong điều kiện cần thiết có thể linh hoạt với chủ đầu tư.

Câu chuyện xác định tài sản công ra sao và chuyển đổi như thế nào, Bộ Công Thương sẽ có bàn thảo với Bộ Tài chính để đưa ra các quy định chi tiết và cụ thể nhất” – Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh và cho biết thêm, những nội dung khác ban tổ chức sẽ tiếp thu, rà soát, tổng hợp và hoàn thiện Dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất để trình các cấp có thẩm quyền.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 92
Views This Month : 2608
Views This Year : 10516
Total views : 71056
Language
Skip to content