Với mục tiêu quyết tâm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao điểm số và thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh; đẩy mạnh phát triển số lượng doanh nghiệp thành lập mới, nâng cao chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân, qua đó, góp phần nâng cao quy mô nền kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tiếp theo. Nâng cao nhận thức và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, gắn với xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương liên quan trực tiếp đến chỉ số PCI.
Phấn đấu năm 2023, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh Bắc Kạn tăng ít nhất 01 bậc, cải thiện, nâng cao toàn diện điểm số của các chỉ số thành phần. Trong đó: Nhóm các chỉ số cần tập trung, khắc phục, cải thiện do bị giảm điểm trong năm 2022 gồm 03 chỉ số: Tiếp cận đất đai, Cạnh tranh bình đẳng, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nhóm các chỉ số cần duy trì và nâng cao gồm 07 chỉ số: Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý.
Một số giải pháp cụ thể như sau:
- Cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định số 594/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế liên quan đến lĩnh vực đơn vị mình phụ trách; Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thân thiện, thông thoáng và minh bạch cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động kinh doanh.
- Người đứng đầu cơ quan, ban, ngành, địa phương thường xuyên phổ biến quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức… hiểu và nắm rõ những hạn chế để nỗ lực, quyết tâm, chung tay nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện 10 chỉ số PCI, coi việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng trong thực thi công vụ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ được giao, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.
- Quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính công ích; ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nâng cao tính minh bạch thông tin.
- Quyết liệt xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, giải phóng mặt bằng…để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
- Tăng cường gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp các cấp từ tỉnh đến cơ sở, để kịp thời hỗ trợ, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu đề xuất phương án cơ cấu tổ chức bộ máy của Trung tâm xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh trong thời gian tới.
- Xem xét đề xuất lựa chọn đơn vị tư vấn để hỗ trợ phân tích, tư vấn và đưa ra các giải pháp hiệu quả cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI.
- Tiếp tục nâng cao và phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh nhằm kết nối, chia sẻ và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đại diện và tăng cường quyền lợi cho các hội viên của mình, làm cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với UBND tỉnh và quan hệ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh về chính sách có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.
Trong đó mục tiêu giao cho Sở Công Thương: (1). Chất lượng cung cấp thông tin liên quan đến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của các CQNN địa phương đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp từ 24% năm 2022 lên trên 30% năm 2023. (2). Vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) được CQNN địa phương giải đáp hiệu quả (%) từ 45% năm 2022 lên trên 50% năm 2023. (3). Tỷ lệ doanh nghiệp có biết đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTAs từ 8% năm 2022 lên trên 30% năm 2023. (4). Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTAs là thuận lợi (%) từ 20% năm 2022 lên trên 30% năm 2023.
Theo đó, Sở Công Thương chủ trì tham mưu cho UBND tỉnh triển khai có hiệu quả công tác Hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về Hội nhập kinh tế quốc tế; về nội dung và các cam kết của các FTAs; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân về các yêu cầu kỹ thuật, quy định, thực tiễn về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và phòng vệ thương mại của các nước đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do;…để kịp thời giải đáp các vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các hiệp định thương mại tự do của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Chủ trì, tham mưu UBND tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Hội nhập kinh tế quốc tế trên địa bàn tỉnh./.
Sở Công Thương