Kết quả hoạt động công nghiệp – Thương mại tháng 01 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Tháng 01/2021 là thời điểm cận Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, hoạt động công nghiệp ổn định, các doanh nghiệp, cơ sở đẩy mạnh sản xuất, bán sản phẩm nhằm có kinh phí trả lương cho người lao động trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2021, đặc biệt các sản phẩm công nghiệp thực phẩm trên địa bàn tỉnh như miến dong, rượu, bánh kẹo được các cơ sở tập trung, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ.

Hiện nay, tình hình thị trường Bắc Kạn diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng tiêu dùng ổn định so với cùng kỳ năm trước; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn đã chủ động chuẩn bị hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Dự báo thị trường một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như: Lương thực, thực phẩm và các sản phẩm phục vụ Tết, dự báo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2021 tăng 10-15% so với cùng kỳ năm 2020; lượng hàng hóa trên địa bàn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, UBND tỉnh Bắc Kạn ban hành Phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa và biện pháp bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Kết quả cụ thể như sau:

– Về Công nghiệp:

Chỉ số sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh tháng 01 năm 2021 so với tháng 12 năm 2020 ước tính tăng 3,52%. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 4,07%; Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,08%; Ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,34% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,29%.

So với tháng 01/2020: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp dự ước tăng cao với hai con số 28,98%. Trong đó: Ngành khai khoáng tăng 31,85%; Ngành chế biến, chế tạo tăng 26,97%; Ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 26,88% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 26,22%.

Giá trị sản xuất công nghiệp: Ước tính giá trị sản xuất công nghiệp tháng 01 năm 2021 (theo giá so sánh 2010) đạt 136.203 triệu đồng, tăng mạnh với 20,62% so với tháng cùng kỳ năm trước. Phân theo ngành kinh tế: Công nghiệp khai thác ước đạt 39.794 triệu đồng, tăng 15,94%; Công nghiệp chế biến ước đạt 86.892 triệu đồng, tăng 23,29%; Công nghiệp sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí ước đạt 5.668 triệu đồng, tăng 11,42%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải ước đạt 3.849 triệu đồng tăng 26,24% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất tháng 01 năm 2021 tỉ lệ tăng khá so với tháng trước ở mức 4,31% so tháng 12 năm 2020 và tăng cao ở mức hai con số là 20,62% so tháng cùng kỳ năm trước. Do tháng tháng 01 năm 2020 trùng với dịp Tết Nguyên đán các đơn vị sản xuất có thời gian nghỉ lễ dài ngày tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó tháng 01 năm 2021 là tháng cận tết nên các đơn vị, cơ sở sản xuất công nghiệp được đẩy mạnh thực hiện sản xuất các các đơn hàng, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến với mức tăng 26,97%. Vì vậy đã góp phần tác động lớn và chủ yếu đến tỉ lệ, giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp trong tháng.

Sản phẩm công nghiệp: Một số sản phẩm công nghiệp sản xuất chủ yếu trong 01 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước ước tính đạt như sau: Tinh quặng kẽm 2.031 tấn, tăng 5,35%; Quặng ôxít kẽm 1.670 tấn, tăng 13,76 %; Đá xây dựng 62.050 m3, tăng 2 lần; Quần áo may sẵn 115 nghìn cái, tăng 79,17%; Gỗ bóc các loại 1.710 m3, tăng 6,8 lần; Giấy bìa các loại 238 tấn, tăng 19,00%; Gạch các loại 8.300 nghìn viên, tăng 2,5 lần, Bê tông tươi 3.400m3, tăng 2,3lần; Điện thương phẩm phát ra 23,2 triệu kwh, tăng 16,00%; Nước máy sản xuất 332 nghìn m3, tăng 41,30%.

– Về Thương mại:

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 01/2021 ước đạt 441.510 triệu đồng, bằng 107,85% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có một số nhóm tăng khá cao như: nhóm lương thực, thực phẩm ước đạt 200.610 triệu đồng, tăng 22,53% so với cùng kỳ năm trước; gỗ và vật liệu xây dựng ước đạt 56.951 triệu đồng bằng 183,23% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên ngoài một số nhóm hàng có tỷ lệ tăng cao so với cùng kỳ có có những mặt hàng có doanh thu giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm trước như: nhóm phương tiện đi lại giảm 30,76%; nhóm đá quý kim loại và sản phẩm giảm 48,96%; nhóm xăng dầu các loại giảm 12,91% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ tiêu dùng khác tháng 01/2021 ước đạt 101.093 triệu đồng, tăng 12,54% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú ước đạt 6.876 triệu đồng, bằng 102,21% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ ăn uống ước đạt 65.381 triệu đồng, bằng 111,84% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 28.836 triệu đồng, tăng 17,01% so với cùng kỳ năm trước.

Trong dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhưng không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân đồng thời bảo vệ quyên lợi cho  người tiêu dùng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về an toàn thực phẩm. Luôn đảm bảo cho hàng hóa lưu thông, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết cổ truyền.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI): Chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh tháng 01 năm 2021 so với tháng trước tăng 0,72% trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, tăng 2,13%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,12%, tăng chủ yếu ở mặt hàng lương thực (tăng 3,29%). Các nhóm hàng khác giữ mức giá bằng hoặc tăng không đáng kể. Chỉ số giá bình quân 01tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ tăng 1,03%, trong đó nhóm hàng có mức tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 6,43%; nhóm có mức giảm mạnh nhất là nhóm giao thông giảm 10,15%, các nhóm hàng khác có chỉ số ổn định, hoặc dao động lên xuống nhẹ không đáng kể. Chỉ số giá vàng bình quân so cùng kỳ tăng 28,95%, chỉ số giá Đôla giảm 0,21%. So với tháng trước chỉ số giá vàng tăng 2,61%, giá Đôla giảm 0,19%.

Hoàng Huyền (Sở Công Thương)




Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005159
Views Today : 108
Views This Month : 2624
Views This Year : 10532
Total views : 71072
Language
Skip to content