Tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng phát triển về sản xuất nông nghiệp và tài nguyên khoáng sản như chì, kẽm, sắt, vàng, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng, tài nguyên rừng… thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp khai thác, sản xuất, chế biến các sản phẩm hàng hóa công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có giá trị xuất khẩu cao; với mức độ che phủ rừng trên 70% và hàng năm trồng bổ sung hàng chục nghìn ha rừng, đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản phục vụ xuất khẩu.
Giai đoạn 2016 – 2020, trong bối cảnh nền kinh tế của nước ta tương đối ổn định; tăng trưởng kinh tế hàng năm đều đạt khá, chất lượng được nâng lên; cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Tuy nhiên, do tác động của bối cảnh kinh tế thế giới, tình hình chính trị phức tạp tại một số nước; nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và một số nguyên nhân khác đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta nói chung và xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Kạn nói riêng.
Nếu như giai đoạn 2011-2015 hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đạt thấp, đến giai đoạn 2016 – 2020 hoạt động xuất nhập khẩu đã có khởi sắc; số doanh nghiệp, HTX tham gia lĩnh vực xuất nhập khẩu tăng lên, khối lượng và kim ngạch xuất nhập khẩu có năm vượt kế hoạch đề ra. Các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo nghề, tiêu thụ sản phẩm… đã tác động tích cực đến phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh, làm thay đổi nhận thức, góp phần tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, khả năng xuất khẩu lớn; trọng tâm là các sản phẩm nông lâm sản, các sản phẩm từ công nghiệp chế biến sâu khoáng sản; tạo tiền đề cơ bản cho chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng tích cực, thuận lợi trong liên kết tạo ra chuỗi giá trị, khẳng định thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường, góp phần phát triển hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Hoạt động xuất nhập khẩu chưa thực ổn định và bền vững cả về thị trường xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu, hoạt động xuất khẩu còn khá phụ thuộc nhiều vào một số thị trường chính. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn gặp phải những khó khăn nhất định như: Khó tiếp cận nguồn vốn vay, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu nguyên liệu sản xuất, một số ít doanh nghiệp còn khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục truy xuất nguồn gốc xuất xứ…
Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thị trường xuất khẩu bị thu hẹp; giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất còn ở mức cao…, tác động đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Trên địa bàn tỉnh, kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm đã sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, một số ngành hàng xuất khẩu như gỗ và sản phẩm gỗ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng đã ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu… cũng tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu.
Để thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn xác định một số giải pháp chính như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là các nhà đầu tư từ các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam vào các ngành như: sản phẩm công nghệ cao; chế biến, chế tạo…
Hai là, phát triển đa dạng các mặt hàng phục vụ xuất khẩu. Tiếp tục đầu tư mở rộng các dự án phát triển vùng nguyên liệu và các dự án sản xuất hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Xác định cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Nhóm hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng cao với khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng nông sản chế biến chiếm 10%.
Đối với sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản: Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến lâm sản, gắn với vùng nguyên liệu, trọng tâm là chế biến gỗ rừng trồng. Đến năm 2025, duy trì, phát triển được 100.000 ha rừng trồng (trong đó, có 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC); Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến dong riềng, gừng, nghệ, dược liệu, chế biến sản phẩm từ rau, hoa quả. Phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây dong riềng là 800 – 1000 ha, sản phẩm miến thành phẩm đạt 4.800 tấn; diện tích cây ăn quả đạt 7.000 ha; diện tích chè các loại là 2.500 ha, đạt 12.000 tấn chè búp tươi; Tăng cường quản lý xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm rượu thủ công, thu hút đầu tư nhà máy sản xuất rượu quy mô công nghiệp; Xây dựng các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với hoạt động liên kết trong sản xuất.
Đối với sản phẩm công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản: Tăng cường công tác khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng sát thực tế có tính bao quát phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh; khuyến khích áp dụng công nghệ tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên; Tập trung khai thác các khoáng sản mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phục vụ chế biến sâu, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế cao; trong đó, tổ chức khai thác, chế biến khoáng sản chì, kẽm, sắt và các sản phẩm đi kèm để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa.
Ba là, Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, đáp ứng phát triển công nghiệp trên cơ sở Quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Kêu gọi đầu tư xã hội hóa, chủ động bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật một số cụm công nghiệp có tiềm năng để thu hút các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tập trung xây dựng làng nghề tại các địa phương hiện đang có sản phẩm được thị trường chấp nhận, mở rộng phát triển sản xuất các sản phẩm mang tính truyền thống của địa phương gắn với du lịch, dịch vụ.
Bốn là, phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã có hiệu lực như: Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP và các nước trong khối ASEAN… để mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa. Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Đối với một số thị trường tiềm năng như thị trường châu Mỹ, tỉnh tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu, đồng thời tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế quan theo Hiệp định CPTPP để mở rộng thị phần xuất khẩu sang các thị trường khác như Ca-na-đa và các thị trường các nước Nam Mỹ; các sản phẩm hàng hóa tập trung xuất khẩu sang thị trường Châu Mỹ như mặt hàng gỗ, nông sản chế biến.
Năm là, Tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, thúc đẩy tạo thuận lợi hóa thương mại. Đồng thời, tăng cường hiệu quả và cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Nâng cao vai trò của Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn.
Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Sở Công Thương đã tổ chức Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để trao đổi, thảo luận các vấn đề khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị của doanh nghiệp về các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu; đồng thời tổng hợp thông tin để gửi các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các thị trường tiềm năng, nhà nhập khẩu, tập đoàn sản xuất và phân phối lớn của nước ngoài.
Đồng thời, Sở Công Thương cũng đã đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn trong việc tận dụng những Cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp nước ngoài, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu đặc biệt đối với các mặt hàng từ gỗ, chế biến nông sản./.
Phạm Thị Dịu (Sở Công Thương)