Kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Viêt Nam trong thời gian vừa qua

Bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, khi gia nhập chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp, chính điều này đã tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia vào lĩnh vực bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên trong giai đoạn ban đầu đó, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển, mọc lên đầy rẫy trên thị trường. Rất nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn từ trước 2016 đã khiến dư luận rúng động khi gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai rất nhiều các biện pháp quản lý để xử lý triệt để các vấn đề còn tồn tại của ngành bán hàng đa cấp. Nâng cao hiệu quả toàn diện công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

– Thứ nhất, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, đóng vai trò then chốt trong quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn này, bao gồm:

Nổi bật trong đó là Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thay thế cho Nghị định số 42/2014/NĐ-CP, qua đó thắt chặt hơn nữa các điều kiện hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, phân cấp sâu hơn cho các địa phương, quy định trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Về chế tài hành chính, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Trong đó, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động bán hàng đa cấp đã được quy về một văn bản, đảm bảo thuận lợi cho các cơ quan quản lý trong công tác xử lý vi phạm.

Về chế tài hình sự, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Điều 217a Bộ luật hình sự, quy định một tội danh riêng về vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đây là cơ sở quan trọng để phát hiện và xử lý sớm tội phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, không cần phải đợi đến khi có đơn tố cáo mới có thể xử lý theo tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

– Thứ hai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các khiếu nại trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Với sự hoàn thiện của hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đã vào cuộc lập lại trật tự cho thị trường bán hàng đa cấp, mà việc đầu tiên đó là tăng cường công tác điều hành, quản lý có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa ngành Công Thương và các Bộ, Ban, ngành liên quan, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 65 đoàn thanh tra, kiểm tra có thành viên là đại diện Bộ Công an, Bộ Y tế, cơ quan thuế địa phương, xử phạt số tiền hơn 13 tỷ đồng và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 24 doanh nghiệp.

Các đơn từ khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp có xu hướng giảm mạnh. Nếu như năm 2016, số lượng đơn khiếu nại tố cáo các doanh nghiệp đa cấp lên đến hơn 1000 đơn thư thì con số này đã giảm đáng kể, năm 2017 có hơn 700 đơn thư, năm 2018 hơn 300 đơn thư và 10 tháng năm 2019 chỉ có chưa đến 100 đơn thư. Đến năm 2020, chỉ có 79 lượt khiếu nại, đơn kiến nghị, đơn tố cáo… liên quan đến người tham gia bán hàng đa cấp, một số đơn có nhiều người đứng tên.

– Thứ ba, triển khai tích cực và hiệu quả các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp

Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã đạt được hiệu quả đáng kể. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến được thực hiện thường xuyên, đa dạng về phương thức thực hiện để thông tin đến được đông đảo người dân (đăng tải trên website của Bộ Công Thương, tuyên truyền qua các kênh truyền thanh, truyền hình quốc gia, các diễn đàn báo chí dưới dạng Talkshow hay đối thoại trực tuyến, tổ chức các buổi tọa đàm để tuyên truyền cho đối tượng là sinh viên…), phát triển và vận hành ứng dụng điện thoại iMLM nhằm tối ưu hóa cách truyền tải thông tin tới người dân về hoạt động bán hàng đa cấp. Đến nay người dân đã có nhận thức tốt hơn về các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính và có ý thức phòng tránh cao hơn, qua đó cũng giảm thiểu thiệt hại từ các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

Chính phủ, Bộ Công Thương cũng ban hành các Chỉ thị, Đề án nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Tiếp sau thành công của Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2018 – 2020, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 (kèm theo Quyết định 2837/QĐ-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương) để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan, cơ quan truyền thông cùng tham gia, phối hợp hành động nâng cao hiệu quả quản lý pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, các địa phương cũng đã ban hành Đề án ở cấp địa phương để thực hiện các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật bán hàng đa cấp trên phạm vi địa bàn, đặc biệt là biện pháp tuyên truyền, phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép tại địa phương.

Ngành bán hàng đa cấp tăng trưởng theo hướng hiệu quả hơn

Với sự vào cuộc đồng loạt và quyết liện của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, đến nay có thể nói hoạt động bán hàng đa cấp đã và đang từng bước ổn định, không còn các vụ việc có hậu quả nghiêm trọng, doanh thu ngành tăng đều và các doanh nghiệp đã có những đóng góp nhất định vào ngân sách của Nhà nước. Kết quả hoạt động bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2015 – 2020 được thể hiện qua các con số sau:

Trong giai đoạn 2015-2020, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam có xu hướng giảm mạnh từ 67 doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm 2015 xuống chỉ còn 22 doanh nghiệp vào cuối năm 2020. Mặc dù có những doanh nghiệp được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tuy nhiên, số doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp vẫn nhiều hơn, dẫn đến số lượng doanh nghiệp bị giảm rõ rệt.

Có những rào cản về mặt pháp lý đối với việc gia nhập và phát triển trên thị trường kinh doanh đa cấp tại Việt Nam, nhưng đó là những rào cản cần thiết, giúp thanh lọc thị trường. Những rào cản này mặc dù làm tăng chi phí tuân thủ của những doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhưng cũng tạo một sân chơi bình đẳng, đúng nghĩa cho họ phát triển.

Có thể thấy mặc dù số lượng doanh nghiệp giảm rõ rệt tuy nhiên doanh thu của ngành lại có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu thống kê về doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 16%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019).

Theo thống kê về hoạt động của ngành trong giai đoạn 2015 – 2020, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp mỗi năm ở mức trung bình khoảng 800.000 người, năm 2018 ghi nhận số lượng người tham gia cao nhất ở mức gần 1 triệu 250 ngàn người.

Cũng theo báo cáo từ các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong giai đoạn 2018-2020, trong số người tham gia bán hàng đa cấp thì thực chất trung bình khoảng 60% là những người có nhận hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế từ hoạt động bán hàng đa cấp. Số lượng người còn lại đăng ký trở thành người bán hàng đa cấp để được mua sản phẩm với giá ưu đãi dành cho nhà phân phối của doanh nghiệp. Thực tế này cho thấy hoạt động của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hiện nay cũng đã hướng dần tới việc phân phối và lưu thông hàng hóa, không phải là hoạt động đầu tư như trước đây.

Cùng với đó, xu hướng tăng trưởng mức hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chi trả cho người tham gia bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 tương đồng với xu hướng tăng trưởng cùng với doanh thu. Theo đó, những người tham gia có thu nhập từ hoạt động bán hàng đa cấp có xu hướng tăng và có thể coi đây là một công việc nghiêm túc và tuân thủ pháp luật của ngành.

Tỷ lệ nghịch giữa tăng trưởng doanh thu bán hàng đa cấp và biến động số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên thị trường đã phần nào phản ánh được sự phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực kinh doanh đa cấp tại Việt Nam trong giai đoạn 2015 – 2020 vừa qua.

Đồng thời mức đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2015-2020, với tốc độ gia tăng bình quân 29%.

Có thể thấy đây là một tín hiệu đáng mừng cho thấy kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong thời gian gần đây đã bắt đầu gặt hái lợi nhuận ngày càng nhiều hơn. Hơn thế nữa, xu hướng này cũng phản ánh vai trò, trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đang ngày càng tăng lên.

Tăng cường cảnh báo và phối hợp để xử lý đối với các hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép

Trong giai đoạn gần đây, với việc các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp được cấp Giấy chứng nhận theo quy định (hiện nay là 22 doanh nghiệp) bị kiểm soát chặt chẽ, các hình thức biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi để lừa đảo có xu hướng gia tăng rất nhanh, phức tạp và đa dạng về hình thức hoạt động: từ kêu gọi đầu tư thông qua việc mua cổ phần, mua phân quyền kinh doanh, rồi huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, quyền chọn nhị phân, đầu tư dự án vùng nguyên liệu… đến những hình thức lợi dụng thương mại điện tử như mua sắm hoàn tiền, mạng xã hội, bán khóa học online…

Hầu hết các vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp không phép khi phát hiện đều thuộc quy mô xử lý hình sự (thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại 500 triệu đồng trở lên; quy mô mạng lưới 100 người trở lên theo quy định của Điều 217a của Bộ Luật Hình sự). Nhóm đối tượng kinh doanh đa cấp không phép này tiểm ẩn nhiều nguy cơ cho xã hội, thậm chí có dấu hiệu vi phạm nhiều các quy định khác nhau, do đó việc xử lý các đối tượng này cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ phía cơ quan liên quan khác trong đó đặc biệt là cơ quan cảnh sát điều tra để thâm nhập hệ thống và thu thập thông tin.

Trong giai đoạn vừa qua, nhằm đấu tranh với loại hình tội phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép, Bộ Công Thương đã chủ động thu thập thông tin và đăng tin cảnh báo để nâng cao nhận thức cho người dân về những biểu hiện kinh doanh đa cấp biến tướng như: sàn thương mại điện tử huy động vốn (Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io…); sản phẩm công nghệ (OWIFI); Ứng dụng mua sắm hoàn tiền (Cashback); Đầu tư ngoại hối và quyền chọn nhị phân (Forex và BO)… và cảnh báo người dân về những rủi ro khi tham gia vào các hoạt động này.

Đến nay, Bộ Công Thương đã chuyển cơ quan công an để theo dõi và xử lý theo thẩm quyền, cung cấp thông tin trên cơ sở yêu cầu của các cơ quan công an để đánh giá mô hình kinh doanh của những trường hợp có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (trên 30 trường hợp từ 2019 đến nay).

Tháng 8 năm 2020 vừa qua, trên cơ sở phối hợp và trao đổi thông tin, tài liệu với Bộ Công Thương, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hoạt động Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime) với Tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Điểm d Khoản 1 về Lừa đảo trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp).

Tóm lại, công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được thực hiện thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến các địa phương, có sự phối hợp của nhiều bộ ngành liên quan như Công Thương, Công an, Y tế, Thông tin truyền thông… Hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam đã được quản lý và giám sát hiệu quả hơn, bước đầu mang lại những giá trị và được xã hội công nhận.

Dù vậy, thị trường bán hàng đa cấp vẫn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong quản lý, khi mà các đối tượng ngày càng có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số… Sự biến tướng của các tổ chức núp bóng đa cấp này là hoạt động không phép nên không được quản lý theo các quy định pháp luật chuyên ngành hiện nay, đòi hỏi sự phối hợp thực sự chặt chẽ của các cơ quan quản lý.

Trong khi đó, người dân tham gia vào hoạt động của các đơn vị trái phép này thường không thông tin cho cơ quan quản lý ngay từ ban đầu mà chỉ khi hệ thống sụp đổ, thiệt hại về tài sản thì mới trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền.

Để duy trì trật tự ổn định của hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện 3 nhóm giải pháp tổng thể.

– Tiếp tục duy trì các hoạt động quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua: (i) hoàn thiện hành lang pháp lý, khuôn khổ pháp luật; (ii) kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; (iii) tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân.

– Nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp ở địa phương, giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa bản chất hoạt động truyền miệng, không có địa điểm cố định của hoạt động bán hàng đa cấp với khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương khi doanh nghiệp không có địa điểm hoạt động cố định.

– Tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tượng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh trước các hoạt động này.

Nguồn: Phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh – Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 21
Views This Month : 3684
Views This Year : 11592
Total views : 72132
Language
Skip to content