Kết quả thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022

Một là, Quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên; phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp.

– Hiện trên địa bàn tỉnh có 05 nhà máy thủy điện nhỏ đã vận hành phát điện với tổng công suất 21,6MW gồm (Tà Làng 4,5MW; Nậm Cắt 3,2MW; Thượng Ân 2,4MW; Thác Giềng 1 5,5MW; Pác Cáp 6,0MW); sản lượng điện năm 2022 đạt trên 50triệu kWh, chiếm trên 20% sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh; 02 dự án đã cơ bản hoàn thiện các thủ tục đầu tư để chuẩn bị khởi công xây dựng (Thủy điện Khuổi Nộc công suất 6,6MW và Thủy điện Thác Giềng công suất 24,0MW) và 07 thủy điện đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất là 37,7 MW.

– Khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hoá thạch. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 773/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2022 về việc điều chỉnh, bổ sung Hợp phần II – Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV của Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 – 2025, có xét đến năm 2035; Thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách khách hàng sử dụng điện quan trọng thuộc diện ưu tiên cấp điện năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Để thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã Tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Công Thương xem xét bổ sung 10 Dự án nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với tổng công suất 1.340MW vào Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn tăng cường khuyến khích đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió, hiện nay UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch điện gió, với tổng công suất khoảng 125MW.

Hai là, Thúc đẩy sản xuất sạch hơn, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường

– Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 15 tháng 7 năm 2019 của Bộ Công Thương về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Công Thương; Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Kế hoạch số 785/KH-UBND ngày 28 tháng 12 năm 2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở Công Thương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường.

– Hỗ trợ 03 chợ xây dựng mô hình chợ bảo đảm An toàn thực phẩm (chợ Bộc Bố, huyện Pác Nặm; chợ thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông; chợ thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới).

Ba là,  Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất nhập khẩu bền vững

– Thúc đẩy phân phối và tiêu dùng bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xuất nhập khẩu bền vững: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước đạt 35 triệu USD (trong đó xuất khẩu ước đạt 23 triệu USD, nhập khẩu ước đạt 12 triệu USD), tăng 2,34% so với cùng kỳ và đạt 140% so với kế hoạch năm 2022. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: đũa gỗ, gỗ dán ép, kim loại chì thỏi thô,… Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Vener nguyên liệu, máy móc thiết bị, hợp kim chì atimon, chế phẩm hóa học, quặng chì nguyên khai,…. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu; tập trung đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế phục vụ xuất khẩu; củng cố, mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào thị trường các nước trong khối CPTPP, EVFTA và UKVFTA…; chủ động, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị hàng hoá toàn cầu nhằm tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.

Bốn là, Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phát triển thị trường, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững

Tiếp tục tuyên truyền phổ biến Kế hoạch 405/KH-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và Kế hoạch 336/KH-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc thông tin tuyên truyền về Chương trình hành động Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó chỉ đạo các cơ quan chức năng, các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia thông tin, tuyên truyền về Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững bằng các tin, bài, các ký sự, phóng sự chuyên đề, các chương trình phỏng vấn, tọa đàm, các thông điệp…Trên cơ sở định hướng tuyên truyền, các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Trong năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhất là những tháng đầu năm 2022 đã gây ra rất nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung và ngành thương mại dịch vụ nói riêng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường hàng hóa đã cơ bản sôi động trở lại như trước, các mặt hàng đa dạng mẫu mã chủng loại, chất lượng đảm bảo cung ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tính riêng trong quý IV năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 1.402 tỷ đồng, tăng 17,16% so cùng kỳ, một số nhóm hàng có mức doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ như nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 30,94%, gỗ và vật liệu xây dựng tăng 27,57%; hàng hoá khác tăng 48,55%. Bên cạnh đó có các nhóm hàng có mức giảm khá mạnh trong quý IV/2022 như nhóm hàng đá quý kim loại giảm 20,78% so với cùng kỳ; nhóm xăng, dầu các loại giảm 3,5% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước năm 2022 đạt 4.972 tỷ đồng, tăng 10,46% so với cùng kỳ năm trước, nhóm hàng hoá khác có mức tăng cao nhất tăng 22,23% so cùng kỳ; nhóm ngành vật phẩm văn hoá giáo dục tăng 15,30%; may mặc tăng 10,61%; Sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và các xe có động cơ khác tăng 10,83%. Tính riêng trong quý IV năm 2022 doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và dịch vụ khác ước đạt 397.522 triệu đồng, tăng 59,71% so với cùng kỳ; cộng dồn cả năm 2022 doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống du lịch lữ hành và dịch vụ khác ước đạt 1.259 tỷ đồng, tăng 36,08% so với cùng kỳ năm trước.

Năm là, Phát triển khoa học công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững

Hoạt động chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ trong sản xuất công nghiệp đã được các doanh nghiệp công nghiệp quan tâm, đầu tư xây dựng. Hiện nay, đơn vị đã làm chủ được công nghệ sản xuất, cũng như ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của địa phương, như: Sản xuất chì kim loại; cucurmin nghệ, gừng; miến dong riềng,… Tuy nhiên, năm 2022 chưa có dự án sản xuất công nghiệp nào được hỗ trợ từ ngân sách để đầu tư ứng dụng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.

– Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững: Việc hỗ trợ công nghiệp nông thôn từ nguồn kinh phí khuyến công được chú trọng và năm 2022 đã thực hiện hoàn thành 15/15 đề án, chương trình khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ 2.176,4 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và sản  phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm tỉnh Bắc Kạn năm 2022 tại huyện Ba Bể; tổ chức Tuần lễ giới thiệu Miến dong và các sản phẩm OCOP, sản phẩm bản địa tỉnh tại thành phố Hải Phòng; tổ chức 01 gian  hàng  của  tỉnh  tham gia trưng bày tại Hội chợ triển lãm tại nước Hy Lạp; Hỗ trợ HTX Tài Hoan, HTX nông nghiệp Tân Thành với tổng số 21 sản phẩm OCOP tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế alibaba.com, đồng thời 02 hợp tác xã này sẽ lựa chọn 50 sản phẩm tiêu biểu tham gia sàn thương mại  điện  tử sendo.vn; shopee.vn; xây dựng mô hình Điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Bắc Kạn tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể và xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam tại huyện Na Rì. Qua đó đã thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn, tiểu thủ công nghiệp của địa phương có tiềm năng, lợi thế. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức khảo sát, đánh giá các tiêu chí để xem xét thành lập một số làng nghề (Rượu men lá Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và Miến dong Côn Minh, huyện Na Rì).

Năm 2023, phấn đầu phát triển ngành công nghiệp: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) tăng trưởng trên 13%; Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) phấn đấu đạt 1.773,135 tỷ đồng. Tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

– Tiếp tục thực hiện Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 3529/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2020 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.

– Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò đánh giá các cấp trữ lượng năng lượng sơ cấp trên địa bàn; khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa nguồn năng lượng hoá thạch. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy phát điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn gắn với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.

– Tiếp tục phổ biến và nhân rộng mô hình về sản xuất sạch hơn; mô hình kinh tế tuần hoàn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng; phát triển cụm công nghiệp tập trung với hệ thống xử lý môi trường tập trung đồng bộ.

– Khuyến khích phát triển các mạng lưới liên kết bền vững giữa các cơ sở phân phối, bán lẻ với các nhà cung ứng về nguyên liệu, hàng hóa và sản phẩm thân thiện môi trường; thúc đẩy phân phối và tiêu dùng bền vững đối với sản phẩm thân thiện môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động xuất, nhập khẩu bền vững.

– Xây dựng và triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm được dán nhãn sinh thái trong các hội chợ đa ngành và chuyên ngành.

– Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững./.

                                                  Sở Công Thương


Chia sẻ :

BÀI VIẾT CÙNG CHUYÊN MỤC

Bài viết mới

View Counter

005166
Views Today : 217
Views This Month : 3880
Views This Year : 11788
Total views : 72328
Language
Skip to content